Đà tăng chưa lan tỏa hết các lớp cổ phiếu

Admin

22/07/2025 16:30

(ĐTCK) Nửa cuối năm 2025, nền kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững ở mọi khía cạnh, nhờ các động lực mới đến từ đầu tư công và đầu tư tư nhân. Xuất khẩu dự báo sẽ chậm lại trong giai đoạn này nhằm thích nghi với điều kiện thuế quan mới. Bù lại, chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho tiêu dùng nội địa phục hồi.

Bội thu ngân sách trong nửa đầu năm cũng là cơ sở để triển khai chính sách tài khóa mở rộng trong thời gian tới. Cách điều hành quyết liệt trong việc hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi mô hình sẽ tạo không gian cho tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 268.100 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 29,6% kế hoạch năm. Lấy đầu tư công là một trong những động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ban, ngành và địa phương tăng cường nỗ lực để giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2025 với khoảng 630.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm.

Vốn đầu tư của tư nhân trong quý II/2025 đạt 493.100 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ), là mức đầu tư trong quý II cao nhất từ trước tới nay, cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp trong nước đang trở nên mạnh mẽ hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Chỉ có 12/50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường tăng mạnh hơn VN-Index từ ngày 31/3.

Khu vực kinh tế tư nhân, với hơn 940.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh, hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% thu ngân sách nhà nước và sử dụng 82% lực lượng lao động của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản về quy mô và khả năng cạnh tranh so với khu vực FDI. Điều này được thể hiện một phần trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu khi tỷ trọng của khu vực FDI liên tục tăng, trong khi khu vực trong nước duy trì đà giảm.

Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân sẽ tạo cơ chế bình đẳng để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực, bao gồm đất đai, công nghệ, tài chính và các dự án hạ tầng quan trọng, kỳ vọng sẽ “mở khóa” dư địa tăng trưởng từ khu vực này trong thời gian tới.

Bối cảnh vĩ mô tích cực đã hỗ trợ cho sóng tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán thời gian qua. Theo dự báo của chúng tôi, thời gian tới, dòng tiền có thể sẽ lan tỏa sang các cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng giá mạnh trong thời gian qua nhờ định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận. Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng 17% lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết và định giá 13,5 - 13,8 lần P/E, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.540 điểm trong những tháng cuối năm.

Ở kịch bản tích cực hơn, tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ ít hơn so với dự kiến, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam nhờ triển vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng lên thị trường mới nổi, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của thị trường đạt 19%, P/E ở mức 13,5 - 14 lần, VN-Index có thể tiến lên vùng 1.580 điểm vào cuối năm.

VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 14 lần, cao hơn mức trung bình 3 năm gần đây (13,5x), tuy nhiên vẫn thấp hơn 17% so với mức đỉnh 3 năm (16,9 lần vào quý IV/2021). Định giá của nhóm VN30 (với tỷ trọng vốn hóa đa số là nhóm ngân hàng) là 12,7 lần P/E, cao hơn 3% so với trung bình 3 năm gần đây là 12,3 lần, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức đỉnh 15 lần vào quý IV/2021. Điều này cho thấy định giá của thị trường nói chung và nhóm vốn hóa lớn nói riêng vẫn hấp dẫn so với tăng trưởng lợi nhuận cũng như kỳ vọng nâng hạng của thị trường.

Ở thời điểm hiện tại, VN-Index đã vượt dự báo chúng tôi đưa ra từ đầu năm (1.400 - 14.20 điểm), chủ yếu do tác động từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Nếu loại bỏ các tác động này, chỉ số vẫn ở vùng 1.350 - 1.380 điểm.

Trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ công bố áp dụng đối với Việt Nam thuận lợi hơn so với các nước cạnh tranh, đồng thời triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên rõ ràng hơn, chúng tôi kỳ vọng đà bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị đảo ngược mạnh mẽ trong nửa sau năm 2025. Đích đến của dòng tiền nước ngoài chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn và còn trống room ngoại ở một tỷ lệ nhất định.

Cơ sở cho luận điểm này là dù VN-Index phục hồi mạnh mẽ hơn 300 điểm sau cú sốc thuế quan đầu tháng 4/2025 song đà tăng chưa lan tỏa đến các lớp cổ phiếu. Cụ thể, chỉ có 12/50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường tăng mạnh hơn VN-Index từ ngày 31/3, khoảng 9 cổ phiếu tăng thấp hơn chỉ số chung. Thậm chí, có đến gần một nửa cổ phiếu trong nhóm VN50 vẫn chưa phục hồi về thời điểm trước thời điểm tháng 4.

Bạn đang đọc bài viết "Đà tăng chưa lan tỏa hết các lớp cổ phiếu" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.