Giá điện tăng thêm 4,8% từ ngày mai (10/5)

Admin

09/05/2025 20:12

Từ năm 2023 đến nay, EVN đã 4 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3% và 4,5% và 4,8% và 4,8%.

Chiều 9/5, tại họp báo về công tác điều hành đảm bảo điện tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lãnh đạo EVN và Bộ Công Thương đã công bố các quyết định số 599 về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ngày 7/5, Quyết định 1279 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân.

Theo đó, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 4,8%/kWh, từ mức 2.103,11 đồng/ kWh (chưa bao gồm thuế VAT), lên mức 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Mức giá điện mới áp dụng chính thức từ ngày mai 10/5/2025.

Thời điểm tăng giá điện gần nhất vào ngày 11/10/2024, EVN đã điều chỉnh tăng giá điện thêm 4,8%, giá bán điện mới là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Như vậy, từ năm 2023 đến nay, EVN đã 4 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3% và 4,5% và 4,8% và 4,8%.

Giá điện tăng thêm 4,8% từ ngày mai (10/5)- Ảnh 1.

Từ năm 2023 đến nay, EVN đã 4 lần điều chỉnh giá điện.

Trước đó, ngày 28/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 72 quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Cụ thể, Nghị định nêu rõ khi giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.

Khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, thay vì 3% như quy định trước đó thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 2% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến.

Cần xóa bỏ cơ chế "mua cao, bán thấp" giá điệnHưởng lợi giá điện bất chính, 3 doanh nghiệp phải trả cho EVN hơn 1.200 tỷ đồng

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan.

Trên cơ sở ý kiến góp ý các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.

Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện theo quy định, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán lẻ điện bình quân.

EVN có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Theo quy định, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Trên thực tế, quy định về thời gian điều hành đã rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng và có hiệu lực từ 15/5/2024. 

Tuy vậy, gần 10 tháng qua, giá điện bán lẻ bình quân mới chỉ được điều chỉnh tăng 1 lần, vào giữa tháng 10/2024 với mức tăng thêm 4,8% so với mức giá trước, tăng từ 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Bạn đang đọc bài viết "Giá điện tăng thêm 4,8% từ ngày mai (10/5)" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.