Cám cảnh cuộc sống tài xế công nghệ: Làm 17 tiếng/ngày nhưng kiếm khi được giải lao, phải cố nhịn ‘nỗi buồn’, vừa chợp mắt đã bị cướp, cảnh sát đuổi

03/04/2024 12:14

“Đó là chuyến đi dài nhất của tôi”, một tài xế chia sẻ. “Tôi gần như không thể nhịn được tiếp”.

Sophia Ibrahim Gedo, một tài xế gọi xe ở Nairobi, tâm sự rằng cô từng rất buồn đi vệ sinh trong một lần chở khách. Thông thường, Gedo sẽ tìm trạm xăng, trung tâm mua sắm hoặc một nhà hàng gần nhất để sử dụng nhờ cơ sở vật chất, song ngày hôm đó, đen rằng cửa nhà vệ sinh tại trạm xăng lại bị khóa. Khách hàng cũng sốt ruột nên Gedo quyết định cố nhịn và tiếp tục hành trình.

“Đó là chuyến đi dài nhất của tôi”, Gedo nói với Rest of World. “Tôi gần như không thể nhịn được tiếp”.

Những tài xế công nghệ như Gedo thường làm việc 10 đến 12 giờ mỗi ngày để trang trải cuộc sống. Mỗi khi chở khách qua những địa điểm quen thuộc, họ sẽ cố gắng tìm nơi đáp ứng nhu cầu cơ bản như nhà vệ sinh, nơi ăn uống, nằm nghỉ… Nhiều người thậm chí còn có hẳn một bản đồ ghi lại những nơi có thể dừng chân và ‘xả hơi’.

Phóng viên Rest of World đã có dịp trò chuyện với 104 tài xế gọi xe, nhân viên giao hàng và người dọn dẹp tìm việc làm thông qua các ứng dụng trên 10 thành phố – Dhaka, Hà Nội, Hồng Kông, Jakarta, Johannesburg, Karachi, Lagos, Mexico City, Nairobi và São Paulo. Mục đích nhằm tìm hiểu xem những lao động này nghỉ ngơi và ăn uống như thế nào.

30% người tham gia phỏng vấn cho biết họ không hề nghỉ giải lao giữa các chuyến đi. Hơn 50% bị từ chối tiếp cận những nơi công cộng như trung tâm thương mại và nhà hàng. Số khác thì thường xuyên bị cảnh sát, chủ nhà, nhân viên an ninh và chủ cửa hàng xua đuổi.

Các nền tảng như Grab, inDrive và iFood hiện đang nỗ lực xây dựng các cơ sở vật chất như điểm dừng chân và phòng chờ. Tuy nhiên, không nhiều lao động được tiếp cận những nơi như vậy. Tobias Kuttler, người tham gia dự án lao động của Viện Internet Oxford và Trung tâm Khoa học Xã hội WZB Berlin, nói với Rest of: “Phần lớn người lái xe không muốn nghỉ ngơi, nghỉ rất ngắn và ngủ rất ít. Tôi từng thấy nhiều người làm ca trung bình 17 giờ. Họ rõ ràng thiếu ngủ, trong tình trạng sức khỏe kém và phải dùng thuốc để chống lại cơn đau”.

Hiện có gần 435 triệu lao động hợp đồng trên toàn cầu và khảo sát của Rest of World cho thấy nghỉ ngơi là điều xa xỉ đối với đa số. Chỉ 18 người được hỏi cho biết họ có thể linh hoạt nghỉ giải lao.

Wallace Miguel, một nhân viên giao hàng của iFood và Lalamove ở São Paulo, chỉ có thể tranh thủ nghỉ ngơi trong vài phút trong lúc đợi quán ăn làm đồ cho khách. “Nhà hàng thường cung cấp ghế dài và nước uống, tôi tận dụng cơ hội để sử dụng chúng”, chàng trai 22 tuổi cho biết.

Cám cảnh cuộc sống tài xế công nghệ: Làm 17 tiếng/ngày nhưng kiếm khi được giải lao, phải cố nhịn ‘nỗi buồn’, vừa chợp mắt đã bị cướp, cảnh sát đuổi- Ảnh 1.

Những tài xế công nghệ thường làm việc 10 đến 12 giờ mỗi ngày để trang trải cuộc sống.

Basil Faraz, một tài xế đang làm việc cho Foodpanda ở Karachi, thì kể rằng chỉ khi được cho phép, anh mới có thể nghỉ ngơi. Chỗ ngủ chỉ đơn giản là hòn đá, dưới tán cây trên vỉa hè.

“Rõ ràng là tôi không thể vào bên trong một trung tâm mua sắm có máy lạnh để nghỉ ngơi”, anh cười nói. “Họ sẽ nhìn tôi và bảo tôi biến đi”.

Một số tài xế chấp nhận làm thêm giờ giữa nhiều ứng dụng để tăng thu nhập, song điều này tiềm tàng rất nhiều mối nguy. Theo Julius King'ori, một tài xế gọi xe 45 tuổi của Uber và Bolt ở Nairobi: “Làm việc 14 tiếng là rất nguy hiểm cho cả tôi và khách hàng. Tôi là con người, tôi cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, song cũng chẳng dám vì còn lo kiếm tiền”.

Để tối đa hóa thời gian di chuyển trên đường, một số nhân viên gọi xe ở Nairobi chọn không về nhà vào ban đêm. Thay vào đó, họ ngủ trong những chiếc ô tô đậu tại Sân bay Quốc tế Jomo Kenyatta, theo Emmanuel Ochieng, nhân viên công ty gọi xe Little Cab.

“Điều tốt nhất mà các ứng dụng có thể làm là điều chỉnh mức lương để lao động có thể nghỉ ngơi thoải mái”, Emmanuel Ochieng nói.

Trong số 104 công nhân làm việc tự do tham gia khảo sát, 36 người cho biết họ chỉ ngủ nhiều nhất 6 tiếng/ngày. Gần một nửa số cho biết họ đã bị quấy rối hoặc tấn công trong lúc nghỉ ngơi. Một số thì bị cướp. Các tài xế là nữ dễ bị tổn thương hơn cả.

Savita Bailur, giám đốc cấp cao của Caribou Digital, một công ty tư vấn thực hiện nghiên cứu về nền tảng kỹ thuật số, nói với Rest of World : “Rõ ràng là phụ nữ có nguy cơ gặp rủi ro gấp đôi. Không phải lúc nào họ cũng có được sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng như nam giới”.

“Ở Mexico và Uganda, việc thiếu nhà vệ sinh và phòng tắm ảnh hưởng đến nhiều lao động nữ. Điều này khiến họ không thể làm việc lâu dài cho các nền tảng”, một người cho biết.

“Nhà vệ sinh là một thách thức lớn đối với phụ nữ ngành này”, Bridgette Muthoni Munene, một tài xế gọi xe 39 tuổi đến từ Nairobi, nói.

Angela Chukunzira, nhà nghiên cứu lao động tại Ukombozi, Kenya, nói với Rest of World rằng một số nữ tài xế Uber phải rất vất vả tìm chỗ thay băng vệ sinh trong giờ làm việc. “Bạn thậm chí phải trả tiền để sử dụng phòng tắm ở một số trung tâm thương mại. Điều này trở thành một vấn đề, đồng thời làm tăng thêm chi phí cho người lao động”.

Cám cảnh cuộc sống tài xế công nghệ: Làm 17 tiếng/ngày nhưng kiếm khi được giải lao, phải cố nhịn ‘nỗi buồn’, vừa chợp mắt đã bị cướp, cảnh sát đuổi- Ảnh 2.

Một số nền tảng đã đẩy mạnh tạo không gian nghỉ ngơi dành riêng cho lao động.

Ở một số thành phố, nhiều người tự tạo ra không gian riêng, nơi họ có thể sử dụng nhà vệ sinh và nghỉ ngơi an toàn. Chẳng hạn, ở Jakarta, các tài xế đã làm hàng chục công trình tạm thời từ gỗ hoặc vải lều để làm nơi trò chuyện, ăn uống trong khi chờ đơn đặt hàng.

Trước tình trạng này, một số nền tảng đã đẩy mạnh tạo không gian nghỉ ngơi dành riêng cho lao động, trong đó, phòng chờ của InDrive dành cho tài xế ở Jakarta là một trong những sứ mệnh của công ty nhằm giải quyết “sự bất công trong ngành công nghiệp gọi xe”. Những phòng chờ này cũng chính là nơi tổ chức sự kiện và đào nhân viên.

Trong khi đó, siêu ứng dụng Grab vận hành 3 phòng chờ ở Jakarta, cung cấp nhiều tiện nghi thiết yếu như Wifi, phòng cầu nguyện, xưởng sửa xe máy, tiệm cắt tóc…Ứng dụng còn có tính năng ‘an toàn chống mệt mỏi’ để nhắc nhở tài xế nghỉ ngơi nếu đã lái xe trong nhiều giờ.

Tại São Paulo, nền tảng giao đồ ăn iFood triển khai hơn 170 “điểm hỗ trợ”, song phần lớn chỉ cung cấp nước, nhà vệ sinh. Chỗ nghỉ hoặc các tiện ích như lò vi sóng và cổng sạc hiện chưa được triển khai.

Nền tảng Foodpanda thì có các điểm dừng chân trên khắp Pakistan, Campuchia và Singapore . “Chúng tôi quan tâm đến sức khỏe của nhân viên giao hàng. Chúng tôi cũng tích cực khuyến khích các đối tác giao hàng nghỉ giải lao để nạp lại năng lượng”, đại diện Foodpanda nói.

Được biết, một số ứng dụng, trong đó có Glovo, đã triển khai chính sách giới hạn thời gian làm việc ở mức 8 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu chỉ làm việc trong từng ấy thời gian, các tài xế sẽ không thể trang trải đủ cuộc sống.

“Trong lúc chờ những đơn đặt hàng tiếp theo, tôi dừng lại mua đồ ăn nhẹ và ăn vội. Tôi muốn có nhiều việc làm hơn để có thể kiếm tiền”, một tài xế nói.

Theo: Rest of World

Bạn đang đọc bài viết "Cám cảnh cuộc sống tài xế công nghệ: Làm 17 tiếng/ngày nhưng kiếm khi được giải lao, phải cố nhịn ‘nỗi buồn’, vừa chợp mắt đã bị cướp, cảnh sát đuổi" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.