Ngân hàng bàn chuyện "chuyển nhà" mùa đại hội cổ đông

Admin

05/05/2025 08:12

Nhiều ngân hàng bàn chuyện chuyển trụ sở tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, xem đây là bước đi chiến lược để mở rộng quy mô, tái định vị thương hiệu và phát triển dài hạn.

Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm nay không chỉ nóng với các chỉ tiêu lợi nhuận, phương án chia cổ tức hay kế hoạch tăng vốn, mà còn ghi nhận một làn sóng mới – nhiều ngân hàng bắt đầu bàn đến chuyện chuyển trụ sở chính.

Từ trung tâm tài chính sầm uất đến những khu đô thị mới, các kế hoạch di dời trụ sở được đặt trong chiến lược mở rộng quy mô, tái định vị thương hiệu và đón đầu xu hướng phát triển hạ tầng.

Eximbank lên kế hoạch Bắc tiến

Từ cuối năm ngoái đến nay, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã liên tục có những phiên họp ĐHĐCĐ từ bất thường đến thường niên đều có tờ trình liên quan đến câu chuyện đổi trụ sở.

Cụ thể, từ ĐHĐCĐ bất thường tháng 11/2024, Đại hội ngân hàng đã thông qua Tờ trình của HĐQT về việc thay đổi địa điểm đặt Trụ sở chính từ địa chỉ hiện tại là Tầng 8, Văn phòng số L8-01-11+16, Tòa nhà Vincom Center, Số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM sang địa điểm mới là số 27-29 Lý Thái Tổ, Phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Tp.Hà Nội.

Ngân hàng bàn chuyện "chuyển nhà" mùa đại hội cổ đông- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án khách sạn 6 sao Fairmont Hotels & Resort có địa chỉ tại 27-29 Lý Thái Tổ.

Đến ĐHĐCĐ bất thường tổ chức vào ngày 26/2 năm nay, Chủ tịch Eximbank Nguyễn Cảnh Anh cho biết, ngay sau đại hội cổ đông bất thường vào tháng 11/2024, HĐQT đã tổ chức, giao nhiệm vụ thành lập ủy ban để phụ trách việc chuyển trụ sở.

"Chúng tôi đã ký kết nguyên tắc về việc thuê địa điểm, thông tin này cũng đã được công bố công khai trên website của ngân hàng. Chúng tôi cũng đang làm việc với các nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ triển khai các thủ tục liên quan cho việc chuyển địa điểm ra Hà Nội. Hiện việc chuyển trụ sở cũng đang đợi sự chấp thuận của NHNN", ông Cảnh Anh thông tin.

Và mới đây nhất, ngày 29/4, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, Đại hội đã thông qua chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng Trụ sở chính Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Tp.HCM.

Ngân hàng bàn chuyện "chuyển nhà" mùa đại hội cổ đông- Ảnh 2.

ĐHĐCĐ Eximbank tiếp tục thảo luận về câu chuyện trụ sở.

Ông Trần Tấn Lộc - Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết đây là quyết định được cân nhắc hết sức cẩn trọng, phù hợp với định hướng kinh doanh dài hạn của ngân hàng, với mục tiêu cuối cùng là đem lại hiệu quả cao nhất và lợi ích tốt nhất cho cổ đông cũng như ngân hàng.

Khi Đại hội thông qua chủ trương dừng triển khai dự án xây dựng tại đây, HĐQT chắc chắn sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án xử lý, khai thác hoặc sử dụng hiệu quả tài sản này, trên nguyên tắc tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

Về đội ngũ cán bộ nhân viên khi ngân hàng thực hiện việc di dời trụ sở chính từ Tp.HCM ra Hà Nội ông Lộc cho biết nguồn nhân lực luôn là tài sản quý giá nhất của ngân hàng. Do đó, trong quá trình chuyển đổi, ngân hàng luôn đặc biệt chú trọng yếu tố con người.

Khi việc di dời trụ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cho phép thực hiện, ngân hàng chắc chắn sẽ có phương án phân công, bố trí nhân sự sao cho hợp lý nhất, phù hợp với nhu cầu hoạt động và chiến lược phát triển của ngân hàng trong giai đoạn tới.

Trên website của CTCP Xây dựng Central, đơn vị trúng thầu dự án khách sạn 6 sao Fairmont Hotels & Resort có 2 mặt tiền tại số 10 Trần Nguyên Hãn và số 27 - 29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội có chủ đầu tư là GELEX Group. Dự án có 4 hầm, 8 tầng với 241 phòng và các tiện ích phụ trợ. Diện tích khu đất 10.200m2. GELEX hiện là cổ đông lớn sở hữu 10% vốn tại Eximbank.

Nhiều ngân hàng đẩy nhanh thủ tục pháp lý

Không chỉ Eximbank, tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Đỗ Quang Hiển tiếp tục có những chia sẻ liên quan đến trụ sở ngân hàng.

Theo đó, hiện SHB đã được thông qua các chỉ tiêu quy hoạch cho trụ sở được 14 tầng, bây giờ chỉ còn hoàn tất thủ tục cuối cùng là phê duyệt chính thức. Nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay sẽ khởi công.

Với vị trí đất vàng kim cương SHB đã đầu tư, 2.200m2, ba mặt phố, thi công thiết kế đẹp thì SHB sẽ có một trung tâm tài chính - ngân hàng trong trung tâm thành phố, khẳng định thương hiệu của ngân hàng.

Ngân hàng bàn chuyện "chuyển nhà" mùa đại hội cổ đông- Ảnh 3.

Chủ tịch SHB thông tin nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay trụ sở chính của ngân hàng sẽ khởi công.

Tại ĐHĐCĐ năm 2024, vị lãnh đạo này cũng thông tin ngân hàng đang có lô đất "vàng" tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài. Đây là đất thổ cư và sẽ là tài sản lớn của SHB sau này. Về tiến độ hoàn thành, ông Hiển cho biết, trong vòng 3 năm nữa, SHB sẽ có trụ sở xứng tầm.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng chia sẻ về câu chuyện khi đi chung thang máy, cổ đông có yêu cầu ngân hàng thành lập trụ sở riêng.

Ông Tuấn cho biết, ngân hàng đang chuẩn bị có trụ sở mới trong năm nay, các thủ tục đang được tiến hành hoàn thiện. "Thiết kế trụ sở mới của MSB sẽ đẹp và đặc biệt nhất trong tất cả ngân hàng ở Việt Nam", lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh.

Ngoài ra, hồi tháng 3 năm nay, Ngân hàng TMCP Phát triển và Thịnh vượng (PGBank) cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Tp.Hà Nội về Tòa nhà Thành Công, ô đất P-D17 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội.

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: SHB đặt mục tiêu lọt top ngân hàng có tổng tài sản 1 triệu tỷ đồng trong năm 2026Tổng Giám đốc MSB: Ngân hàng thoái vốn khỏi TNEX Finance để tập trung chuyển đổi số Chủ tịch ABBank Đào Mạnh Kháng: Ngân hàng đã đi qua "vùng trũng nhất"

Tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 8/2024, ông Phạm Mạnh Thắng - người từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT PGBank chỉ ra 3 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngân hàng là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng.

Theo đó, để đảm bảo cơ sở vật chất, hạ tầng, ĐHĐCĐ bất thường PGBank đã thông qua việc chuyển địa điểm trụ sở chính về Tòa nhà Thành Công.

Những kế hoạch "chuyển nhà" đang được các ngân hàng bàn tính không chỉ đơn thuần là câu chuyện về cơ sở vật chất.

Đằng sau mỗi quyết định là một bước đi chiến lược: mở rộng quy mô hoạt động, nâng tầm hình ảnh thương hiệu, linh hoạt thích ứng với sự dịch chuyển địa lý của trung tâm tài chính – kinh tế, và quan trọng hơn là tái cấu trúc nội lực để phù hợp với xu hướng ngân hàng số, chuyển đổi số toàn diện.

Từ việc dừng dự án cũ để tính toán lại bài toán hiệu quả như Eximbank, đến việc đầu tư mạnh mẽ vào các trung tâm tài chính hiện đại như SHB, MSB hay PGBank, có thể thấy làn sóng dịch chuyển trụ sở không còn là "chuyện bên lề" mà đang trở thành một phần quan trọng trong định hướng phát triển dài hạn của nhiều ngân hàng.

Trong bối cảnh thị trường tài chính – ngân hàng đang chuyển mình mạnh mẽ, "ngôi nhà mới" không chỉ là nơi đặt trụ sở, mà còn là biểu tượng cho khát vọng chuyển đổi, vươn tầm và tạo dựng niềm tin mới với cổ đông, khách hàng và thị trường.

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng bàn chuyện "chuyển nhà" mùa đại hội cổ đông" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.