Theo báo cáo từ Fmarket, hiệu suất các quỹ đầu tư trong nửa đầu năm 2025 biến động theo nhịp điều chỉnh của thị trường chứng khoán. Dù gặp nhiều thách thức, nhà đầu tư vẫn duy trì chiến lược tích sản dài hạn.
Thị trường tài chính toàn cầu chịu tác động từ nhiều yếu tố bất định, trong đó có đợt áp thuế đầu tháng 4 khiến VN-Index giảm xuống 1.073 điểm. Tuy nhiên, chỉ số nhanh chóng phục hồi, đóng cửa tháng 6 ở mức 1.376,07 điểm – cao nhất kể từ tháng 4/2022, tương ứng mức tăng 8,6% so với đầu năm.
Diễn biến này tác động đến hiệu suất quỹ mở. Nhiều quỹ đầu tư vào nhóm cổ phiếu công nghệ và ngân hàng vốn đã tăng mạnh từ trước ghi nhận hiệu suất chững lại. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như VIC, VHM, VRE trở thành yếu tố hỗ trợ thị trường, dù không được nắm giữ tỷ trọng cao trong danh mục quỹ mở.

Một số quỹ có chiến lược linh hoạt đã tận dụng đà phục hồi để đạt mức sinh lời cao, như DCDS của Dragon Capital ghi nhận gần 30% trong chưa đầy 3 tháng. Tính chung 6 tháng, hai quỹ cổ phiếu của MB Capital dẫn đầu với hiệu suất lần lượt 10,9% và 9,7%; BVFED (Bảo Việt Fund) đạt 8,47% và DCDS đạt 8,12%.
Nếu đầu tư 100 triệu đồng vào đầu năm 2025, BMFF là quỹ mang lại lợi nhuận cao nhất trong nửa đầu năm, với mức tăng trưởng 10,85%. Như vậy, sau 6 tháng, số tiền đầu tư sẽ tăng lên khoảng 110,85 triệu đồng. Theo sau là quỹ MBVF với mức sinh lời 9,67%, tương đương 109,67 triệu đồng sau nửa năm. Các quỹ BVFED và DCDS cũng ghi nhận hiệu suất tích cực lần lượt là 8,47% và 8,12%.

Dựa theo bảng dữ liệu cập nhật đến ngày 30/06/2025, nếu đầu tư vào quỹ mở trong vòng 5 năm, thì VESAF là quỹ có lợi nhuận trung bình cao nhất, đạt 22,9% mỗi năm. Điều này có nghĩa là nếu bạn đầu tư 100 triệu đồng và giữ liên tục trong 5 năm, tài sản có thể tăng lên khoảng 280 triệu đồng, nhờ vào lãi kép. Đây là hiệu suất vượt trội so với các quỹ còn lại trong top 5, như SSI-SCA (19,9%/năm), DCDS (19,2%/năm), VEOF (19%/năm) và VCBF-BCF (17,8%/năm).