Nhiều dự án điện khí vẫn đang treo vì "thiếu đủ thứ"

23/11/2023 21:00

Thiếu tiền, thiếu kinh nghiệm, thiếu cơ chế chính sách,...là những thách thức lớn cho việc phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam.

Sáng ngày 22/11 tại Hà Nội, “Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề: “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng” được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận về các mục tiêu đã đề ra tại Quy hoạch điện VIII, làm rõ vai trò của nhiệt điện khí trong nước và LNG trong cơ cấu nguồn điện quốc gia, những lợi thế của điện khí, từ đó tìm ra cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường này.

Kinh tế vĩ mô - Nhiều dự án điện khí vẫn đang treo vì 'thiếu đủ thứ'

Quang cảnh diễn đàn. 

Thách thức của điện khí LNG ở Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương đánh giá, những năm gần đây, nhu cầu LNG trên thế giới tăng với nhịp độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022.

Tại Việt Nam, theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỉ m3 vào năm 2045.

Ông Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh, mặt thuận lợi cho điện khí LNG ở Việt Nam là Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đều rất quan tâm đến việc phát triển thị trường LNG. Đây là cơ sở để phát triển hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của loại nhiên liệu này tại Việt Nam. Chính phủ đang trong quá trình xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách để có thể đưa LNG vào Việt Nam.

Đề cập tới những thuận lợi cho việc phát triển LNG ở Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho biết, “Có nhiều địa điểm thuận lợi về mặt hạ tầng để phát triển các dự án LNG tại Việt Nam là một trong những lợi thế để có thể hình thành các trung tâm nhiệt điện sử dụng LNG quy mô lớn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương trong tương lai”.

Theo thống kê, hiện các địa phương đề xuất phát triển khoảng 140.000 MW (tập trung chủ yếu tại miền Trung và miền Nam) với khoảng hơn 30 vị trí đề xuất trải dài từ Bắc vào Nam.

Ngoài ra, thị trường cung cấp LNG trên thế giới trong thời gian tới dồi dào với giá cả cạnh tranh. Hiện nay các nước như Mỹ, Nga, Australia đang xây dựng nhiều nhà máy sản xuất LNG đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Nhiều nhà đầu tư quan tâm sẽ đảm bảo tính cạnh tranh và có nhiều sự lựa chọn tốt cho dự án.

Kinh tế vĩ mô - Nhiều dự án điện khí vẫn đang treo vì 'thiếu đủ thứ' (Hình 2).

Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương phát biểu tại diễn đàn. 

Còn về khó khăn thách thức, đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Việt Nam hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh, với việc các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG cũng chưa có quy định đầy đủ.

Ngoài ra, việc Chính phủ không cấp bảo lãnh và việc phát điện sẽ cạnh tranh trên thị trường, nên đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực trong quyết định đầu tư nhà máy điện độc lập.

Khó khăn nữa là Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG do phải nhập khẩu 100% loại nhiên liệu này. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi, giá LNG biến động thất thường và vì thường chiếm tỉ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu mà không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam. 

Kinh tế vĩ mô - Nhiều dự án điện khí vẫn đang treo vì 'thiếu đủ thứ' (Hình 3).

Chủ đầu tư của dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 đang gặp phải vướng mắc chưa thể đàm phán hợp đồng mua bán điện, giá điện…

Với dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, chủ đầu tư đang phấn đấu đưa vào vận hành từ năm 2025 để phù hợp Quy hoạch điện VIII, đến nay đã đạt tiến độ hơn 60%, nhưng vướng mắc là chưa thể đàm phán hợp đồng mua bán điện, giá điện…

Theo đại diện Bộ Công thương, khó khăn với điện khí LNG là cần vốn đầu tư rất lớn, nên cần đảm bảo hợp đồng bao tiêu sản lượng hàng năm, được ký hợp đồng dài hạn.

Trong tổng sơ đồ tính toán thì tổng vốn đầu tư là 57 tỷ USD. Với mức đầu tư này, có tiền trong tay cũng chưa thể thực hiện được, chưa biết thu xếp thế nào, trong khi sắp hết năm 2023.

Vấn đề kho chứa cũng là thách thức lớn. Hiện nước ta mới chỉ có duy nhất 1 kho được xây dựng đưa vào vận hành tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, còn nhiều kho chứa LNG đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc.

Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án điện - khí LNG, cũng như xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và tham gia vào thị trường LNG trên thế giới.

Cuối cùng, giá phát điện LNG cao hơn so với các nguồn điện khác nên gặp khó khăn trong tham gia thị trường điện và đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Ông Bùi Quốc Hùng đề xuất giải pháp, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có cơ chế đặc thù cho phát triển điện khí LNG tại Việt Nam để đáp ứng tiến độ đặt ra cho các dự án điện khí LNG. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện.

“Cần có tiêu chuẩn và chứng chỉ để đảm bảo rằng thiết bị được sản xuất hoặc mua sắm từ nước ngoài phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành”, ông Hùng đề nghị.

Gấp rút tháo gỡ cơ chế để phát triển

Từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm nữa để đạt mục tiêu 37.330 MW nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Do đó theo chuyên gia, vấn đề cần gấp rút thực hiện là tháo gỡ cơ chế cho lĩnh vực này.

Ông Bùi Quốc Hùng cho biết, Bộ Công thương được giao xây dựng cơ chế chính sách phát triển điện (trong đó có LNG), khung giá phát điện… Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 đang trình.

Với các dự án điện khí, để triển khai, các chủ đầu tư sẽ phải đàm phán giá với EVN theo Thông tư 57. Chính phủ cần phê duyệt kế hoạch, vận hành cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn; địa phương cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, chủ trương đầu tư…

“Có những chính sách riêng Bộ Công thương không đủ thẩm quyền, mà cần phải trình cấp có thẩm quyền, thậm chí phải trình Quốc hội, Bộ Chính trị, để có những cơ chế đặc thù cho điện khí LNG. Nếu không có cơ chế đặc thù thì sẽ rất khó triển khai”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng tại diễn đàn, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính, cho rằng việc phát triển cung và cầu, giá cả về khí LNG như thế nào là rất quan trọng. Hiện nay, thị trường năng lượng nói chung đang gặp vướng mắc lớn nhất là về giá, đây là “điểm nghẽn” khi đầu vào thì theo giá thị trường, còn đầu ra thì theo giá điều tiết của Nhà nước.

Kinh tế vĩ mô - Nhiều dự án điện khí vẫn đang treo vì 'thiếu đủ thứ' (Hình 4).

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính cho rằng, “điểm nghẽn” của thị trường năng lượng là về giá cả.

Đại diện Bộ Tài Chính cho rằng, giá cả làm sao phải cho phù hợp, bên cạnh tự do hóa giá cả, do thị trường quyết định, Nhà nước vẫn phải điều tiết để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, điện khí cũng không ngoại lệ

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, giá nhiên liệu LNG đầu vào chiếm tới 70-80% giá thành điện bán ra nên nếu sử dụng nhiên liệu giá cao thì dự án khó có thể tham gia thị trường điện, do đó có ý kiến cho rằng cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện.

Vị chuyên gia đề nghị rằng, cần nên nghiên cứu thành lập một hoặc một vài trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện. Đầu mối này phải được quản lý và giám sát của Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước.

"Cần sớm hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án điện khí LNG trong nước. Sớm hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm của Việt Nam trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG, xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy điện; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh để thúc đẩy đầu tư", PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất.

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều dự án điện khí vẫn đang treo vì "thiếu đủ thứ"" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.