Thực hiện "mục tiêu kép": Phòng, chống dịch bệnh đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

22/09/2020 09:25

Ngày 21/9/2020, bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, tại điểm cầu bộ Y tế và điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, đại dịch Covid-19 đã lây lan rộng đến 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế xã hội của mỗi quốc gia và toàn cầu, tác động tiêu cực đến tâm lý và đời sống người nhân và còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết mức độ ảnh hưởng nguy hại của dịch.

Bên cạnh đó, các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi hay dịch bạch hầu vẫn ghi nhận số mắc cao, gây tăng gánh nặng trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ La Tinh.

Năm 2020, các bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, bệnh sốt rét giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết vẫn có số mắc cao, tăng cục bộ tại một số địa phương. Dự báo trong cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh dịch lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát thành dịch trong thời tiết mùa đông xuân.  

Về bệnh bạch hầu, theo TS. Đặng Quang Tấn - Cục trưởng cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu là các ca mắc trong tháng 6-7. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca, miền Trung 22 ca, miền Nam 4 ca. Riêng miền Bắc từ năm 2015 đến nay không có ca bệnh bạch hầu. Ông cũng nhấn mạnh, bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh, tiêm phòng bệnh bạch hầu đúng lịch là biện pháp quan trọng, đặc hiệu để phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần lựa chọn đúng vắc xin bạch hầu về liều lượng và thời điểm tiêm chủng.

Đồng thời, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, bệnh nhân, ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc gần, xử lý ổ dịch, điều trị ca bệnh và điều trị dự phòng để hạn chế tối đa lây nhiễm. Biện pháp sử dụng kháng sinh dự phòng có tác dụng quyết định, nhằm loại trừ nguồn lây trong cộng đồng (bệnh nhân và người lành mang trùng) rất hiệu quả. 

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo trong thời gian tới, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, không để dịch, bệnh lây lan.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các Sở Y tế đẩy mạnh công tác tham mưu cùng các cấp, các ngành tăng cường hoạt động phòng chống dịch lồng ghép với phòng chống Covid-19. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đến người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh vào mùa đông xuân.

Bên cạnh đó, các sở Y tế cùng ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục năm học 2020-2021. Chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để thực hiện cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, tránh bùng phát trong cộng đồng và thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị,…

Đồng thời, phối hợp cùng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương cùng các đơn vị liên quan giám sát, phát hiện các ổ dịch động vật, đặc biệt là cúm gia cầm. Chủ động chuẩn bị đủ kinh phí đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hỗ trợ các đơn vị trực thuộc, các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Lê Trà

Bạn đang đọc bài viết "Thực hiện "mục tiêu kép": Phòng, chống dịch bệnh đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội" tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG 24H. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.