Nga chính thức đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận 68 năm lịch sử: Thái độ của nước châu Âu gây chú ý

14/03/2024 12:14

Thỏa thuận này đã được tự động gia hạn 5 năm một lần kể từ khi bắt đầu (1956) vì không bên nào tỏ ra có ý định rút lui.

Nga hủy bỏ thỏa thuận lịch sử

Vào ngày 11/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức hủy bỏ thỏa thuận nghề cá với Anh.

Theo RT, đội tàu đánh cá của Anh đã bị từ chối tiếp cận ngư trường Bắc Cực giàu tài nguyên của Nga, sau khi ông Putin ký đạo luật chấm dứt thỏa thuận lâu dài cho phép các tàu của Anh hoạt động ở Biển Barents. 

Thỏa thuận nghề cá được Liên Xô, Anh và Bắc Ireland ký năm 1956, cho phép các tàu của Anh hoạt động ở các ngư trường trù phú dọc theo bờ biển Bán đảo Kola và phía đông Mũi Kanin Nos. Hiệp định tiếp tục có hiệu lực sau khi Liên Xô sụp đổ.

Biển Barents được biết đến là một trong những ngư trường đánh bắt cá tuyết, cá tuyết chấm đen quan trọng nhất thế giới. Trích dẫn dữ liệu mới nhất của cơ quan Thủy sản Vương quốc Anh, chỉ riêng nước Anh đã thu được hơn 560.000 tấn cá từ Biển Barents vào năm ngoái.

Nga chính thức đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận 68 năm lịch sử: Thái độ của nước châu Âu gây chú ý- Ảnh 1.

Tổng thống Putin ký lệnh hủy bỏ thỏa thuận đánh cá với Anh. Ảnh: Tass

Bình luận về luật này, Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin nói rằng, việc hủy bỏ thỏa thuận sẽ cho phép Nga giữ lại nguồn cá quan trọng trong vùng biển của mình.

"Người Anh... đã ăn thịt [cá của chúng ta] suốt 68 năm. Họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chúng ta, trong khi 40% khẩu phần ăn của họ, thực đơn cá của họ, lại đến từ cá tuyết của chúng tôi. Bây giờ hãy để họ giảm cân", ông Volodin nói.

Thỏa thuận này đã được tự động gia hạn 5 năm một lần kể từ khi bắt đầu vì không bên nào tỏ ra có ý định rút lui. Dự thảo biện pháp chấm dứt thỏa thuận đã được Bộ Ngoại giao và Nông nghiệp Nga đưa ra vào tháng 1 năm nay.

Theo các tài liệu đi kèm, tài liệu này chủ yếu là một chiều và không mang lại lợi ích cho phía Nga. Xem xét việc Vương quốc Anh chấm dứt quy chế thương mại quốc gia được ưu đãi nhất đối với Nga vào tháng 3 năm 2022, việc bãi bỏ tài liệu này sẽ không gây ra bất kỳ hậu quả kinh tế và chính trị đối ngoại nghiêm trọng nào đối với Nga.

Luật sẽ có hiệu lực trong mười ngày sau khi được công bố.

Phản ứng của Anh

Về động thái của Nga, một phát ngôn viên của chính phủ Anh đã trả lời: "Các tàu của Anh không đánh bắt cá ở vùng biển này của Nga nên điều này sẽ không có tác động đáng kể đến nguồn cung cấp cá của chúng tôi, bao gồm cả cá tuyết hoặc cá tuyết chấm đen".

Phía Anh nói thêm rằng, việc rút khỏi thỏa thuận là dấu hiệu cho thấy Moscow "tự cô lập trên trường thế giới".

Được biết, Anh đã tìm được nguồn cung cá mới từ Na Uy.

Theo Reuters, việc Nga rút khỏi thỏa thuận là dấu hiệu mới nhất cho thấy khoảng cách giữa Nga và phương Tây đã trở nên sâu sắc như thế nào sau hai năm xung đột ở Ukraine.

Đây cũng được coi là đòn trả đũa của Nga với Anh sau khi London công bố hơn 50 lệnh trừng phạt mới nhắm vào các cá nhân và doanh nghiệp Nga hồi tháng 2/2024.

Bạn đang đọc bài viết "Nga chính thức đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận 68 năm lịch sử: Thái độ của nước châu Âu gây chú ý" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.