![]() |
TP.HCM tiếp nhận hàng chục nghìn tỷ đồng cổ phần tại các doanh nghiệp do UBND Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Sau khi TP.HCM sáp nhập cùng tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu hình thành trung thâm kinh tế mới, "siêu đô thị" TP.HCM không chỉ tăng mạnh về diện tích và dân số mà còn được thừa hưởng khối tài sản công khổng lồ từ 2 địa phương sáp nhập vào, bao gồm hàng chục nghìn tỷ đồng cổ phần tại các doanh nghiệp lớn.
Trong số các doanh nghiệp vốn Nhà nước được chuyển giao về TP.HCM, đáng chú ý nhất là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC (HoSE: BCM), một trong những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam.
“Gà đẻ trứng vàng” Becamex IDC của Bình Dương
Becamex IDC hiện là chủ đầu tư dự án khu đô thị Thành phố mới Bình Dương và một loạt khu công nghiệp có quy mô hàng nghìn ha.
Nhà nước hiện nắm giữ 95% cổ phần tại Becamex IDC, tương đương hơn 58.200 tỷ đồng. Trước sáp nhập, lượng cổ phần này thuộc sở hữu của UBND tỉnh Bình Dương.
Cách đây 2 tháng, Becamex IDC tính chào bán 300 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với giá khởi điểm 69.600 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, đợt chào bán có thể giúp Becamex huy động gần 20.880 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ từ 10.350 tỷ đồng lên 13.350 tỷ đồng.
![]() |
Becamex IDC là chủ đầu tư dự án khu đô thị Thành phố mới Bình Dương và một loạt khu công nghiệp có quy mô hàng nghìn ha. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đây được xem là thương vụ có quy mô lớn nhất trong lịch sử đấu giá cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt xa cả thương vụ 10.500 tỷ đồng của Vietcombank vào năm 2007.
Tuy nhiên, do điều kiện thị trường không thuận lợi, thương vụ này đang phải tạm hoãn. Theo thông báo mới nhất, Becamex IDC đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 19/6 để lấy ý kiến bằng văn bản về phương án chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng vào tháng 7.
Giữa năm 2024, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt giảm vốn Nhà nước tại Becamex từ 95,44% về 65% đến cuối năm 2025.
Trong trường hợp toàn bộ 300 triệu cổ phiếu BCM được chào bán thành công, cổ đông Nhà nước sẽ giảm sở hữu xuống xấp xỉ 74%.
BECAMEX IDC LÃI HÀNG NGHÌN TỶ ĐỒNG MỖI NĂM | |||||||||||
Kết quả kinh doanh 10 năm gần nhất của Tổng công ty Becamex IDC. Nguồn: BCTC DN. | |||||||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | |
Doanh thu thuần | Tỷ đồng | 7338 | 7300 | 6879 | 6495 | 8213 | 6505 | 6990 | 6506 | 7883 | 5239 |
Lợi nhuận sau thuế | 583 | 886 | 1015 | 2377 | 2631 | 2186 | 1457 | 1714 | 2280 | 2395 |
Ngoài Becamex IDC, tỉnh Bình Dương còn sở hữu 36% cổ phần tại Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - Thailexim (UPCoM: TLP), tương ứng giá trị khoảng 537 tỷ đồng.
Tiền thân của Thailexim là Xí nghiệp Quốc doanh Sơn mài Thành Lễ được thành lập năm 1991 theo quyết định của UBND tỉnh Sông Bé (sau này là Bình Dương). Ngày 21/10/1992 UBND tỉnh Sông Bé quyết định thành lập Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước.
Đến nay, Thailexim là một trong những doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn tại miền Nam, hoạt động song song với các tên tuổi như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, và CTCP Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa.
Hiện, mạng lưới phân phối bán lẻ xăng dầu của Thailexim lên tới hàng trăm cửa hàng, đại lý.
Doanh nghiệp lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu "chuyển khẩu" về TP.HCM mới
So với Bình Dương, phần tài sản Nhà nước chuyển giao từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về TP.HCM khi sáp nhập có quy mô khiêm tốn hơn, với tổng giá trị vốn hóa khoảng 1.740 tỷ đồng, phân bổ tại 4 doanh nghiệp.
Trong đó, lớn nhất là CTCP Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu (UPCoM: BWS) với phần vốn Nhà nước chiếm 36%, tương ứng giá trị khoảng 1.225 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, BWS duy trì kết quả kinh doanh ổn định với doanh thu thuần tăng nhẹ từ 675 tỷ lên 745 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dao động quanh mức 192-255 tỷ đồng/năm. Năm 2024, công ty lãi 255 tỷ đồng nhờ biên lợi nhuận gộp duy trì trên 50% và hầu như không phát sinh chi phí tài chính. Đây được xem là một trong những tài sản có dòng tiền tốt nhất trong nhóm doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh.
![]() |
36% cổ phần của BWS do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu (cũ) quản lý được chuyển giao về TP.HCM mới. Ảnh: BWS. |
Ngược lại, CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (UPCoM: UDC), nơi tỉnh nắm giữ 68% vốn với giá trị khoảng 116 tỷ đồng, lại đang hoạt động kém hiệu quả.
Từ năm 2020 đến 2024, UDC liên tục báo lỗ. Dù doanh thu có phục hồi trong năm gần nhất lên 344 tỷ đồng, công ty vẫn lỗ sau thuế 47 tỷ đồng.
Một cái tên khác là CTCP Cao su Thống Nhất (HoSE: TNC), nơi tỉnh sở hữu 51% vốn, tương ứng 296 tỷ đồng. TNC ghi nhận doanh thu tăng gần gấp 3 trong giai đoạn 2020-2024, từ 54 tỷ lên 143 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế không theo kịp đà tăng doanh thu, dao động quanh mức 33-55 tỷ đồng/năm do nguồn thu tài chính liên tục giảm. Năm 2024, công ty báo lãi 40 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước.
Cuối cùng là CTCP Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu, nơi tỉnh nắm giữ 79% vốn điều lệ, tương ứng khoảng 103 tỷ đồng (tính theo mệnh giá).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.