‘Kế hoạch B’ kiểu người giàu: 5 quốc gia được giới thượng lưu Mỹ "chọn mặt gửi vàng" để xin cấp quốc tịch thứ hai

20/04/2024 12:13

Lo lắng về khủng hoảng kinh tế - chính trị là một trong những chất xúc tác thúc đẩy sự quan tâm đặc biệt của người Mỹ đối với những tấm "hộ chiếu vàng".

Ngày càng có nhiều gia đình giàu có ở Mỹ xin cấp quốc tịch thứ hai như một cách để phòng ngừa rủi ro tài chính - công ty luật Henley & Partners chuyên dịch vụ quốc tịch và cư trú cho giới nhà giàu cho biết.

Theo hãng luật hàng đầu này, nhà giàu Mỹ đang có xu hướng xây dựng "danh mục hộ chiếu" - những bộ sưu tập địa vị công dân nước thứ hai, thứ ba hoặc thậm chí là thứ tư - để phòng trường hợp cần di cư ra nước ngoài. Hiện nay, người Mỹ là những người xin thẻ cư trú dài hạn ở nước ngoài hoặc nhập thêm quốc tịch nhiều nhất thế giới.

"Mỹ vẫn là một đất nước tuyệt vời. Hộ chiếu Mỹ vẫn tuyệt vời. Nhưng người giàu có nhu cầu phòng ngừa những biến động và bất ổn. Ý tưởng về sự đa dạng hóa là điều dễ hiểu đối với những người giàu khi họ nghĩ đến những gì mà họ đầu tư. Sẽ là không hợp lý khi chỉ có địa vị công dân ở một quốc gia trong khi một người giàu có khả năng đa dạng hoá về mặt này", ông Dominic Volek - trưởng bộ phận phục vụ khách hàng cá nhân tại Henley & Partners.

Một vài ví dụ điển hình gần đây về người giàu xin quốc tịch thứ hai là tỷ phú công nghệ Peter Thiel, một công dân Mỹ nhập tịch New Zealand, hay cựu CEO Eric Schmidt của Google xin nhập tịch Cyprus.

‘Kế hoạch B’ kiểu người giàu: 5 quốc gia được giới thượng lưu Mỹ

Bồ Đào Nha, Malta, Hy Lạp, Ý và New Zealand là 5 quốc gia được giới nhà giàu Mỹ lựa chọn hàng đầu khi xin thị thực

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng người giàu Mỹ không ồ ạt xin nhập thêm quốc tịch nước ngoài và cũng không từ bỏ hộ chiếu Mỹ.

Theo Henley, những quốc gia hàng đầu mà giới nhà giàu Mỹ lựa chọn khi xin hộ chiếu thứ hai bao gồm:

Bồ Đào Nha

Bồ Đào Nha là một trong những điểm đến hàng đầu đối với người Mỹ đang tìm kiếm hộ chiếu thứ hai, giám đốc điều hành của công ty môi giới quốc tịch Henley & Partners trước đây đã nói với Business Insider .

Theo Henley & Partners, người Mỹ có thể trở thành cư dân sau 5 năm thông qua chương trình thị thực vàng của Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, chính quyền Bồ Đào Nha biết hộ chiếu của họ đang có nhu cầu cao nên sẽ đặt ra một vài hạn chế nhất định như loại bỏ khoản trợ cấp cho phép mua bất động sản.

Những người nước ngoài mua bất động sản muốn gia hạn thị thực vàng hiện tại của họ, sẽ chỉ đủ điều kiện nếu tài sản của họ được sử dụng làm nhà riêng hoặc nếu các đơn vị này được đưa vào thị trường cho thuê dài hạn.

Được biết, để tham gia chương trình thị thực vàng, số tiền đầu tư cần rót vào Bồ Đào Nha là 500.000 euro, tương đương 541.000 USD.

Malta

Malta cũng có chương trình visa vàng với số tiền đầu tư yêu cầu là 300.000 euro.

"Nhập tịch Malta, bạn sẽ trở thành một công dân châu Âu, với đầy đủ các quyền định cư tại khắp châu Âu. Bởi vậy, bạn có thể sống ở Đức, con bạn có thể đi học ở Pháp, và bạn có quyền sống, học tập và làm việc ở khắp châu Âu", ông Volek cho hay.

Hy Lạp

Vào tháng 2, các quan chức chính phủ Hy Lạp tuyên bố họ sẽ tăng giá đầu tư lên 800.000 euro (khoảng 859.308 USD) cho những hòn đảo nổi tiếng nhất của nước này, Reuters đưa tin .

Reuters đưa tin, sự thay đổi này được đưa ra sau khi quốc gia này tăng yêu cầu đầu tư bất động sản từ 250.000 euro lên 500.000 euro vào năm 2023 đối với các thành phố và đảo có nhiều khách du lịch như Athens, Mykonos và Santorini.

Ý

Theo Henley & Partners, muốn tham gia chương trình mua hộ chiếu của Ý đòi hỏi "sự đóng góp đáng kể cho nền kinh tế đất nước" .

Để có được quyền sống và làm việc tại Ý, các nhà đầu tư phải sẵn sàng trả từ 250.000 đến 2 triệu euro (hoặc lên tới 2.148.560 USD).

New Zealand

CNBC đưa tin một số người siêu giàu đã để mắt tới New Zealand , chẳng hạn như ông trùm công nghệ Peter Thiel .

Trong khi Henley & Partners xếp hạng New Zealand là một trong 10 quốc gia được mong muốn có hộ chiếu thứ hai nhất, thì giấy tờ đó lại đi kèm với một mức giá khá cao.

Những cư dân tương lai nên chuẩn bị sẵn sàng chi từ 5 triệu đến 15 triệu đô la New Zealand - hoặc từ 2.987.275 đến 8.961.825 Đô la.

‘Kế hoạch B’ kiểu người giàu: 5 quốc gia được giới thượng lưu Mỹ

Số tiền đầu tư để mua thị thực có thể lên tới gần 9 triệu USD

Có 3 lý do chính dẫn tới việc nhà giàu Mỹ xây dựng "danh mục hộ chiếu". Đầu tiên, một hộ chiếu thứ hai giúp họ dễ dàng đi lại tới các quốc gia có mức độ thân thiện ít hơn với Mỹ.

"Với bất ổn địa chính trị toàn cầu gia tăng, việc sở hữu hộ chiếu của một quốc gia khác, nhất là những nước được coi là trung lập hoặc ôn hoà về chính trị, mang lại giá trị đáng kể", một báo cáo của Henley nhận định.

Một lý do khác là các chuyến công tác có thể trở nên an toàn và ít bị chú ý hơn khi một người Mỹ sử dụng một cuốn hộ chiếu khác để nhập cảnh. Lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ có thể trở thành mục tiêu của "sự oán giận, các vụ bắt cóc, hoặc khủng bố ở một số quốc gia có mức độ rủi ro cao mà họ cần phải đến vì mục đích công việc" - theo báo cáo của Henley. Báo cáo lấy ví dụ về các trường hợp như vậy từ các nhà quản lý quỹ phòng hộ gặp khách hàng toàn cầu, cho đến nhà điều hành doanh nghiệp khai mỏ đi thăm mỏ. Ngoài ra, sử dụng một hộ chiếu thứ hai còn có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các giao dịch tài chính xuyên biên giới ở quốc gia mà người đó nhập quốc tịch mới.

Cuối cùng, một số người giàu Mỹ muốn kế hoạch dự phòng cho trường hợp họ về hưu, chẳng hạn để được sống gần hơn với người thân đang sống ở nước ngoài, hoặc muốn có một phong cách sống mới trong kỷ nguyên làm việc từ xa. Một số người khác đưa ra lý do chính trị.

"Chúng ta đều trong sống một thời kỳ có nhiều bấp bênh, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Không chỉ cần tới kế hoạch B hay kế hoạch C, mà còn cần có cả kế hoạch D nữa", ông Volek nói.

Theo Businessinsider

Bạn đang đọc bài viết "‘Kế hoạch B’ kiểu người giàu: 5 quốc gia được giới thượng lưu Mỹ "chọn mặt gửi vàng" để xin cấp quốc tịch thứ hai" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.