Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần kích hoạt các động lực tăng trưởng mới, việc khơi thông nguồn lực, đặc biệt là dòng vốn cho doanh nghiệp, trở thành yếu tố then chốt. Tuy vậy, theo phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, vẫn tồn tại một điểm nghẽn đáng lưu ý: vai trò của các cổ đông thiểu số đại diện phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa đang vô tình trở thành lực cản, làm hạn chế khả năng tăng vốn, đầu tư và phát triển của chính doanh nghiệp.
Điểm nghẽn mang tên "cổ đông nhà nước thiểu số"Thực tế cho thấy tại nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa, Nhà nước chỉ còn nắm giữ tỉ lệ vốn nhỏ, thường dưới 36% và không còn quyền chi phối. Thế nhưng, do cơ chế quản lý vốn nhà nước hiện hành, các đại diện phần vốn này vẫn tham gia tích cực vào quá trình xem xét, phê duyệt hay yêu cầu báo cáo đối với những quyết định quan trọng, từ tăng vốn, đầu tư dài hạn cho tới thay đổi mô hình hoạt động.
Hệ quả là dù không còn giữ vai trò chi phối, cổ đông nhà nước vẫn có thể khiến các quyết sách chiến lược bị chậm trễ, làm gián đoạn kế hoạch phát triển hoặc trì hoãn những tái cấu trúc cần thiết. Trong giai đoạn doanh nghiệp rất cần sự linh hoạt để phục hồi và tăng tốc hậu đại dịch, điểm nghẽn này càng trở nên rõ nét.
Không chỉ dừng lại ở việc ra quyết định nội bộ, một số doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng. Dù không bị từ chối công khai, song việc hoàn thiện hồ sơ vay vốn lại vướng phải quy trình nội bộ phức tạp do sự tham gia của cổ đông nhà nước, kể cả khi tỉ lệ sở hữu của họ không lớn và không đủ quyền phủ quyết theo quy định pháp luật. Điều này gián tiếp kéo dài thời gian xét duyệt, khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh hoặc phải chịu chi phí vốn cao hơn.
Bỏ lỡ cơ hội, tiềm năng bị lãng phíTình trạng ách tắc do cổ đông nhà nước thiểu số không chỉ gây khó khăn về dòng tiền mà còn tác động tiêu cực đến việc khai thác hiệu quả tài sản và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Điển hình có thể kể đến câu chuyện của Công viên Văn hóa Đầm Sen (thuộc Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ). Dù sở hữu lợi thế lớn về vị trí, thương hiệu cũng như quỹ đất, song công viên này nhiều năm qua vẫn không thể triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo đáng kể.
Nguyên nhân theo các quan sát độc lập, xuất phát chính từ cấu trúc cổ đông còn chứa phần vốn nhà nước, khiến các quyết định đầu tư không được thông suốt. Tiềm năng khai thác bị bỏ ngỏ, trong khi thị trường giải trí – du lịch ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hiện đại, cạnh tranh hơn.
Về dài hạn, nếu không có những giải pháp tháo gỡ phù hợp, nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh tương tự sẽ rất khó phát huy vai trò trong tăng trưởng và chuyển đổi nền kinh tế.

Công viên Văn hóa Đầm Sen dù sở hữu lợi thế lớn về vị trí,thương hiệu và quỹ đất, công viên này nhiều năm qua không thể triển khai cácdự án nâng cấp, cải tạo đáng kể.
Từ thực tiễn hoạt động của hàng trăm doanh nghiệp hội viên, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, chia sẻ cộng đồng doanh nhân trẻ đang nỗ lực tái cấu trúc, đầu tư và mở rộng hoạt động trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, những ràng buộc phát sinh từ cơ chế quản lý phần vốn nhà nước, dù rất nhỏ, vẫn tạo ra những ách tắc không đáng có.
Ông Đặng Hồng Anh cho rằng các doanh nghiệp rất cần sự chủ động, minh bạch và nhất quán để vận hành hiệu quả, đúng với tinh thần thị trường. Đây không phải là vấn đề riêng lẻ mà đã trở thành mẫu số chung đối với nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay.
Trước thực trạng đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã kiến nghị cần có những giải pháp thực chất và bền vững để tháo gỡ điểm nghẽn. Theo đó, việc thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước là hết sức cần thiết, nhất là tại các doanh nghiệp Nhà nước không còn giữ vai trò then chốt theo định hướng phát triển. Khi Nhà nước rút vốn hoàn toàn, doanh nghiệp sẽ có điều kiện vận hành hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường, tự chủ hơn trong huy động vốn và triển khai các chiến lược dài hạn.
Song song, cần hoàn thiện cơ chế xác định giá khởi điểm khi thoái vốn theo hướng khách quan, minh bạch và bám sát thị trường. Việc mời tối thiểu ba tổ chức thẩm định giá độc lập để đưa ra mức định giá, sau đó lấy giá trung bình làm căn cứ đấu giá sẽ không chỉ bảo đảm tính công bằng, tránh thất thoát tài sản nhà nước mà còn củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, giúp quá trình thoái vốn diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.
Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là sử dụng nguồn thu từ việc thoái vốn sao cho thực sự hiệu quả. Thay vì để vốn nhà nước tiếp tục "kẹt" trong các doanh nghiệp không còn nắm quyền chi phối, nguồn lực này nên được ưu tiên phục vụ các chương trình đầu tư phát triển trọng điểm của quốc gia. Đây chính là sự dịch chuyển cần thiết, đưa nguồn lực từ những nơi chưa phát huy hiệu quả sang các lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Hội Doanh nhân trẻ cũng đề xuất cần sớm ban hành hướng dẫn rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước thiểu số, bảo đảm khi Nhà nước không còn chi phối thì đại diện phần vốn phải tuân thủ nghiêm túc theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Điều này giúp hạn chế tình trạng can thiệp sâu vào các hoạt động điều hành chiến lược mà không còn đủ cơ sở pháp lý, tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, từ đó bảo đảm sự linh hoạt cho doanh nghiệp.
Hướng tới môi trường kinh doanh bình đẳngÔng Đặng Hồng Anh nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo toàn vốn nhà nước, nhưng đồng thời cũng mong muốn có một cơ chế quản lý linh hoạt và phù hợp với thực tiễn kinh tế thị trường. Nếu các vướng mắc được tháo gỡ, doanh nghiệp có thể huy động vốn, tăng đầu tư, tạo việc làm và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế – đây cũng chính là mục tiêu mà cả khu vực công và tư cùng hướng đến".
Có thể thấy, việc tháo bỏ các rào cản cơ chế liên quan đến phần vốn nhà nước không chi phối không chỉ có ý nghĩa đối với từng doanh nghiệp cụ thể mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Đây cũng là tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, đóng vai trò cầu nối với các cơ quan chức năng để phản ánh, kiến nghị và thúc đẩy các cải cách thực chất, vì một môi trường đầu tư thuận lợi và tương lai phát triển bền vững của đất nước.