Wyndham Thanh Thủy: Yêu cầu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản VN đang bị 'phớt lờ'

07/06/2021 08:36

Những nội dung yêu cầu báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra tại dự án Wyndham Thanh Thủy của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phải chăng đã bị Sở TN&MT Phú Thọ phớt lờ trong nhiều tháng.

Wyndham Thanh Thủy: Yêu cầu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản VN đang bị 'phớt lờ'

Những nội dung yêu cầu báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra tại dự án Wyndham Thanh Thủy của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phải chăng đã bị Sở TN&MT Phú Thọ phớt lờ trong nhiều tháng.

Bất chấp việc không có giấy phép khai thác, thăm dò khoáng sản, chủ đầu tư dự án Wyndham Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) vẫn tiến hành các hoạt động xây dựng, đồng thời quảng bá dự án sẽ có nguồn khoáng nóng dẫn đến từng căn hộ. 

Được biết, dự án Wyndham Thanh Thủy do Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji làm chủ đầu tư. Trên nhiều phương tiện truyền thông hiện nay, dự án được quảng cáo là xây dựng ngay tại khu mỏ khoáng nóng Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), thích hợp vừa nghỉ dưỡng vừa chăm sóc sức khỏe, cân bằng cuộc sống. Theo đó, khi mua các căn hộ tại đây, khách hàng sẽ được sử dụng nguồn nước khoáng nóng tự nhiên được khai thác từ trong lòng đất.

Tuy nhiên, dự án Wyndham Thanh Thủy chưa được cấp bất kỳ một giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản nào từ Bộ TN&MT. Vì vậy, nhiều câu hỏi đặt ra về tính minh bạch của những lời quảng cáo về nguồn khoáng nóng mà khách hàng có thể sử dụng khi mua căn hộ tại dự án này.

tm-img-alt Dự án Wyndham Thanh Thủy đang tiến hành hoàn thiện các hạng mục nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có giấy phép khai thác khoáng sản.

Liên quan đến các vi phạm tại dự án Wyndham Thanh Thủy, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Tổng cục phó Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) Lại Hồng Thanh cho biết, ngày 19/1/2021, Tổng cục có công văn số 158 gửi Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ.

Công văn của Tổng cục đề nghị Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan; Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; Triển khai các giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản đặc biệt là tình hình khai thác nước khoáng trái phép và vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

Công văn của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng yêu cầu Sở TN&MT tỉnh giám sát, đôn đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Sơn Hải thực hiện theo yêu cầu tại Thông báo khắc phục tồn tại của Tổng cục.

tm-img-alt Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, chủ đầu tư dự án là Công ty Onsen Fuji chưa có giấy phép khai thác nguồn khoáng nóng trên địa bàn huyện Thanh Thủy.

Đối với Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji (chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy thuộc xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), ngày 21/11/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cấp cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mã số 4850122627 dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy. Công ty không có giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng trên địa bàn huyện Thanh Thủy do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, công ty này đã quảng bá Wyndham Thanh Thủy được xây dựng trong khu vực lõi của mỏ khoáng nước nóng Thanh Thủy. Nguồn suối khoáng sẽ được hút từ mỏ khoáng có độ sâu 100 m lên từng căn hộ và khách hàng mua dự án sẽ hoàn toàn được miễn phí khi sử dụng các bể tắm khoáng.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với việc công ty không có giấy phép thăm dò, khai thác nước khoáng nhưng đến nay vẫn đang quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng gây hiểu lầm đối với khách hàng, dư luận...

"Kết quả việc chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên, đề nghị Sở có văn bản gửi về Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trước ngày 31/1/2021 để tổng hợp, báo cáo Bộ TN&MT",  trích công văn số 158 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

tm-img-alt Được tận hưởng nguồn nước khoáng nóng là một trong những điểm nhấn được chủ đầu tư dự án Wyndham Thanh Thủy quảng cáo và chào mời khách hàng. Thực tế, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại địa bàn.

Điều đáng nói, dù nhận được đề nghị báo cáo trước ngày 31/1/2021, tuy nhiên, theo cơ quan chức năng của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ. 

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường chiều ngày 3/6, đại diện Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Bộ TN&MT) khẳng định, đơn vị này vẫn chưa nhận được báo cáo của Sở TN&MT Phú Thọ về dự án Wyndham Thanh Thủy.

Khi được hỏi về sự chậm trễ của Sở TN&MT Phú Thọ, đại diện Tổng cục cho biết sẽ rà soát và kiểm tra lại vấn đề.

Như vậy, có thể thấy, dù được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu có công văn hồi đáp về công tác thanh, kiểm tra đối với dự án Wyndham Thanh Thủy nhưng Sở TN&MT Phú Thọ vẫn cố tình "phớt lờ".  Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ và đặt câu hỏi với Sở TN&MT Phú Thọ về vấn đề này nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Liên quan đến những vi phạm của dự án Wyndham Thanh Thủy, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm đặt ra nhiều câu hỏi trong vấn đề năng lực và lĩnh vực hoạt động của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji.

“Thứ nhất là đây là một dự án xây dựng bất động sản nhưng chủ đầu tư lại là doanh nghiệp chuyên về du lịch và quản lý khách sạn. Tôi không hiểu tại sao một tập đoàn về khách sạn lại đi quảng cáo bán các căn hộ là một dạng nhà ở. Phải chăng họ đang đi theo vết xe đổ của căn hộ du lịch kiểu như condotel? Cần làm rõ vấn đề có phải khi chủ đầu tư xin phép thực hiện dự án là xin phép xây khách sạn, nhưng khi tiến hành rao bán lại đang bán ra một dạng sản phẩm là bất động sản? Điều này trái với những quy định của pháp luật hiện hành", Luật sư Trương Anh Tú nêu ý kiến.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, đối với vấn đề này, các cơ quan về du lịch và xây dựng ở địa phương cần phải vào cuộc thanh kiểm tra để xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật. Cũng cần phải nói thêm, trong thời gian qua những hành vi vi phạm pháp luật tương tự trên cả nước đã không được xử lý một cách phù hợp nên một số chủ đầu tư có biểu hiện “nhờn luật”.

Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh: "Đối với dự án Wyndham Thanh Thủy, chủ đầu tư đã “nổ” khi cho rằng mình cung cấp một loại nước khoáng có lợi cho sức khỏe. Vì thực tế, Bộ TN&MT khẳng định là chưa cấp bất kỳ một giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản nào cho họ cả. Căn cứ vào những quảng cáo của chủ đầu tư, có thể xem đây là một hành vi quảng cáo gian dối. Hành vi này cũng không phù hợp với các quy định của pháp luật về quảng cáo, thậm chí còn có những biểu hiện không trung thực với khách hàng".

Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, việc chủ đầu tư dự án Wyndham Thanh Thuỷ không được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng vẫn quảng cáo với khách hàng rằng các căn hộ đều được bơm khoáng nóng trực tiếp lên tận nhà là quảng cáo sai sự thật về khả năng cung cấp sản phẩm vi phạm điều cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại khoản 9 điều 8 Luật Quảng cáo. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5 điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP và có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải cải chính lại thông tin.

Vẫn theo vị này, khoáng sản là nguồn tài nguyên quý giá và các hoạt động khai thác khoáng sản đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Để hoạt động khoáng sản vừa đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh thất thu cho ngân sách là đòi hỏi rất lớn với các nhà quản lý, đặc biệt là chính quyền địa phương.

Theo đó, chính quyền địa phương có trách nhiệm theo dõi, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phối hợp quản lý, xác định sản lượng khai thác của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác; giám sát nguồn gốc khoáng sản khai thác được của các doanh nghiệp. Đối với chính quyền địa phương trong trường hợp này cần tiến hành hoạt động kiểm tra thực địa dựa trên lời quảng cáo của dự án để xác định có hành vi khai thác khoáng sản trái phép không để kịp thời ngăn chặn và xứ lý.

Điều 4 Luật Khoáng sản quy định rất rõ về nguyên tắc hoạt động khoáng sản. Theo đó, hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò.

Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Đào Bích

Bạn đang đọc bài viết "Wyndham Thanh Thủy: Yêu cầu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản VN đang bị 'phớt lờ'" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.