Giám đốc Sở ví ngành giáo dục - đào tạo “như con chim” 2 cánh trường công-tư

17/10/2023 20:01

(NLĐO)- Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, ví ngành GD-ĐT như một con chim, một cánh là khối các trường tư, một cánh là khối các trường công

Chiều 17-10, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội.

Giám đốc Sở ví ngành giáo dục - đào tạo “như con chim” - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên giải trình.

Phiên giải trình nhằm mục đích giám sát, đánh giá thực trạng công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của TP Hà Nội; phát hiện, làm rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập và những khó khăn vướng mắc liên quan, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Nêu vấn đề tại phiên giải trình, đại biểu Lâm Thị Quỳnh Giao (tổ đại biểu quận Nam Từ Liêm) cho biết tình trạng thiếu nhiều trường công lập ở các nội thành, nhất là các quận Đống Đa, Hoàng Mai đang tạo áp lực tuyển sinh đầu cấp, cũng như nhiều gia đình có con em đang tuổi đi học. "Đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, các quận Hoàng Mai, Đống Đa cho biết giải pháp nào khắc phục tình trạng này?"- bà Giao đặt câu hỏi.

Tham gia giải trình, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho biết Hoàng Mai là quận đông dân nhất TP với khoảng 700 ngàn người, trong đó hơn 100 ngàn cháu trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4.000 cháu. Tình trạng dân số đông, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được đang tạo áp lực lên công tác tuyển sinh đầu cấp.

Trước tình trạng này, có năm quận Hoàng Mai phải áp dụng giải pháp tình thế là bốc thăm nhập học cho các cháu mầm non. Hiện quận và TP cũng đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó đẩy nhanh xây trường mới, khuyến khích đầu tư trường ngoài công lập.

"3 năm qua, quận đã triển khai xây dựng mới được 23 trường học, tăng cường cải tạo sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học. Các trường ngoài công lập, học sinh chiếm 19% số học sinh trên địa bàn, giúp giảm tải trường công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, quận Hoàng Mai vẫn thiếu 43 trường học…" - ông Tâm nói.

Còn theo ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, quận có diện tích đất cho các trường rất chật hẹp, hiện nay 1 trường khoảng 60 lớp, trung bình số học sinh 40-60 học sinh/lớp. Quận đang cần 7 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

"Về giải pháp, tới đây quận sẽ tập trung đầu tư mạnh vào các dự án mới. Hiện quận đã hoàn thành 13/33 dự án, chuẩn bị cho 9 dự án mới để đảm bảo số trường chuẩn theo quy định. Đồng thời, có đề án sáp nhập những điểm trường nhỏ vào các trường lớn để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định" - ông Định nói.

Tham gia giải trình, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội, cho biết Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000-50.000 học sinh, đòi hỏi lãnh đạo TP cần chỉ đạo, triển khai xây dựng trường học mới, kể cả trường công lập và ngoài công lập. Mỗi năm phải tăng từ 30-40 trường học để đáp ứng số học sinh tăng mỗi năm.

Giám đốc Sở ví ngành giáo dục - đào tạo “như con chim” - Ảnh 2.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, phát biểu tại phiên giải trình.

Theo ông Cương, số lượng trường THPT tại một số quận huyện như Hoàng Mai nếu chia dân số ra phải có từ 18-20 trường THPT mới đủ nhưng ở Hoàng Mai chỉ có 4 trường tư thục, 4 trường công lập, vẫn thiếu hơn một nửa. Đây là nội dung lãnh đạo TP quan tâm trong nhiều năm qua, giải pháp hiện nay của TP là kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, các dự án xây dựng trường học mà quây tôn không làm thì kiên quyết thu hồi.

"Chúng tôi cũng có kiến nghị, đề xuất các cơ quan, xí nghiệp, trường cao đẳng, đại học di dời ra khỏi nội đô thì dành lại quỹ đất đó xây dựng trường học phục vụ con em. Các khu đất trống mà các huyện, các xã nếu thấy có thể xây được trường học thì có thể đề xuất với TP thay đổi quy hoạch quỹ đất để xây dựng trường học" - ông Trần Thế Cương nói.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay có ý kiến cần cân đối hài hòa giữa trường tư thục và công lập. Vì hiện các quận huyện chưa phát triển hài hòa giữa công và tư, ví dụ như tại quận Nam Từ Liêm, trường tư thục nhiều hơn công lập.

"Chúng tôi ví ngành GD-ĐT như một con chim, một cánh là khối các trường tư, một cánh là khối các trường công. Nếu 2 cánh chim này đập loạn nhịp thì con chim đưa ngành GD-ĐT bay rất chậm" - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội ví von.

Bạn đang đọc bài viết "Giám đốc Sở ví ngành giáo dục - đào tạo “như con chim” 2 cánh trường công-tư" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.