TS. Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo Thorakao: “Tôi muốn cống hiến cho đời những giá trị nghiên cứu”

19/05/2024 10:36

Một ngày đầu tháng Tư, tôi đến văn phòng Thorakao nằm trên góc đường Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám quận 3 - Trụ sở văn phòng Thorakao đặt tại đây cũng chính là ngôi nhà gần trăm tuổi của người sáng lập ra thương hiệu Thorakao - bà Lan Hảo. Nhìn bên ngoài, tòa nhà vẫn không thay đổi kiến trúc so với mấy chục năm qua nhưng bên trong thì rất nhiều cái mới.

Trò chuyện doanh nhân

TS. Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo Thorakao: “Tôi muốn cống hiến cho đời những giá trị nghiên cứu”

Lữ Ý Nhi • 14/4/2024 6:00

Một ngày đầu tháng Tư, tôi đến văn phòng Thorakao nằm trên góc đường Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám quận 3 - Trụ sở văn phòng Thorakao đặt tại đây cũng chính là ngôi nhà gần trăm tuổi của người sáng lập ra thương hiệu Thorakao - bà Lan Hảo. Nhìn bên ngoài, tòa nhà vẫn không thay đổi kiến trúc so với mấy chục năm qua nhưng bên trong thì rất nhiều cái mới.

Rất lâu không gặp, có vẻ TS. Huỳnh Kỳ Trân gầy hơn, nét thời gian cũng hằn rõ hơn trên gương mặt, khóe mắt nhưng phong thái vị Chủ tịch Thorakao vẫn nhanh nhẹn và chưa hết trăn trở khi nói đến những đề tài nghiên cứu của mình chưa được cấp phép sản xuất.

Tôi hỏi TS. Huỳnh Kỳ Trân:

* Những năm qua Thorakao có rất nhiều sản phẩm mới, được nhiều giải thưởng quốc tế như Giải “Vương miện Vàng chất lượng quốc tế London”; “Giải bạch kim chất lượng châu Âu ”, “Giải thưởng chất lượng quốc tế bạch kim New York ”, khách hàng nước ngoài, kiều bào ở các nước đều yêu thích sử dụng nhưng tại thị trường trong nước, Thorakao hầu như không làm marketing thương hiệu hay quảng cáo sản phẩm. Trên trang điện tử ZNews viết về Thorakao như sau: “Thorakao vẫn theo nếp kinh doanh cũ, bảo thủ đến cố chấp khi chỉ đầu tư cho nghiên cứu sản xuất mà bỏ bê các hoạt động quảng bá thương mại”, ông có ý kiến gì không?

- Mấy chục năm nay, Thorakao vẫn đi theo hướng lấy chất lượng sản phẩm để giữ chân khách hàng chứ không quảng cáo, marketing rầm rộ. Chúng tôi có nội lực đến đâu, làm đến đó. Làm sản phẩm đến đâu, bán đến đó, không dùng đòn bẩy ngân hàng để marketing, quảng cáo cho sản phẩm. Bởi làm quảng cáo, marketing tốn rất nhiều tiền nhưng quan trọng hơn là chi phí đó sẽ được cộng vào sản phẩm. Là người làm nghiên cứu khoa học, gia đình lại có 6 -7 đời theo nghiệp y học cổ truyền nên tôi không muốn khách hàng của mình chịu chi phí vô lý như vậy. Thorakao có lợi mà nhiều người phải bỏ tiền ra mua sản phẩm giá cao hơn so với túi tiền của họ thì lương tâm tôi không cho phép.

a4.jpg

Tuy không trở thành thương hiệu nổi đình đám nhưng tên tuổi Thorakao gần 65 năm qua vẫn không mất đi mà vẫn phát triển, vẫn có một số lượng khách hàng trung thành, nhất là giới nghệ sĩ rất nhiều người đến nay vẫn sử dụng mỹ phẩm của Thorakao để trang điểm và chăm sóc da mỗi ngày. Đây cũng là bảo chứng cho triết lý kinh doanh của chúng tôi. Khi Thorakao trung tín với khách hàng bằng chất lượng và giá thành thì khách hàng cũng trung tín với Thorakao bằng sự ủng hộ.

Nếu tính doanh số của Thorakao thì không lớn như các thương hiệu mỹ phẩm quốc tế, thị phần ở thành thị chiếm 5% và nông thôn 4% vì ở thành thị giới trẻ nhiều lựa chọn, tiếp xúc nhiều kênh quảng cáo và vẫn còn tâm lý chưa chuộng hàng nội địa.

* Ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) tinh thần ủng hộ hàng nội địa của người dân rất cao, nhất là các thế hệ trẻ, nếu nói như ông thì Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhiều năm qua vẫn chưa thay đổi được thói quen của người dùng trẻ , ông có suy nghĩ gì ?

- Giới trẻ ngày nay có quá nhiều lựa chọn và đều muốn thể hiện phong cách riêng, đây cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, giáo dục cho giới trẻ niềm tự hào với thương hiệu Việt Nam cũng là trách nhiệm của thế hệ đi trước, nhất là với nền giáo dục và các doanh nhân, doanh nghiệp. Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng, người dùng trong nước ít ủng hộ hàng Việt vì chất lượng không bằng hàng ngoại là chưa đúng và khách quan. Thực tế hiện nay, rất nhiều hàng hóa, sản phẩm trong nước chất lượng rất tốt, xuất khẩu được quốc tế đón nhận nhưng người dùng trong nước lại ít ủng hộ. Vấn đề là chúng ta đã có những cách làm đủ lớn, đủ mạnh, đủ sự đồng lòng quyết tâm và phối hợp chặt chẽ nhiều lĩnh vực, bộ, ngành như các nước đã làm chưa. Trong đó, giáo dục tinh thần yêu hàng Việt, ủng hộ hàng Việt cho thế hệ trẻ cũng là thể hiện tinh thần yêu nước. Sự ủng hộ của người dùng trong nước cũng chính là động lực, sự khích lệ tinh thần để doanh nghiệp hoàn thiện tốt hơn sản phẩm. Bản thân tôi và nhiều doanh nghiệp - những nhà sản xuất đầy tâm huyết và chân chính cũng cảm thấy buồn khi sản phẩm mình làm ra với nhiều nỗ lực nghiên cứu tốt nhất, đau đáu mong muốn cống hiến cho cộng đồng lại không được ngay người dân mình đón nhận. Đó là nỗi đau.

* Ông vừa nói đến chữ “đau”, tôi chợt nhớ cách đây hai năm, ông từng chia sẻ có “nỗi đau” còn lớn hơn, câu chuyện đó đến bây giờ ra sao rồi, thưa ông?

- Nhắc lại một chút quá khứ. Thời điểm cuối những năm 1960, kem dưỡng da nghệ của Thorakao đã tạo ra cơn sốt ở thị trường trong nước, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, trở thành thương hiệu mỹ phẩm số 1 trong nước, thống lĩnh thị trường suốt những năm 1970-1980.

Hơn 40 năm từ sau ngày đất nước giải phóng, Thorakao vẫn “trung thành” với việc nghiên cứu ra các sản phẩm thiên nhiên. Vợ tôi cũng đã nhận được kỷ lục Việt Nam về Công ty ứng dụng đầu tiên và lâu đời nhất về dùng cây và con của thực vật bản địa để làm ra mỹ phẩm.

Năm 2025, chúng tôi kỷ niệm 65 năm thương hiệu trường tồn, điều tự hào nhất là gần 65 năm qua, tôi cũng đã phát triển thêm hàng trăm sản phẩm mới cũng từ thiên nhiên như lô hội, nghệ, bưởi, ốc sên và sáng chế ra các sản xuất ra các sản phẩm mới như kem chống nám, dầu bưởi chống rụng tóc, kem nghệ chống nắng liền sẹo, kem vân chi chống nám… đặc biệt nghiên cứu công dụng của lá trầu không chế ra dầu gió thuốc ho và kẹo ngậm, nước súc miệng, dung dịch vệ sinh phụ nữ… có tác dụng trung hòa, ức chế virus gây bệnh tay chân miệng và các loại virus đau mắt đỏ.

Đây là công trình được tôi nghiên cứu nhằm đạt hai mục tiêu: Một, bảo đảm tinh dầu có chất lượng bất hoạt được EV 71 và có khả năng triển khai sản xuất ở quy mô công nghiệp; Hai, cung cấp nguyên liệu để tạo ra chế phẩm thuốc uống dạng siro hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng, phục vụ cho thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng. Năm 2012, tôi được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp “Bằng độc quyền giải pháp hữu ích”.

Năm 2018, tôi được cấp bằng độc quyền giải pháp chiết xuất chiết phẩm từ lá trầu không để trung hòa virus gây bệnh đau mắt đỏ và trở thành người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu, sáng chế quy trình chiết tách và phương pháp sản xuất tinh dầu lá trầu không có tác dụng trung hòa, ức chế virus gây bệnh đau mắt đỏ. Với hai sản phẩm nước súc miệng và thuốc xịt mũi, đã hỗ trợ điều trị các triệu chứng của Covid-19 từ các chất trong lá trầu không, ngăn cản sự phát triển virus SARS-CoV2. Các nghiên cứu này cũng được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USP) cấp bằng sáng chế.

a5.jpg

Năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) cũng trao xác lập Kỷ lục Việt Nam cho tôi với sáng chế về quy trình chiết tách và phương pháp sản xuất tinh dầu lá trầu không để hỗ trợ điều trị bệnh.

Sau hết những điều làm được và đã được công nhận, nguyện vọng lớn nhất của tôi là được đem công trình nghiên cứu cống hiến cho khoa học, phục vụ cho đất nước và nhân loại. Đây là những công nghệ tiên tiến nhưng vẫn còn quá nhiều trở ngại mà đến nay vẫn chưa đi vào sản xuất được. Nó vẫn là đề tài khoa học trên giấy. Đó là nỗi đau và nỗi buồn của một người làm nghiên cứu khoa học như tôi.

* Trở ngại đó là gì, ông có thể chia sẻ?

- Đó là trình độ công nghệ của đất nước chưa đủ đáp ứng cho người làm khoa học, ví dụ, các nghiên cứu mới muốn kiểm nghiệm cũng không được do không có cơ sở vật chất, thiết bị và cơ chế luật lệ của luật pháp hay là quan điểm của luật pháp.

* Tại sao lại là quan điểm của luật pháp ?

- Nói một cách mạnh dạn, thẳng thắn thì quan điểm đó chính là sự bảo thủ, cố chấp của một số lãnh đạo chưa thật sự “nhiệt tình” ủng hộ, khuyến khích những nghiên cứu khoa học mới. Họ thường dựa vào luật lệ một cách cứng nhắc, máy móc để trói buộc sáng kiến và các đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học. Ví dụ, sản phẩm của tôi chủ yếu là các loại cây cỏ như cây trầu, lá hẹ, tần dày lá, gừng, sả… là những loại cây cỏ thông dụng, con người đã ăn mấy ngàn năm nay nhưng khi ứng dụng vào lĩnh vực y dược thì vẫn đem luật pháp ra áp dụng cứng nhắc. Nghĩa là phải qua thử nghiệm khoảng 10 năm mới được cấp phép, thay vì có thể xem xét thực tiễn để thông qua. Trong khi dịch Covid-19 bùng phát rất nhiều người không qua khỏi, các loại thuốc trị ho, khống chế virus lại khan hiếm, chỉ cần thêm một sản phẩm có khả năng khống chế virus gây dịch bệnh là có thể cứu sống được vô số người. Thế nhưng, tôi vẫn không được cấp phép sản xuất ngay.

Hằng ngày, nhìn thấy người bệnh chết trước mắt trong khi thuốc của mình có thể cứu được họ, tôi cảm thấy bứt rứt, đau khổ vô cùng. Tôi đề nghị cấp quản lý cho đặt cọc vài chục tỷ đồng và cam kết nếu có vấn đề gì sẽ chịu mất tiền, thậm chí chịu luôn cả hình phạt của pháp luật nhưng vẫn không được chấp thuận. Khi đó, tôi sản xuất hơn nửa triệu chai thuốc đem tặng cho rất nhiều người bị nhiễm Covid-19 và rất hiệu quả. Lúc đó có người khuyên tôi “không nên” vì cho dù chỉ là tặng không miễn phí, nhưng lỡ chỉ một người chết vì thuốc của tôi thì tôi sẽ bị “tước bằng Lương y quốc gia”, mất cả uy tín, sự nghiệp, thậm chí phải vào tù. Dù cũng có chút lo lắng nhưng nhớ lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...” nên tôi có thêm động lực để tự “động viên” mình: “Lỡ có rủi ro với một người nào đó thì cũng chấp nhận đánh đổi mạng sống của mình để cứu nhiều người. Chỉ cần có thêm một người được sống thì cũng vui rồi. Giá trị sống của tôi bây giờ là mong muốn mang thành tựu nghiên cứu khoa học của mình ra cống hiến cho đời”. Động lực đó cũng là niềm tin vào sản phẩm của mình đã được kiểm nghiệm ở Viện Pasteur và bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Matxcơva, khi đó Hội đồng có tới 10 Viện sĩ Hàn lâm quốc tế ngồi thẩm định, đánh giá (bằng Tiến sĩ ở Nga hiện được công nhận trên toàn thế giới).

* Nghe nói, có ai đó đã đề nghị mua lại dự án này nhưng ông không đồng ý, vì sao?

- Ở các nước, các nhà khoa học khi có những đề tài nghiên cứu được cấp bằng chứng nhận thì được đón nhận và trân trọng. Vì thế, khi biết tôi có đề tài nghiên cứu chưa được sản xuất, có đối tác Hàn Quốc đề nghị hỗ trợ 60 ngàn USD để sản xuất nhưng sản phẩm phải mang xuất xứ của Hàn Quốc. Vì thế tôi không đồng ý. Trong khi tại Việt Nam, cho đến tận bây giờ đề tài của tôi cũng chưa được cấp phép, chưa từng có bộ hay cấp phòng nào ngó ngàng quan tâm dù nghiên cứu đã hoàn thành từ năm 2016. Đáng tiếc hơn, đề tài này nghiên cứu theo đặt hàng của Nhà nước với hơn 5 tỷ đồng (Nhà nước hơn 60%, Thorakao hơn 30%) và tôi đã dành công sức làm ngày, làm đêm, miệt mài và tâm huyết, ròng rã suốt mấy năm trời. Điều này rõ ràng là kìm hãm sự tâm huyết nghiên cứu của các nhà khoa học, người làm nghiên cứu.

* Năm 2008, trong lần phỏng vấn ông , ông có nói với tôi: “Ở đời, cây cao quá thì bị sét đánh, cây thấp thì bị bóng cây cao che khuất, cây vừa vừa là dễ sống. Vậy nên cứ lấy sự trung dung mà tồn tại, im lặng mà làm thì tốt hơn”. Quan điểm đó bây giờ đã khác?

- Tôi vẫn không thay đổi. Vẫn chỉ làm những gì trong khả năng, không vội vã, ồn ào, không vượt quá sức cho phép. Những gì thuộc về giá trị thật và của mình làm được thì theo đuổi. Không muốn nổi tiếng, không cần nhiều người biết. Đóng góp được điều gì cho ai, làm được điều gì cho xã hội, cho cộng đồng tốt hơn, hữu ích hơn thì làm. Trung dung mà tồn tại vẫn là điều tôi chọn và nên làm. Hiện tôi đang tập trung xây dựng hệ sinh thái cho Bến Tre, cụ thể là xây dựng vườn cây ăn trái và cây thuốc, kết hợp làm du lịch sinh thái gồm nhà hàng, khách sạn…

a3.jpg

* Với tư cách là Giám đốc Quỹ Đầu tư khởi nghiệp Bến Tre do ông sáng lập và là đồng sáng lập Chương trình “Đồng khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”, trong các buổi trò chuyện, giảng dạy cho các bạn trẻ, ông đã làm gì để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ ?

- Tôi luôn truyền động lực vươn lên cho các bạn trẻ và trao cho các em ý chí, niềm tin rằng: Trên hành trình sự nghiệp và cuộc đời, không có sự thất bại mà thất bại chỉ là do chúng ta chưa có sự trả giá cho nó, từ mồ hôi nước mắt tiền bạc và thời gian, đôi lúc còn bị sỉ nhục… nếu vượt qua hết, làm hết điều đó thì sẽ thành công. Vì vậy mới có câu: Thất bại là mẹ của thành công.

Trên đời này, những con người sinh ra đã là thiên tài rất ít, chỉ khoảng 3-5% còn tất cả đều từ lao động mà ra, chỉ có lao động mới có sáng tạo, chỉ có lao động mới vinh quang. Vì vậy, tôi hay nói với các học viên, muốn khởi nghiệp thành công thì phải ý thức: “Nghèo là khó, nghèo là khổ, nghèo là hèn”, mà muốn vượt khó, vượt nghèo thì phải có tư duy, có suy nghĩ, từ đó mới có động lực phấn đấu vươn lên, vượt qua thử thách. Bản thân mình giải phóng được cái khổ cũng chính là biết yêu thương gia đình.

* Theo nhận xét của ông, thế hệ trẻ hiện đang có mặt mạnh và yếu gì?

- Lớp trẻ hiện nay rất nhạy bén và năng động nhưng phần đông đều bị lệ thuộc vào công nghệ số. Chỉ “dán’ mặt vào chiếc máy tính hoặc điện thoại. Điều này có cái lợi là giúp lớp trẻ biết rất nhiều thứ. Nhưng cái dở là chỉ biết thu thập sáng tạo của nhân loại, mà không có sáng kiến mới. Hiện, tỷ lệ sáng kiến mới trong giới trẻ rất ít. Đáng lo hơn là thế hệ trẻ hiện nay không quan tâm đến lịch sử văn hóa của Việt Nam, không hiểu về lịch sử cha ông, công trạng của tổ tiên và đất nước. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn không biết đến cả những món ăn đặc sắc từng vùng miền, không biết cây tre, gốc rạ ở làng quê là gì, không quan tâm đến văn hóa dân gian và nguồn cội Việt Nam. Đây là điều đáng lo. Đáng lo hơn là sau này thế hệ trẻ sẽ bị lệ thuộc vào máy tính, lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo, dẫn đến căn bệnh chỉ biết ngồi hưởng thụ những dịch vụ ngày càng cao của xã hội. Ví như con ong chúa, chỉ nằm chờ ong thợ đút thức ăn, nếu không ai đút thì chỉ biết nằm chờ chết. Đáng lo hơn là khi lệ thuộc hoàn toàn vào máy móc, lúc đó máy móc sẽ là cha mẹ, là chủ và con người trở thành cấp dưới bị máy móc điều khiển, chỉ được nhận ân điển mà máy móc ban cho.

* Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị ban hành năm 2023 đã đề cao vai trò và sự đóng góp của các công ty gia đình trong sự phát triển kinh tế của đất nước, ông đã sẵn sàng cho thế hệ kế thừa thứ ba chưa?

- Tôi có ba người con nhưng đang đi du học và hiện các con tôi đều có ước mơ ngành nghề riêng, tôi không ép các con làm điều chúng không cảm thấy thích nên vẫn chuẩn bị cho Thorakao thế hệ kế thừa, nếu không là con thì là cháu. Thế hệ thứ ba của Thorakao cũng còn rất nhiều người tài giỏi, có học vị, học hàm đang làm việc tại đây.

* Vấn đề doanh nghiệp quan tâm hiện nay là làm sao khôi phục được kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh, ông có đề xuất gì về cơ chế, chính sách?

- Vấn đề các doanh nghiệp cần nhất hiện nay là vốn và công nghệ, trong đó có máy móc, thiết bị, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0. Vấn đề lõi để thực hiện được điều này là cơ chế. Lâu nay, cơ chế phổ biến của ta vẫn là xin - cho. Vì thế, lãnh đạo Đảng và chính quyền Thành phố, đứng đầu là Chủ tịch Thành phố Phan Văn Mãi đang quyết liệt cải cách vấn đề này, quyết liệt xóa bỏ các cơ chế ràng buộc doanh nghiệp. Hành động quyết liệt nhất là việc “đốt lò” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, công cuộc “đốt lò” càng mạnh thì gây ra tâm lý “sợ”, mà sợ thì không dám làm, dẫn đến nhiều dự án bị tắc, tình trạng đùn đẩy ngày này qua ngày kia, người này qua người khác. Ngân hàng cũng không dám cấp vốn cho vay, không dám thanh khoản, bất kể doanh nghiệp tốt hay xấu vì sợ trách nhiệm. Rốt cuộc, có rất ít dự án mới được cấp phép và được cấp tài chính để triển khai. Tuy nhiên, đây cũng là con đường tất yếu của Đảng phải làm để thanh sạch bộ máy, đưa đất nước phát triển. Nhìn ra các nước như: Hàn Quốc, Tổng thống của đất nước này là ông Park Chung-hee cũng từng làm mạnh mẽ, quyết liệt mới có Hàn Quốc ngày nay hay ở Nhật Bản thời Minh Trị Thiên Hoàng cũng quyết liệt không kém. Nếu vượt qua được giai đoạn này, đất nước ta sẽ hùng mạnh về kinh tế, bộ máy Nhà nước sẽ trong sạch và vững mạnh.

Mặc dù hiện nay cơ chế hành chính của một số lĩnh vực đã nhẹ hơn trước rất nhiều, nhưng cơ chế thật sự mà doanh nghiệp mong muốn vẫn là sự công bằng và rõ ràng. Điều cần nhất Thành phố cần làm hiện nay là sự bình tĩnh để động viên nhau, nhận trách nhiệm rõ ràng, không đùn đẩy nữa. Bởi, nếu còn đùn đẩy là phải ngừng tất cả mọi hoạt động từ thương mại, đến sản xuất, đầu tư…

a2.jpg

Đối với doanh nhân, phải động viên nhau vững vàng, không sợ bất cứ điều gì nếu mình đúng, tất cả phải là những “chiến sĩ thời bình”, cùng nhau sáng tạo. Mạnh dạn trau dồi thêm Luật pháp, kiến thức để không vướng cái sai, bỏ đi cách làm cũ, tư duy cũ. Tất cả phải trở thành những doanh nghiệp khởi nghiệp trong sáng tạo đổi mới. Cùng đó, quản lý hành chính cũng phải đổi mới, trường đại học, trong nhân dân phải đổi mới. Muốn làm điều đó cần sự can đảm, chân chính và hy sinh. Đó là cái lõi mà Thành phố phải làm. Trong sự đổi mới sáng tạo cũng phải có chiến lược hiện thực hóa nhanh chiến lược Net Zero, tức là trời xanh, đất xanh, con người phải sống trong môi trường xanh.

* Theo ông, giữa hai con người: Doanh nhân và nhà nghiên cứu khoa học, cái nào cực hơn?

- Nghiên cứu khoa học thì “bận rộn” hơn về suy nghĩ, tư tưởng lúc nào cũng phải tập trung, suy nghĩ. Còn kinh doanh thì phải cạnh tranh nên thường bị dằn vặt về sản phẩm, giá cả, thị phần… để làm sao không bị bỏ lại sau đối thủ. Nhưng cũng hay vì phải “dằn vặt” mới có sáng tạo.

* Ở tuổi 66, hỏi thật ông đã muốn chuyển giao thế hệ chưa?

- Với tôi bây giờ làm nữa là dại. Ví von cho vui nhé, mình có phải là con trâu đâu mà cày suốt đời nên tôi cũng đang dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc sức khỏe và gia đình. Chỉ làm việc mình thích, không đặt cho mình áp lực nữa. Bây giờ, tôi thích nhất là ngủ. Nói đúng hơn là nhắm mắt để thiền vì khi đó, không còn suy nghĩ, không thấy những gì khiến mình phải bận tâm.

Xin cảm ơn ông về câu chuyện vừa chia sẻ.

Quan điểm về bán thương hiệu và đề tài nghiên cứu

tien-si-huynh-ky-tran-xac-lap-ky-luc.jpg

- Đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam làm ăn đã đến gặp tôi đặt vấn đề mua lại hoặc mời Thorakao liên doanh nhưng tôi luôn kiên định lập trường dù có thế nào đi nữa cũng phải cố gắng giữ gìn nghề gia truyền, xem đó là tài sản quý mà mẹ tôi tâm huyết gầy dựng và để lại, tôi và vợ là thế hệ thứ hai của Thorakao phải tiếp nối, bảo tồn, gìn giữ và phát triển thương hiệu. Đây chính là con đường và hành trình tôi phải thực hiện trong cuộc đời còn lại. Vì thế chúng tôi đã từ chối lời đề nghị mua lại Thorakao.

- Tôi đã nhận ra sai lầm và thất bại của một số đồng nghiệp khi bán thương hiệu của mình cho các tập đoàn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết. Các công ty nước ngoài có kinh nghiệm làm ăn, lại có lợi thế tài chính. Nếu chỉ nhìn vào những lợi nhuận trước mắt họ đưa ra để thuyết phục mà chấp thuận thì vô tình mình đang bán chính mồ hôi, công sức của gia đình, bản thân với giá rẻ và sẽ phải nuối tiếc suốt đời.

- Ở nước ngoài, đa số các tập đoàn phát triển thành công đều từ công ty gia đình, tại sao Việt Nam lại không thể? Nhiều công ty nước ngoài khi đến đàm phán với doanh nghiệp Việt Nam thường tỏ thái độ kẻ cả, xem thường nên có lần tôi trả lời thẳng: “Tôi thà làm đầu gà trong công ty của tôi còn hơn làm đuôi voi cho các ông”.