Sóng gió với ngành chip Trung Quốc

07/08/2022 08:30

Ngành chip của Trung Quốc đang đối mặt nhiều trắc trở khi nước này mở cuộc chiến chống tham nhũng trong khi Mỹ tăng cường các biện pháp cấm vận.

SCMP dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ đã sẵn sàng chặn xuất khẩu phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) có tên GAA sang Trung Quốc. GAA đặc biệt quan trọng trong việc phát triển thế hệ chip tiên tiến với hiệu suất tốt hơn. Công nghệ này yêu cầu phần mềm EDA chuyên biệt và các kỹ sư cần phần mềm này để thiết kế mạch tích hợp (IC). Cadence Design Systems, Synopsys và Mentor Graphics là những công ty đầu ngành, tất cả đều có trụ sở tại Mỹ.

Theo các nhà phân tích, đây sẽ là cú giáng mạnh tiếp theo vào tham vọng tự chủ nguồn chip của Trung Quốc. Một chuyên gia của Nvidia nói: "Trung Quốc đang lạc hậu trong lĩnh vực phần mềm EDA. Synopsys và Cadence có ít nhất 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trung Quốc có rất ít cơ hội để có thể theo kịp phương Tây trong thời gian ngắn".

Phần mềm EDA nhập khẩu là một trong những mắt xích yếu trong chuỗi giá trị bán dẫn của Trung Quốc. Nước này chưa có xưởng đúc nào có thể sản xuất chip dưới 5 nm. Khoảng 3.000 công ty thiết kế vi mạch tại đây cũng đang phụ thuộc nhiều vào phần mềm EDA của Mỹ.

Trung Quốc đặt mục tiêu tự chủ 70% nguồn chip vào năm 2025. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đặt mục tiêu tự chủ 70% nguồn chip vào năm 2025. Ảnh: Reuters

Theo Nikkei Asisa, Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy ngành bán dẫn trong nước để bớt phụ thuộc nước ngoài. Tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh đang tỏ ra thất vọng vì lĩnh vực chip chưa phát triển như mong muốn. Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Trung Quốc (CICF) hiện cũng trở thành "điểm nóng". Cuối tháng 7, cựu chủ tịch CICF Ding Wenwu bị điều tra do nghi ngờ chuyển tiền mặt của quỹ để chi tiêu cá nhân. Trước đó vài tuần, Lu Jun, giám đốc cũ của quỹ Sino IC có liên kết với CICF, bị bắt. Zhao Weiguo, đứng đầu tập đoàn sản xuất chip khổng lồ Tsinghua Unigroup, và Diao Shijing, cựu đồng chủ tịch, cũng vướng lao lý.

Truyền thông Trung Quốc cho biết cuộc điều tra nhắm vào các công ty chip vẫn tiếp tục mở rộng. Về lâu dài, hoạt động này có thể giúp ngành bán dẫn của quốc gia này trở nên lành mạnh hơn, nhưng trước mắt sẽ gây ra xáo trộn không nhỏ trong hoạt động sản xuất.

Chất bán dẫn được chính phủ Trung Quốc xác định là ưu tiên hàng đầu với mục tiêu nội địa hóa 70% thị phần trong ngành chip. Trong khi đó, Mỹ cũng đang ra các đạo luật mới để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Cuối tháng 7, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ký thông qua Dự luật Khoa học và CHIPS, trong đó chi 52 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn. Quy định nêu rõ các công ty nhận trợ cấp bị hạn chế thực hiện các "giao dịch lớn" liên quan đến mở rộng quy mô sản xuất chip ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào trong vòng 10 năm. Dự luật này dự kiến được Tổng thống Mỹ ký thành luật vào ngày 9/8.

Khương Nha (theo SCMP, Nikkei Asia)

Tham vọng tự chủ chip của Trung Quốc gặp khó Mỹ muốn dùng 52 tỷ USD để trói chân nhà sản xuất chip Cú đánh mới vào mục tiêu tự chủ bán dẫn của Trung Quốc

Bạn đang đọc bài viết "Sóng gió với ngành chip Trung Quốc" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.