HoREA: Doanh nghiệp địa ốc vẫn khó tiếp cận chính sách tiền tệ

06/01/2024 16:04

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhiều chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ áp dụng với nhiều lĩnh vực, nhưng bất động sản lại không được hưởng lợi.

HoREA cho rằng nhiều chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ áp dụng với nhiều lĩnh vực, nhưng bất động sản lại không được hưởng lợi. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong báo cáo gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây, HoREA nhận định chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội chưa áp dụng đối với các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án bất động sản và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản. Mặc dù các chủ đầu tư dự án bất động sản rất khó khăn do vướng mắc pháp lý, kể cả dự án nhà ở xã hội.

Về chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng cho các nhóm hàng hóa và dịch vụ đang có mức thuế suất 10%, giảm xuống còn 8%, chính sách này lại không áp dụng cho một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh bất động sản.

Do đó, các doanh nghiệp bất động sản không được hưởng chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong giai đoạn 2022-2023.

Hiệp hội đánh giá chương trình hỗ trợ lãi suất (2%/năm) với tổng giá trị 40.000 tỷ đồng đã đạt kết quả thực hiện thấp, chỉ giải ngân được khoảng 875 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 2,3%. Điều này phần lớn là do nhiều hạn chế và bất cập của chương trình.

Cụ thể, chương trình chỉ áp dụng cho một số ngành và lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và phục hồi, đồng thời hỗ trợ cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Tuy nhiên, tất cả dự án cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua đều gặp khó khăn do vướng mắc pháp lý.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đang gặp khó khăn trong việc chứng minh khả năng trả nợ và phục hồi. Đồng thời, sự lo ngại về hậu kiểm sau khi nhận được hỗ trợ lãi suất giảm 2% cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Ngoài ra, chính sách giảm 2% lãi suất không áp dụng cho một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, điều này đã làm thu hẹp đối tượng hưởng lợi từ chính sách.

Cũng tại báo cáo này, HoREA cho biết việc triển khai thực hiện của Ngân hàng Nhà nước đối với chính sách tiền tệ chưa đảm bảo theo tinh thần chỉ đạo cấp bách của Quốc hội và Chính phủ.

"Chính phủ yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất được các ngân hàng thương mại thực hiện khá chậm", văn bản nêu rõ.

Theo quan sát của HoREA, các ngân hàng mới giảm lãi cho các khoản vay mới với mức giảm 1,5-2% so với đầu năm 2023, còn các khoản vay cũ vẫn chịu lãi suất khá cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn.

Về chỉ đạo tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, phải 16 tháng sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

HoREA cho rằng nếu được ban hành sớm trong năm 2022 thì sẽ có ảnh hưởng tích cực lớn đối với nền kinh tế, các doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của ZNews tại Tủ sách kinh tế

Bạn đang đọc bài viết "HoREA: Doanh nghiệp địa ốc vẫn khó tiếp cận chính sách tiền tệ" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.