Làn sóng áp thuế cao với hàng Trung Quốc có tác động ra sao tới kinh tế Mỹ?

16/05/2024 08:13

Nhiều chuyên gia cảnh báo xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tăng chi phí sản xuất xe điện nói chung, làm tổn hại tới những mục tiêu khí hậu và tạo việc làm trong lĩnh vực sản xuất.

Làn sóng áp thuế cao với hàng Trung Quốc có tác động ra sao tới kinh tế Mỹ?- Ảnh 1.

Robot lắp ráp xe điện Voyah, một thương hiệu xe của Trung Quốc, tại thủ phủ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: THX/TTXVN

Từ lâu, các nước đã coi thuế quan là biện pháp để bảo vệ và củng cố các ngành trong nước. Tuy nhiên, lịch sử và nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả kinh tế của biện pháp này thường không được như kỳ vọng.

Ngày 14/5, chính quyền Mỹ đã công bố một loạt thuế mức nhập khẩu mới với hàng Trung Quốc. Đây là một làn sóng thuế quan mới và tăng cao nhằm vào sản phẩm Trung Quốc thuộc một loạt ngành được coi là chiến lược đối với an ninh quốc gia.

Cụ thể, Mỹ sẽ tăng thuế đối với xe điện, chip, sản phẩm y tế… từ Trung Quốc, đồng thời giữ nguyên lệnh áp thuế dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Cụ thể, theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, Mỹ tăng thuế từ 25% lên 100% đối với xe điện, 7,5% lên 25% với pin lithium cho xe điện, từ 25% lên 50% với tế bào quang điện dùng để chế tạo các tấm pin Mặt trời, từ 0% lên 25% với một số khoáng sản quan trọng. Mức thuế với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ là 25%.

Thuế đối với cẩu giàn tăng từ 0% lên 25%, với ống và kim tiêm tăng từ 0% lên 50%, một số thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) sử dụng trong các cơ sở y tế tăng từ 0% lên 25%. Vào năm 2025, thuế với chất bán dẫn sẽ tăng gấp đôi lên 50%.

Ngoài ra, ông Biden giữ nguyên mức thuế đánh vào sản phẩm Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD do người tiền nhiệm là Donald Trump đưa ra. Mỹ nhập khẩu 427 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu 148 tỷ USD sang thị trường này vào năm 2023.

Làn sóng áp thuế cao với hàng Trung Quốc có tác động ra sao tới kinh tế Mỹ?- Ảnh 2.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai phát biểu tại một hội nghị ở San Francisco, California, ngày 16/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết việc điều chỉnh mức thuế quan là hợp lý vì Trung Quốc vẫn tiếp tục đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ và trong một số trường hợp, đã trở nên "mạnh bạo hơn" trong các cuộc tấn công mạng nhắm vào công nghệ Mỹ.

Các quan chức Mỹ cho rằng loạt biện pháp này kết hợp với chính sách đầu tư trong nước và phối hợp với đồng minh thân cận, không có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát tại nước này. Họ cũng hạ thấp nguy cơ Trung Quốc đáp trả.

Về phần mình, Trung Quốc cam kết sẽ ngay lập tức đáp trả. Bộ Thương mại Trung Quốc phản đối Mỹ tăng thuế và sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời kêu gọi Mỹ hủy bỏ các biện pháp này. Trung Quốc tuyên bố thuế quan là phản tác dụng và có nguy cơ làm leo thang căng thẳng.

Các nhà kinh tế dự báo rằng các khoản thuế quan áp với lượng hàng hoá trị giá 18 tỷ USD nhậ khẩu từ Trung Quốc) vừa được Mỹ công bố có thể sẽ có tác động tối thiểu trong ngắn hạn đến GDP, lạm phát và chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ở mức độ rộng, tình hình có thể phức tạp hơn.

Nhiều chuyên gia cảnh báo xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tăng chi phí sản xuất xe điện nói chung, làm tổn hại tới những mục tiêu khí hậu và tạo việc làm trong lĩnh vực sản xuất mà Tổng thống Biden nêu ra.

Nhà kinh tế Joe Brusuelas thuộc công ty RSM US bình luận với kênh CNN: “Các mức thuế mà chính quyền Mỹ áp lên hàng Trung Quốc báo trước mùa đông xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài và lạnh giá”.

Các mức thuế mới nhất được xây dựng dựa trên chương trình thuế quan trị giá 300 tỷ USD của cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2018 và 2019, trong đó áp thuế nặng nề đối với hàng Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại khác. Chương trình này vẫn đang có hiệu lực.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết áp mức thuế thậm chí còn cao hơn nếu ông đắc cử, không chỉ đối với hàng Trung Quốc mà còn là mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu. Đây là điều mà các nhà kinh tế cho rằng sẽ không chỉ gây ra mất việc làm đáng kể mà còn gây ra lạm phát ở Mỹ.

Tác động tới Fed

Các mức thuế mới nhất sẽ được triển khai trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2026. Thông báo về mức thuế này xuất hiện trong bối cảnh thị trường việc làm ở Mỹ vững chắc, tăng trưởng kinh tế ổn định và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Mỹ cũng đang trong cuộc chiến liên tục chống lạm phát ở mức cao hàng thập kỷ và đang giữ cho lãi suất ở mức cao hơn.

Ông Ryan Sweet, nhà kinh tế tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, nhận định rằng kế hoạch thuế quan của Tổng thống Joe Biden có thể sẽ không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.

“Các mức thuế bổ sung về cơ bản là một sai số được làm tròn đối với lạm phát và GDP, không có tác động gì đến chính sách tiền tệ. Fed sẽ không quá chú ý tới việc này, vì vậy thuế quan sẽ không tạo thêm lý do để giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn”.

Tác động tới sản xuất ở Mỹ

Năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush áp đặt thuế quan cao đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu. Khi đó, các nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù điều này chỉ khiến nền kinh tế thiệt hại 30 triệu USD, nhưng đã khiến các ngành tiêu thụ thép của Mỹ phải chịu giá cao hơn và dẫn đến tình trạng mất việc làm nghiêm trọng trên khắp ngành thép, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ không có sức mạnh thị trường để tác động đến giá cả.

Bảy năm sau, khi Tổng thống Barack Obama tăng thuế đối với lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc, sáng kiến này đã giúp cứu khoảng 1.200 việc làm trong ngành sản xuất lốp xe của Mỹ, nhưng lại gây thiệt hại 1,1 tỷ USD cho người Mỹ do giá cao hơn.

Các nhà kinh tế tại Fed lưu ý trong một bài báo năm 2019 rằng, các mức thuế do ông Trump áp đặt năm 2018 không làm cho số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất tăng ngay lập tức, mà thay vào đó gây ra mất việc làm và giá cả tăng đối với người tiêu dùng do chi phí đầu vào cao hơn và do các mức thuế trả đũa.

Tác động tới người tiêu dùng

Làn sóng áp thuế cao với hàng Trung Quốc có tác động ra sao tới kinh tế Mỹ?- Ảnh 3.

Các container hàng hóa Trung Quốc tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ ngày 23/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Sweet, thuế quan thường có ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế. Ông Sweet nhận định: “Hầu hết các nhà kinh tế coi thuế quan là một ý tưởng tồi vì biện pháp này ngăn cản một quốc gia thu được lợi ích từ việc chuyên môn hóa, làm gián đoạn dòng di chuyển của hàng hóa và dịch vụ, đồng thời dẫn đến phân bổ sai nguồn lực. Người tiêu dùng và nhà sản xuất thường phải trả giá cao hơn khi biện pháp thuế quan được áp dụng”.

Đó là vì thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu khi chúng cập bến tại Mỹ, gây thêm chi phí cho các nhà phân phối, nhà bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng Mỹ.

Trong một nghiên cứu năm 2023, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết các nhà nhập khẩu Mỹ chịu gần như toàn bộ chi phí thuế quan mà ông Trump áp với hàng Trung Quốc.

Tệ hơn nữa, một số doanh nghiệp dường như đã lợi dụng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đẩy giá lên cao hơn nữa.

Ngân hàng Goldman Sachs nhận thấy rằng biện pháp thuế quan tạo ra cơ hội tăng giá cho các nhà sản xuất Mỹ và các nhà xuất khẩu không phải là Trung Quốc.

Biện pháp thuế quan năm 2018 khiến các hộ gia đình Mỹ thiệt hại 419 USD mỗi năm do gánh nặng thuế cao hơn và tổn thất khác trên thị trường.

Dần dần, những tác động kinh tế tích cực của các biện pháp thuế quan càng trở nên mù mờ hơn.

Theo nghiên cứu xuất bản tháng 1/2024 của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, tác động kinh tế với việc làm và doanh nghiệp Mỹ mà biện pháp đánh thuế nhập khẩu, thuế trả đũa và trợ cấp nông nghiệp tạo ra là nhỏ và còn có thể hơi tiêu cực.

Theo các nhà nghiên cứu, cuộc chiến thương mại dường như chỉ mang lại lợi ích chính trị khi tăng cường hỗ trợ cho đảng Cộng hòa ở các cộng đồng bị biện pháp thuế quan ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tác động tới dòng chảy nhập khẩu

Những tác động bất ổn của đại dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng đã làm ảnh hưởng tới tác động của biện pháp thuế quan giai đoạn 2018-2019 đến hoạt động sản xuất và thương mại của Mỹ.

Các nhà nhập khẩu Mỹ đã bắt đầu thay thế hàng hóa Trung Quốc, nhưng khi đại dịch xảy ra và nhu cầu tiêu dùng của Mỹ tăng lên, hàng tồn kho trong nước giảm nhanh chóng và nhập khẩu từ Trung Quốc tăng trở lại.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 3% so với năm 2019, trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam tăng 50%. Ông Nicole Cervi, chuyên gia kinh tế tại Wells Fargo, bình luận: “Chắc chắn có một số dữ liệu cho thấy rằng lượng nhập khẩu tăng mạnh từ các quốc gia ngoài Trung Quốc. Một số trong đó có thể là do các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển một số hoạt động sang các quốc gia khác không bị ảnh hưởng bởi biện pháp thuế quan”.

Ông Peter Sand, nhà phân tích tại công ty Xeneta, cho rằng dữ liệu vận tải hàng không và đường biển gần đây làm tăng thêm nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể đang cố gắng lách thuế quan của Mỹ thông qua Mexico.

Theo dữ liệu của Xeneta, container chuyển hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đến Mexico đã tăng vọt 60% trong tháng 1 và 34% trong quý đầu tiên.

Theo ông Sand, đây là con số rất lớn vì đây là nơi mà tuyến đường thương mại chưa phát triển, nhưng đã trở thành một trong những tuyến đường nhộn nhịp nhất trên thế giới. Ông nói: “Rõ ràng là nhập khẩu ở mức độ này không chỉ dành cho mục đích nội địa ở Mexico”.