Loạt kiến nghị của Hà Nội với Thủ tướng về các dự án đang triển khai

06/05/2023 12:56

Chủ tịch Hà Nội kiến nghị về tăng cường phân cấp, ủy quyền, áp dụng cơ chế đặc thù cho các dự án đang triển khai như Vành đai 4 và các tuyến đường sắt đô thị.

Sáng 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để xử lý những kiến nghị và trao đổi tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

3 kiến nghị về dự án Vành đai 4

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, nhiều công trình lớn, quan trọng đã hoàn thành, đưa vào khai thác hoặc đã khởi công như: Vận hành Đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông.

Trong năm 2023, dự kiến hoàn thành Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Liên quan đến Vành đai 4 - vùng Thủ đô, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu 3 kiến nghị về các nội dung phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư.

Sự kiện - Loạt kiến nghị của Hà Nội với Thủ tướng về các dự án đang triển khai

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (Ảnh: VGP).

Cụ thể, cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư.

Đồng thời tổng hợp, gửi UBND Tp.Hà Nội là cơ quan đầu mối để chủ trì tổng hợp các nội dung liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp phát sinh các yếu tố dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (nếu có).

Về việc áp dụng cơ chế đặc thù của dự án đường Vành đai 4, Chủ tịch Thành phố đề nghị về việc cho phép nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP và BOT (Dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như nhà thầu thi công dự án được quy định trong Nghị quyết số 56 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Loạt kiến nghị với các dự án đường sắt đô thị

Đối với các tuyến đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết, ngoài tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông (tuyến 2A) đang khai thác, tuyến Nhổn - ga Hà Nội hiện đang triển khai thi công, 7 tuyến còn lại (tuyến số 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8) đều chưa được triển khai.

Vì vậy, Thành phố đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Tp.Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đề xuất trong tháng 5/2023).

Cùng với đó cho phép UBND Thành phố được thực hiện thanh toán từ nguồn vốn ứng trước của Ngân sách Thành phố để giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn của Dự án trong thời gian hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và gia hạn các khoản vay ODA của Dự án.

Đối với Tuyến đường sắt đô thị số 5, (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc), để bảo đảm việc cân đối nguồn lực trong việc thực hiện dự án, đề nghị xem xét, ưu tiên cho Thành phố sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án.

Đối với Dự án đường sắt Hà Đông - Xuân Mai (Tuyến 2A kéo dài), kiến nghị cho phép nghiên cứu, triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến Hà Đông - Xuân Mai kéo dài, nối tiếp với đoạn Cát Linh - Hà Đông (đã hoàn thành) theo hướng sử dụng vốn ODA và bảo đảm đồng bộ về kỹ thuật, công nghệ.

Sự kiện - Loạt kiến nghị của Hà Nội với Thủ tướng về các dự án đang triển khai (Hình 2).

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: Hữu Thắng).

Còn với Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi, Tp.Hà Nội đề nghị sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới để nghiên cứu tiền khả thi dự án mà không gắn với dự án đầu tư. Việc xác định thức hình thức đầu tư cho dự án sẽ được đề xuất sau khi có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đối với Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án chưa triển khai thi công được các gói thầu chính về xây lắp và thiết bị, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 90%, hiện đang rà soát, cập nhật một số nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh theo vị trí ga C9 điều chỉnh để thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Vì vậy, Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xem xét đẩy nhanh quá trình cho ý kiến để hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong năm 2023.

Đối với Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - tuyến số 3.2 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, hiện nay việc xem xét, phê duyệt đề xuất dự án còn chậm trễ, kéo dài từ năm 2020 đến nay.

Do vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thống nhất về nội dung giải trình của UBND Thành phố và cho phép được giải trình chi tiết ở các bước sau, để đẩy nhanh tiến độ việc triển khai Dự án.

Đối với Đoạn đường sắt quốc gia Yên Viên - Ngọc Hồi (bao gồm cả cầu Long Biên), ông Thanh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải bàn giao hồ sơ tài liệu cho Thành phố quản lý theo quy hoạch hệ thống mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để triển khai tuyến đường sắt đô thị số 01 tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi.

Bạn đang đọc bài viết "Loạt kiến nghị của Hà Nội với Thủ tướng về các dự án đang triển khai" tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG 24H. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.