Đằng sau sự im ắng lạ thường của thị trường gọi xe công nghệ Việt

Admin

24/05/2025 12:14

Gần đây thị trường gọi xe công nghệ chưa ghi nhận "tay chơi" mới, song các ứng dụng nội địa như Be, Xanh SM đang tận dụng cơ hội bứt tốc, trong khi Grab không ngừng mở rộng.

goi xe 2 banh be,  doanh thu be group,  grab thay ceo viet,  thi phan goi xe anh 1

Kể từ khi Gojek rời đi vào năm ngoái, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam bước vào giai đoạn tái cấu trúc. Không còn những màn ra mắt rầm rộ của các tân binh hay chiến dịch "đốt tiền" ồn ào như giai đoạn 2018-2020, sân chơi dường như lặng sóng hơn với sự thống trị quen thuộc của những cái tên cũ.

Ngay cả Bolt - "gã khổng lồ" đến từ châu Âu - cũng chỉ lặng lẽ thăm dò thị trường suốt nửa năm qua mà chưa có động thái triển khai nào rõ ràng.

Tuy nhiên, sự im ắng này không có nghĩa thị trường đã bước vào trạng thái bão hoà hay thiếu cạnh tranh. Đằng sau đó là một cuộc đua âm thầm nhưng quyết liệt, nơi các ứng dụng nội địa và quốc tế tiếp tục mạnh tay chi tiền để mở rộng thị phần, phát triển hệ sinh thái và khai thác dịch vụ mới.

Ứng dụng nội địa tăng tốc

Mới đây, Be Group bất ngờ thông báo sẽ ngừng tích hợp dịch vụ gọi xe điện GSM (bao gồm Xanh SM Taxi và Xanh SM Bike) trên ứng dụng kể từ ngày 21/5, khép lại 2 năm hợp tác cùng chia sẻ nền tảng.

Be cho biết quyết định này xuất phát từ sự thay đổi định hướng giữa hai bên. Trong giai đoạn hợp tác, Xanh SM Taxi từng chiếm tới 6% tổng số chuyến gọi ôtô mỗi tháng trên ứng dụng Be, cao hơn mức trung bình 2-5% ở các nền tảng khác.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Be đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về tăng trưởng và dần gia tăng vị thế độc lập trên thị trường. Theo báo cáo nội bộ tự công bố, GMV (tổng giá trị giao dịch) toàn nền tảng Be đã tăng trưởng 60% trong năm 2024 so với năm trước đó. Tính trong giai đoạn 4 năm hậu Covid-19 (2022-2024), mức tăng trưởng gần gấp 8 lần, đưa doanh nghiệp này tiệm cận điểm hoà vốn.

Khác với các đối thủ tập trung chủ yếu vào dịch vụ gọi xe truyền thống, Be theo đuổi chiến lược trở thành một "siêu ứng dụng" tích hợp với hệ sinh thái gồm 12 nhóm dịch vụ và khả năng tích hợp, bán chéo.

HÀNH VI SỬ DỤNG SIÊU ỨNG DỤNG CỦA NGƯỜI VIỆT
Báo cáo Thói quen sử dụng Siêu ứng dụng tại Việt Nam của Cimigo, dựa trên khảo sát tại TP.HCM (490 người) và Hà Nội (458 người).
NhãnSiêu ứng dụng nói chungMoMoBeShopeeGrabZaloPayTikTokTraveloka
Tần suất sử dụng lần/tuần 5.054.163.63.232.971.51.310.17

Khởi đầu từ dịch vụ gọi xe với đặc điểm là nhu cầu thiết yếu có tần suất cao vào năm 2018, Be nhanh chóng vượt qua mô hình gọi xe thuần túy và mở rộng sang các dịch vụ tiêu dùng như giao đồ ăn, nạp điện thoại, thanh toán hóa đơn, đặt vé... Chiến lược này cũng tương đồng cách các siêu ứng dụng toàn cầu áp dụng, giúp tăng mức độ gắn bó và giá trị vòng đời người dùng.

Theo Báo cáo Thói quen sử dụng Siêu ứng dụng tại Việt Nam của Cimigo, dựa trên khảo sát tại TP.HCM (490 người) và Hà Nội (458 người), trung bình người dùng sử dụng siêu ứng dụng 5 lần mỗi tuần. Trong đó, gọi xe máy (3,04 lần/tuần), giao đồ ăn (2,83 lần/tuần) và mua sắm online (2,21 lần/tuần) là 3 dịch vụ được sử dụng thường xuyên nhất và có mức chi tiêu cao nhất trên các siêu ứng dụng.

Hiện, Be nằm trong top 3 siêu ứng dụng được sử dụng thường xuyên nhất, phổ biến với các dịch vụ gọi xe 2 bánh như gọi xe máy, giao hàng, giao đồ ăn, trong khi các đối thủ như Grab thiên về mảng gọi xe 4 bánh. Thế mạnh của hãng chủ yếu nằm ở yếu tố giá rẻ, có nhiều ưu đãi và mã giảm giá cũng như khả năng thao tác nhanh, tiện lợi.

Báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu Rakuten Insight, với câu trả lời khảo sát từ 7.436 người dùng trên 16 tuổi ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ, cũng cho thấy Be đang phục vụ tốt phân khúc người tiêu dùng nhạy cảm với giá.

Cụ thể, 24% người dùng chọn ứng dụng này vì giá cạnh tranh và 23% bị thu hút bởi các chương trình khuyến mãi sâu. Điều này cho thấy trong khi Grab và Xanh SM cạnh tranh về chất lượng và khả năng cung ứng, thì Be lại duy trì sức cạnh tranh bằng chiến lược định giá linh hoạt.

goi xe 2 banh be,  doanh thu be group,  grab thay ceo viet,  thi phan goi xe anh 2

Be đặt mục tiêu vận hành 500.000 tài xế đối tác trên toàn quốc. Ảnh: Phương Lâm.

Một trong những điểm mạnh khác của hãng là quy mô đối tác đông đảo. Tính đến hết năm 2024, số lượng tài xế của Be tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và kỳ vọng chạm mốc 500.000 tài xế trên toàn nền tảng, áp đảo hoàn toàn so với các "ông lớn" cùng ngành.

Việc có số lượng đối tác tài xế lớn giúp ứng dụng rút ngắn thời gian kết nối giữa người dùng và tài xế, đồng thời tăng khả năng phủ sóng dịch vụ tại các khu vực ngoài trung tâm. Người dùng vì thế ít khi phải chờ lâu hoặc gặp tình trạng "không tìm thấy tài xế", đặc biệt trong các khung giờ cao điểm hoặc điều kiện thời tiết bất lợi.

Các "ông lớn" không ngồi yên

Thực tế, trong khi Be bứt tốc với chiến lược siêu ứng dụng và mở rộng hệ sinh thái, các đối thủ lớn trên thị trường cũng không ngồi yên.

Grab, Xanh SM và loạt tên tuổi đều liên tục rót vốn cho các dịch vụ mới, mở rộng tiện ích, tối ưu trải nghiệm người dùng và giữ chân tài xế. Cuộc cạnh tranh vì thế không chỉ nằm ở giá cước hay khuyến mãi, mà còn là cuộc đua về tốc độ cải tiến sản phẩm và độ phủ nền tảng.

Điển hình, hãng gọi xe điện Xanh SM chuẩn bị ra mắt nền tảng Xanh SM Ngon, cung cấp dịch vụ giao đồ ăn tại Hà Nội. Đây là bước mở rộng mới trong hệ sinh thái vận chuyển sử dụng phương tiện xanh của hãng.

Theo giới thiệu, Xanh SM Ngon hướng đến nhóm đối tác là nhà hàng, quán ăn, tiệm đặc sản hoạt động tại Hà Nội. Nền tảng cam kết miễn phí đăng ký, duyệt hồ sơ nhanh, phí dịch vụ linh hoạt và đội ngũ giao hàng "xanh - sạch - chuyên nghiệp". Ngoài ra, các nhà hàng có thể lựa chọn tự giao hàng hoặc tích hợp cùng hệ thống giao vận của hãng.

goi xe 2 banh be,  doanh thu be group,  grab thay ceo viet,  thi phan goi xe anh 3

Xanh SM tham vọng lấn sân mảng giao đồ ăn. Ảnh: Phương Lâm.

Dẫu vậy, dịch vụ mới của Xanh SM có thể vấp phải không ít thách thức. Khác với các dịch vụ như vận chuyển hay giao hàng, thị trường giao đồ ăn Việt Nam tương đối cô đặc.

Tính riêng trong năm 2024, hai "gã khổng lồ" ShopeeFood và Grab chia nhau phần lớn thị phần ở Việt Nam với tỷ lệ lần lượt là 47% và 48%. Thị phần ít ỏi còn lại thuộc về Be (4%) và Gojek (1%) - ứng dụng đã rời đi từ tháng 9/2024.

Hay như Lalamove - nền tảng giao hàng theo yêu cầu đến từ Hong Kong - cũng mới cho ra mắt dịch vụ đặt xe máy và ôtô tại khu vực TP.HCM kể từ tháng này.

Với Grab, hãng gọi xe Singapore vẫn đang duy trì chiến lược mở rộng địa bàn và gia tăng lượng giao dịch tại các tỉnh thành ngoài 2 đô thị lớn.

"Hiện chúng tôi đã có mặt ở hơn 50 tỉnh, thành và vẫn tiếp tục mở rộng. Riêng năm ngoái, lượng giao dịch tại các địa phương ngoài TP.HCM và Hà Nội tăng trưởng tới 63% so với năm 2023. Đây là một con số rất ấn tượng, củng cố niềm tin rằng chúng tôi đã tìm ra đúng công thức mở rộng phát triển. Giờ đây, chúng tôi cần tiếp tục phát huy hơn nữa", CEO Grab Việt Nam Alejandro Osorio chia sẻ với Tri Thức - Znews vào đầu tháng 5.

Năm ngoái, lượng giao dịch của Grab tại các địa phương ngoài TP.HCM và Hà Nội tăng trưởng tới 63% so với năm 2023

CEO Grab Việt Nam Alejandro Osorio

Theo báo cáo thường niên 2024, doanh thu của Grab tại Việt Nam đã tăng trưởng liên tục 3 năm gần nhất, từ 108 triệu USD (năm 2022) lên 185 triệu USD (năm 2023) và đạt 228 triệu USD trong năm 2024 - tương đương khoảng 5.700 tỷ đồng. Nếu tính riêng trong năm 2023, mức tăng trưởng là hơn 70% và tiếp tục tăng gần 23% trong năm nay.

Tuy nhiên, nếu đặt trong tương quan khu vực, thị trường Việt Nam vẫn chưa phải "ngòi nổ doanh thu" của Grab. Dù có lợi thế lớn về dân số và tỷ lệ tiếp cận Internet, doanh thu Grab tại Việt Nam chỉ chiếm hơn 8% tổng doanh thu toàn Đông Nam Á, nhỉnh hơn một số thị trường nhỏ như Campuchia hay Myanmar.

Về tổng thể, Grab vẫn duy trì vị thế ứng dụng gọi xe phổ biến nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, lợi thế đó đang dần bị "bào mòn" khi các mảng dịch vụ cốt lõi như gọi xe 2 bánh và 4 bánh đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày một gay gắt từ Be và Xanh SM.

Sắp tới, siêu ứng dụng này sẽ thay đổi nhân sự cấp cao, khi Giám đốc Thương mại Mã Tuấn Trọng sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí CEO Grab Việt Nam thay cho ông Alejandro Osorio, từ ngày 1/7.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Đằng sau sự im ắng lạ thường của thị trường gọi xe công nghệ Việt" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.