Trái chủ của Credit Suisse mất trắng 17 tỷ USD

21/03/2023 01:14

Sau khi nhà băng lớn thứ 2 Thụy Sĩ được đối thủ UBS mua lại, toàn bộ 17 tỷ USD trái phiếu bổ sung cấp 1 của Credit Suisse sẽ giảm về 0.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS vừa đồng ý mua lại nhà băng 167 tuổi Credit Suisse với giá 3,23 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg.

Ngành ngân hàng toàn cầu vừa chứng kiến cuộc sáp nhập giữa 2 ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - UBS - vừa đồng ý mua lại nhà băng 167 tuổi - Credit Suisse - với giá 3,23 tỷ USD, chưa bằng một nửa giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng này (tính đến phiên giao dịch 17/3).

Thương vụ này được chính phủ Thụy Sĩ và cơ quan quản lý ngân hàng làm trung gian, nhằm gấp rút xử lý cuộc khủng hoảng của ngân hàng lớn thứ 2 quốc gia này.

Số phận 17 tỷ USD trái phiếu AT1

Theo thỏa thuận, chính phủ Thụy Sĩ sẽ cấp hơn 9 tỷ USD nhằm trang trải những khoản chi phí khổng lồ tiềm ẩn khi tiếp quản Credit Suisse. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hỗ trợ khoảng 100 tỷ USD thanh khoản cho UBS.

Nhằm đảm bảo ổn định tài chính toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), cùng các ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản và Thụy Sĩ đã công bố những nỗ lực phối hợp nhằm tăng thanh khoản cho các thỏa thuận hoán đổi USD.

Giới chức Thụy Sĩ đã gấp rút đạt được thỏa thuận trước phiên giao dịch đầu tuần tại châu Á. Tuy nhiên, 17 tỷ USD trái phiếu AT1 của Credit Suisse đã bốc hơi hoàn toàn sau thỏa thuận khiến thị trường sợ hãi. Các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo những trái phiếu tương tự ở châu Á.

Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính của Thụy Sĩ (Finma) cho biết hàng tỷ USD trái phiếu của Credit Suisse sẽ vô giá trị và chuyển một phần gánh nặng chi phí sang các nhà đầu tư tư nhân. Toàn bộ trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của nhà băng Thụy Sĩ được bút toán giảm để tăng vốn chủ sở hữu.

Đây là khoản lỗ lớn nhất trên thị trường AT1 ở châu Âu, vượt xa kỷ lục trước đó là 1,44 tỷ USD đối với trái chủ của ngân hàng Tây Ban Nha - Banco Popular - sau khi nhà băng này bị thâu tóm hồi năm 2017.

"Bom nổ chậm"

Trên thực tế, những người nắm giữ trái phiếu AT1 hoàn toàn hiểu rủi ro của loại tài sản này.

Rủi ro này đã được nêu rõ trong hồ sơ phát hành trái phiếu. Theo đó, trong trường hợp xóa sổ trái phiếu, toàn bộ số tiền gốc sẽ giảm về 0. Chủ sở hữu phải từ bỏ quyền hoàn trả trái phiếu không hủy ngang, và trái phiếu bị hủy vĩnh viễn.

Trái phiếu AT1 ra đời sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đóng vai trò giảm xóc khi các ngân hàng trượt tới bờ vực phá sản.

Loại trái phiếu này được thiết kế nhằm đẩy khoản lỗ về phía trái chủ, hoặc chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu nếu tỷ lệ vốn của ngân hàng rơi xuống dưới một mức nhất định.

Công cụ này sẽ hỗ trợ bảng cân đối kế toán và cho phép ngân hàng duy trì hoạt động kinh doanh.

Các trái chủ AT1 biết rằng mình đang cầm trong tay những quả lựu đạn

Ông John McClain, Giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management

Thị trường trái phiếu ngân hàng châu Âu đã giảm mạnh trong 2 tuần qua. Trái phiếu AT1 trung bình được biểu thị ở mức giá chỉ bằng khoảng 80% mệnh giá hôm 17/3.

Theo ông John McClain, Giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management, các trái chủ AT1 biết rằng mình đang cầm trong tay những quả lựu đạn.

"Đó là một điều đúng đắn nhằm ngăn chặn rủi ro đạo đức len lỏi vào thị trường. Trái phiếu AT1 được tạo ra cho các tình huống như thế này", ông nhấn mạnh.

Pacific Investment Management, Invesco và BlueBay Funds Management nằm trong nhóm quỹ đầu tư nắm giữ trái phiếu AT1 của Credit Suisse. Không rõ đến nay, các tổ chức này đã bán một phần hoặc toàn bộ khoản nắm giữ này hay chưa.

Giá trái phiếu của Credit Suisse đã biến động dữ dội khi các bên thỏa luận về vụ sáp nhập. Trước đó, nguồn tin của Wall Street Journal cho biết UBS đã đề nghị mua lại Credit Suisse với giá khoảng 1 tỷ USD.

Vài tiếng trước khi các thị trường châu Á mở cửa, nguồn tin của Bloomberg cho biết giới chức Thụy Sĩ đang cân nhắc quốc hữu hóa một phần hoặc toàn bộ Credit Suisse.

Đây là phương án dự phòng nếu thỏa thuận với UBS sụp đổ khi thời gian không còn nhiều.

Hơn nữa, hàng nghìn việc làm tại Credit Suisse cũng có khả năng bị bốc hơi sau vụ sáp nhập. UBS cho biết họ có kế hoạch thu hẹp quy mô của ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ.

Theo nguồn tin của Wall Street Journal, UBS chỉ giữ một số phần của ngân hàng đầu tư nhằm lấp đầy những khoảng trống về mặt địa lý, hoặc trong các lĩnh vực nhất định chưa có sự hiện diện của UBS.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "Trái chủ của Credit Suisse mất trắng 17 tỷ USD" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.