Vì sao Elon Musk luôn lo lắng về khả năng SpaceX bị phá sản?

09/12/2021 10:00

Nếu SpaceX thực sự đang xem xét về khả năng phá sản của mình thì ít nhất đây không phải là lần đầu tiên mà Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới, ông chủ của công ty này nghĩ vậy.

16

Tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành SpaceX. Ảnh: CNBC

Ngày 1/12, CNBC đã có được bản sao của một bức thư mà Giám đốc điều hành SpaceX - Elon Musk đã gửi cho nhân viên của mình sau ngày Lễ Tạ ơn, trong đó vị tỷ phú nói rằng công ty chế tạo tên lửa có thể đứng trước “nguy cơ phá sản thực sự”, trừ khi họ có thể tăng tốc sản xuất động cơ Raptor cung cấp năng lượng cho tên lửa Starship của mình.

Mỗi lần phóng, một tên lửa phải cần đến 39 động cơ Raptor.

“Chúng ta phải đối mặt với nguy cơ phá sản nếu không thể đạt được tỷ lệ phóng Starship ít nhất hai tuần một lần trong năm tới." Musk viết: “Chúng ta cần chung tay để phục hồi sau ‘thảm họa’ ”.

Cùng ngày 1/12, Musk đã bổ sung trong một bình luận của mình trên Twitter rằng việc phá sản đối với SpaceX mặc dù “có lẽ sẽ không xảy ra" nhưng cũng "không phải là không thể", đặc biệt nếu nền kinh tế toàn cầu suy thoái trước khi công ty có thể khởi chạy chương trình Starship của mình.

Musk cũng dẫn chứng vụ phá sản lớn của hai gã khổng lồ ngành công nghiệp ô tô là General Motors và Chrysler trong cuộc “Đại suy thoái” năm 2009, và ông còn trích dẫn một câu nói của Andrew Grove, cựu giám đốc điều hành Intel, rằng: “Chỉ có kẻ hoang tưởng mới nghĩ mình có thể tồn tại được”. 

Đây không phải là đầu tiên SpaceX đối mặt với rủi ro tài chính nghiêm trọng. Trước đó, Musk cũng thường nói về mức độ rủi ro khi công ty được thành lập vào năm 2002 và gần như đã thất bại chỉ vài năm sau đó. Năm ngoái, nhà tỷ phú đã đăng lên Twitter rằng “trong những ngày đầu” khi thành lập Tesla và SpaceX, ông có rất ít niềm tin rằng một trong hai công ty sẽ thành công.

“Tôi đã nghĩ rằng có hơn 90% khả năng cả SpaceX và Tesla đều sẽ có giá trị 0 đồng”, ông viết.

Vào năm 2013, Musk đã phát biểu tại một sự kiện của Google dành cho các công ty khởi nghiệp về việc SpaceX đã trải qua những gì sau khi ba lần phóng thử tên lửa thất bại vào năm 2006 đến 2008. Sự thật là vị CEO này đã tự đầu tư khoảng 100 triệu USD bằng tiền riêng của mình để thành lập SpaceX và số tiền này chỉ đủ cho ba lần phóng thử tên lửa vào quỹ đạo. Thế nhưng cả ba lần đều không thành công. Lần đầu tiên là do hỏa hoạn, trong khi hai lần tiếp theo chỉ đơn giản là không lên được quỹ đạo.

“Tôi đã nghĩ ‘Không sao, chúng ta đủ khả năng thực hiện ba lần phóng’. Và sau đó, ngay cả lần thứ ba cũng thất bại” Musk nói. “Đó là một bài học rất, rất đau. Chúng tôi đã quá ngu ngốc khi không biết cách làm cho một tên lửa đi lên quỹ đạo”.

Thay vì đóng cửa công ty, Musk cho biết ông đã đầu tư nhiều hơn bằng tiền của chính mình, và nó chỉ đủ cho lần phóng thử thứ tư. Trong một bài phát biểu năm 2017 tại hội nghị Đại hội Vũ trụ Quốc tế (IAC) ở Adelaide, Australia, vị CEO đã nói rằng nếu lần phóng thứ tư không thành công, SpaceX sẽ đóng cửa một cách tốt đẹp.

“Đó đã có thể là tương lai của SpaceX. Nhưng số phận đã mỉm cười chúng tôi ngày hôm đó”, Musk nói.

Cuối cùng, lần khởi chạy thứ tư đã thành công. Theo báo cáo, các kỹ sư đã thay đổi một dòng mã hóa để khắc phục sự cố từ lần phóng thứ ba. Thành công này đã giúp SpaceX đạt được một hợp đồng thương mại với NASA trị giá khoảng 1,6 tỷ USD, kéo dài mạch sống cho công ty trẻ này.

Ngày nay, SpaceX gần như đã không còn non trẻ. Điển hình là vào tháng trước, công ty đã đạt mức định giá 100 tỷ USD, khiến việc SpaceX có thể thực sự phải đối mặt với phá sản một lần nữa càng trở nên khó tin. Vào tháng 10, một cuộc khảo sát của Morgan Stanley cho thấy phần lớn “các nhà đầu tư tổ chức và chuyên gia trong ngành” tin rằng SpaceX cuối cùng có thể vượt qua Tesla, công ty hiện có giá trị thị trường hơn 1,1 nghìn tỷ USD.

Musk luôn có thể sử dụng mối đe dọa phá sản như một chiến thuật tạo động lực cho nhân viên của mình. Nhưng như CNBC đã đưa tin gần đây, động cơ Raptor rất cần thiết cho tương lai tài chính của SpaceX - bởi vì công ty sẽ cần tên lửa Starship để phóng thế hệ vệ tinh Starlink tiếp theo lên quỹ đạo.

Theo Bloomberg, loại rủi ro này đã đưa Musk đến vị thế hiện tại là người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng ước tính 310 tỷ USD.

“Nếu thực hiện ước tính tỷ suất lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro (risk-adjusted rate of return) với các ngành khác, tôi sẽ xếp việc chế tạo tên lửa và ô tô điện gần cuối danh sách,” Musk cho biết tại hội đồng South by Southwest vào năm 2018. “Chúng sẽ là những thứ ngu ngốc nhất để làm”, ông nói.

(Theo CNBC)

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao Elon Musk luôn lo lắng về khả năng SpaceX bị phá sản?" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.