Dồn dập cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán

28/12/2023 05:30

Các công ty chứng khoán đang chạy đua tăng vốn để mở rộng hoạt động ký quỹ. SSI trở thành công ty tiếp theo thông qua phương án phát hành cổ phiếu để nâng vốn thêm 5.300 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) vừa công bố kết quả lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Tăng vốn để cho vay margin

Cụ thể, SSI đề xuất phương án phát hành hơn 302,2 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông để tăng vốn với tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 20 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng.

Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dự vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác (nếu có) theo BCTC kỳ gần nhất được kiểm toán của công ty.

Bên cạnh đó, SSI cũng chào bán 151,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 10%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu có quyền mua 10 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu này cũng không bị hạn chế chuyển nhượng.

Nếu phát hành thành công 453 triệu cổ phiếu mới, SSI sẽ tăng vốn điều lệ thêm 5.300 tỷ đồng. Công ty dự kiến dùng nguồn vốn mới này để bổ sung vốn cho vay giao dịch ký quỹ (margin) và đầu tư vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác theo tỷ lệ do HĐQT quyết định.

chung khoan tang von anh 1

Các công ty chứng khoán liên tục nâng vốn khủng để tăng khả năng cho vay margin. Ảnh: Nam Khánh.

Sau giao dịch trên, vốn điều lệ SSI dự kiến nâng từ hơn 15.111 tỷ đồng (bao gồm 10 triệu cổ phiếu phát hành ESOP theo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2023) lên gần 19.645 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty chứng khoán này cũng đang có kế hoạch chào bán hơn 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn bình quân giá đóng cửa 10 phiên liên tiếp trước ngày HĐQT phê duyệt phương án chi tiết. Dự kiến phương án này sẽ được triển khai sau khi hoàn tất các phương án nói trên.

Dồn dập tăng vốn

Không riêng SSI, từ nửa cuối năm nay, các công ty chứng khoán đã bắt đầu đẩy mạnh cuộc đua tăng vốn để mở rộng hoạt động cho vay margin.

Trước đó, CTCP Chứng khoán TP.HCM - HSC - (HoSE: HCM) cũng công bố kế hoạch phát hành 228,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 50 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/đơn vị. Số cổ phiếu được chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành.

HSC dự kiến thu về hơn 2.286 tỷ đồng từ đợt chào bán này, trong đó dự kiến dùng 1.786 tỷ đồng cho hoạt động giao dịch ký quỹ và 500 tỷ đồng còn lại cho hoạt động tự doanh.

Ngoài ra, HSC sẽ phát hành gần 68,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2/2021 theo tỷ lệ 15%.

Tổng cộng qua 2 đợt phát hành, vốn điều lệ công ty dự kiến được bổ sung thêm gần 3.000 tỷ đồng, tăng từ 4.581 tỷ lên 7.552 tỷ đồng.

CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN CÓ VỐN CAO NHẤT
Tính đến 30/9.
NhãnSSIVPBankSVNDirectSHSVIXMirae AssetVPSHSCMBSVietcap
Vốn điều lệ tỷ đồng 1501115000121788132669465915700458143774375

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) cũng dự kiến chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20%, giá 10.000 đồng/đơn vị.

Công ty đồng thời lên kế hoạch phát hành gần 61 triệu cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 5%.

Như vậy, tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán và phát hành của VNDirect lên đến gần 304,5 triệu đơn vị. Nếu cả 2 phương án thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ nâng từ 12.178 tỷ đồng lên gần 15.223 tỷ đồng.

Với nguồn vốn này, VNDirect dự kiến dùng 40% để bổ sung hoạt động cho vay margin, 20% dùng để đầu tư vào giấy tờ có giá, 20% để bảo lãnh phát hành chứng khoán và 20% còn lại cho hoạt động phát hành và phân phối chứng quyền.

Tương tự, CTCP Chứng khoán ACB (ACBS) cũng vừa thông qua phương án tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng, lên mức 7.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm đến từ ngân hàng mẹ - Ngân hàng Á Châu (ACB).

Nếu phương án này được Ủy ban Chứng khoán thông qua, ACBS sẽ lọt top 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất thị trường.

Theo thống kê từ 25 công ty chứng khoán, tổng vốn điều lệ của nhóm công ty này ở thời điểm cuối quý I/2021 mới đạt gần 45.000 tỷ đồng, song đến cuối quý II/2023 con số này đã đạt xấp xỉ 111.500 tỷ, tức đã tăng gấp 2,5 lần.

VNDirect cho rằng hầu hết công ty chứng khoán đang duy trì CAR (tỷ lệ an toàn vốn) ở mức cao hơn nhiều so với ngưỡng yêu cầu. Tuy nhiên, do tỷ lệ tối đa đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được quy định ở mức 70%, hầu hết công ty dịch vụ tài chính đều tham vọng tăng vốn để chớp lấy cơ hội tiếp xúc nhiều hơn trong một thị trường đang phát triển.

Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Bạn đang đọc bài viết "Dồn dập cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.