ĐBQH: Nên có ưu đãi đi kèm khi áp thuế tối thiểu toàn cầu

10/11/2023 16:03

Các đại biểu cho rằng, thay vì thu hút đầu tư bằng hình thức ưu đãi thuế, Việt Nam sẽ phải sớm có chính sách ưu đãi phù hợp khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.

Cơ hội mới cho Việt Nam trong thu hút đầu tư

Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (gọi tắt Thuế tối thiểu toàn cầu) sáng 10/11, đại biểu Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế - đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã tích cực tham gia thẩm tra, đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Theo sáng kiến của của OECD, các nước G20 và Diễn đàn hợp tác chung IF với 142 nước trong đó có Việt Nam tham gia và thống nhất thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu là 15% trở lên. 

“Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo một mặt bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế. Đây cũng là chính sách mới và là cơ hội mới cho các nước tham gia nhất là các nước cần thu hút đầu tư nước ngoài như Việt Nam”, ông Nam cho biết.

Hiện một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật… đã tích cực chuẩn bị từ rất sớm để áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô - ĐBQH: Nên có ưu đãi đi kèm khi áp thuế tối thiểu toàn cầu

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên - Huế).

Tuy nhiên, theo ông Nam, Việt Nam cũng đã tích cực nghiên cứu và có chính sách để phù hợp thì các địa phương nhất là các tỉnh có các công ty đa quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn như Bắc Ninh, Bình Dương cũng cần phải nghiên cứu các chính sách này để kịp thời ứng phó những tác động của chính sách khi có hiệu lực.

Một lưu ý cũng được đại biểu Nguyễn Hải Nam đưa ra đó là hệ thống kế toán trong áp dụng thuế của Việt Nam cần sớm nghiên cứu để đáp ứng khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, đơn cử như chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

“Chúng ta phải nghiên cứu và có quy định để đồng bộ với hệ thống tài chính quốc tế”, đại biểu Nguyễn Hải Nam nói.

Bên cạnh đó, năm tài chính kế toán của Việt Nam và Quốc tế cũng có sự khác nhau, theo đại biểu chia sẻ, một số nước kết thúc năm tài chính vào tháng 12 trong khi một số nước lại là tháng 6. Hay quy định về tờ khai thuế, thời hạn kê khai…cũng có sự khác biệt với nhiều nước. Do vậy, đại biểu lưu ý Việt Nam cũng cần có quy định để đồng bộ.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, cần sớm có chính sách bổ trợ khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Kinh tế vĩ mô - ĐBQH: Nên có ưu đãi đi kèm khi áp thuế tối thiểu toàn cầu (Hình 2).

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu).

Chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Hải Nam, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) cho biết, hiện chúng ta đang có một số ưu đãi để thu hút đầu tư thấp hơn so với quy định chuẩn 15% của thuế tối thiểu toàn cầu.

Khi thực hiện đánh thuế tối thiểu toàn cầu, môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam sẽ thay đổi, trước đây chúng ta đã áp dụng nhiều hình thức để thu hút đầu tư trong đó có chính sách thuế. Nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cơ bản ưu đãi thuế trong thu hút đầu tư không còn nữa.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị cần có chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định OEDC cũng như điều kiện của Việt Nam để tiếp tục duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn, cũng như có chính sách để giữ chân các nhà đầu tư mà Chính phủ đã có những cam kết về ưu đãi khi họ đầu tư vào Việt Nam.

Đại biểu cho rằng, chính sách đầu tư, ưu đãi đầu tư khi xây dựng phải tính thêm không chỉ thu hút doanh nghiệp nước ngoài, bản thân các doanh nghiệp trong nước khi đầu tư ra nước ngoài có đủ năng lực, trình độ khoa học công nghệ cũng được hưởng chính sách này.

Cần ban hành ngay chính sách bằng Nghị quyết

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), việc ban hành quy định về áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu là rất cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn nếu chúng ta thực hiện thu thì ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư, vì họ mất đi ưu đãi trước đây đang được hưởng. Như vậy, nhà đầu tư sẽ băn khoăn có nên tiếp tục đầu tư không, tính hấp dẫn với nhà đầu tư mới cũng bị ảnh hưởng.

Có ý kiến cho rằng cần ban hành song song 2 chính sách, vừa điều chỉnh thu, vừa ban hành chính sách ưu đãi, để không gây ra tác động về tư tưởng với nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện chính sách ưu đãi thì còn cần phải thảo luận thêm.

Kinh tế vĩ mô - ĐBQH: Nên có ưu đãi đi kèm khi áp thuế tối thiểu toàn cầu (Hình 3).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Trong khi đó, nếu không ban hành ngay chính sách này trong năm 2024, thì các nước, trong đó có các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã áp dụng ngay từ năm 2024. Do đó, đại biểu cho rằng cần phải ban hành ngay việc điều chỉnh mức thu trong năm 2024 bằng một Nghị quyết.

Liên quan đến hình thức Nghị quyết, có phải thí điểm hay không, đại biểu Cường lưu ý nếu là thí điểm thì không đảm bảo quy chuẩn, chính sách ổn định, nên về bản chất là chính sách thí điểm nhưng đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là không gọi tên là thí điểm, nhưng phải có thời hạn. Thời gian tới, khi điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp mới, có bổ sung về ưu đãi, thì Nghị quyết này không còn hiệu lực nữa.

Về nội dung của Nghị quyết, đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, ông Cường đề nghị phải thể hiện được trong Nghị quyết là khi thu bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp thì sẽ có chính sách ưu đãi khác để hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí đầu vào.

"OECD mong muốn ưu đãi để giảm chi phí đầu vào chứ không phải bằng thuế, nên trong Nghị quyết này cần thể hiện tinh thần đó", ông Cường nói.

Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế, có hiệu lực từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất.

Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU sẽ đánh thuế vào năm 2024. Việt Nam cũng có kế hoạch áp thuế này từ năm 2024.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỷ đồng trong năm sau.

Bạn đang đọc bài viết "ĐBQH: Nên có ưu đãi đi kèm khi áp thuế tối thiểu toàn cầu" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.