SDI Corp - chủ đầu tư dự án The Global City đứng đầu danh sách nợ thuế

21/05/2022 08:30

Dù đang được lựa chọn là chủ đầu tư siêu dự án The Global City nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) lại đang nợ thuế 404,5 tỉ đồng, đứng đầu danh sách nợ thuế ở TP.HCM.

SDI Corp - chủ đầu tư dự án The Global City đứng đầu danh sách nợ thuế

Dù đang được lựa chọn là chủ đầu tư siêu dự án The Global City nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) lại đang nợ thuế 404,5 tỉ đồng, đứng đầu danh sách nợ thuế ở TP.HCM.

Siêu dự án có nhiều sai phạm

Theo danh sách công khai của Cục Thuế TP.HCM về những doanh nghiệp trên địa bàn nợ thuế tính đến hết đợt 2/2022, SDI - chủ đầu tư siêu dự án The Global City (TP. Thủ Đức) đang nợ tổng số tiền lên tới 404,5 tỉ đồng, đứng đầu những doanh nghiệp bất động sản nợ thuế trên địa bàn.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên SDI Corp nằm trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế của Cục Thuế TP.HCM. Trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế đến kỳ tháng 8/2019, Cục Thuế TPHCM cho biết, riêng SDI nợ thuế tổng cộng 455,5 tỉ đồng tiền thuế. Đây là doanh nghiệp có số nợ thuế lớn nhất trên địa bàn, chiếm 16,5% tổng số nợ trên địa bàn đến kỳ này.

SDI Corp là chủ đầu tư dự án KĐT Sài Gòn Bình An có quy mô 117 ha. Đến đầu năm 2022, dự án KĐT Sài Gòn Bình An được đổi tên thành The Global City. Thanh tra Chính phủ đã từng chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án KĐT Sài Gòn Bình An như: UBND TP.HCM phê duyệt tầng cao xây dựng tối đa là 30 tầng trước khi có văn bản số 305/TC-QC ngày 1/9/2016 của Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu về việc chấp thuận độ cao tĩnh không xây dựng công trình là thực hiện không đúng trình tự, quy định tại Khoản 5, Điều 4, Nghị định 20/2009/ND-CP ngày 23/2/2009 của Chính phủ.

SDI Corp - chủ đầu tư dự án The Global City đứng đầu danh sách nợ thuế - Ảnh 1Khu đất xây dựng dự án KĐT Sài Gòn Bình An được đổi tên thành The Global City ở TP. Thủ Đức, TP.HCM do SDI Corp làm chủ đầu tư.

UBND TP.HCM không phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe đối với khối nhà ở, nhà chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ là chưa phù hợp quy định và đảm bảo diện tích đỗ xe được quy định tại điểm 3, Khoản 2.8.6, Mục 2.8, Chương II của Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam.

Ngoài ra, theo cơ quan thanh tra do thay đổi hướng tuyến đường dẫn cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây, dẫn đến việc chồng lấn ranh quy hoạch của dự án KĐT Sài Gòn Bình An đã được Thủ tướng giao đất tại số 57/TTg-KTN ngày 12/1/2001.

Đồng thời, UBND TP.HCM đã thu hồi 35.773 m2 đất của dự án được chủ đầu tư đền bù, giải phóng mặt bằng, làm đường. Việc này dẫn đến làm thay đổi diện tích đất của dự án KĐT Sài Gòn Bình An so với quyết định thu hồi và giao đất của Thủ tướng.

Đặc biệt, về quản lý môi trường, theo quy định, dự án do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư thì phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc trách nhiệm của Bộ &MT.

Tuy nhiên, ngày 28/4/2016, Sở TN&MT TP.HCM có quyết định số 1038/QD-TCMT-CCBVMT phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án. Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc này là không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định tại Khoản 1, Phụ lục số III, Nghị định 18/2015/ND-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ.

Ngâm dự án 22 năm, nhiều lần xin giảm diện tích cây xanh

Ngoài SDI Corp còn có Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) cũng nằm trong danh sách nợ thuế tính đến hết đợt 2/2022 của Cục Thuế TP.HCM. Hiện tại, HDTC đang nợ thuế lên tới 351,8 tỉ đồng. Tiền thân của HDTC là Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco. Năm 2016, Công ty cổ  phần Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân đã chi hơn 1.600 tỷ đồng để mua 70% cổ phần HDTC khi Nhà nước bán vốn tại doanh nghiệp này.

HDTC là chủ đầu tư dự án KĐT An Phú - An Khánh (TP. Thủ Đức, TP.HCM). Dự án này đang bị chậm tiến độ mặc dù xuất hiện nhiều thông tin rao bán sản phẩm tại dự án từ năm 2000.

SDI Corp - chủ đầu tư dự án The Global City đứng đầu danh sách nợ thuế - Ảnh 2Dự án KĐT An Phú - Anh Khánh của HDTC suốt 22 năm chưa đi vào hoạt động, có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai.

Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao đất cho HDTC để đầu tư hạ tầng cơ sở tại dự án KĐT An Phú - An Khánh. Tiếp theo, Kiến trúc sư trưởng TPHCM ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất khu đô thị này. Dự án có pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, nên người dân tin tưởng ký hợp đồng mua nền đất, đóng tiền đầy đủ. Thế nhưng, hơn 22 năm trôi qua, họ vẫn chưa nhận được nền đất.

Phía HDTC nhiều lần đưa ra lý do “nền đất này hiện trạng vẫn còn vướng đền bù chưa giải tỏa, chưa đủ điều kiện bàn giao”. Tuy nhiên, tại Công văn số 738/CV ngày 27/10/2017, trả lời đơn khiếu nại của khách hàng, HDTC lại đưa ra lý do: “…Hiện nay, công ty vẫn chưa hoàn tất quyết toán chuyển thể doanh nghiệp, trong đó có việc giải quyết các nền tồn đọng trong giai đoạn công ty Nhà nước vướng chưa bàn giao được cho khách hàng. Trong thời gian chờ kết luận giải quyết của cơ quan có thẩm quyền về các tồn đọng nêu trên, Công ty tạm thời chưa xúc tiến giải quyết theo yêu cầu của khách hàng”.

Bên cạnh đó, Cơ quan chức năng tại TP. HCM đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, xử phạt HDTC về lỗi tiến hành xây dựng không phép tại KĐT An Phú - An Khánh.

HDTC đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch KĐT An Phú - An Khánh, trong đó phần lớn là điều chỉnh theo hướng tăng diện tích đất nền, đất xây dựng, đất ở. Điều này khiến tỉ lệ dân số tại khu đô thị này đang ở mức đáng báo động.

Mới đây, HDTC đề xuất điều chỉnh quy hoạch công viên khu A KĐT An Phú - An Khánh thành đất ở, cũng như điều chỉnh các khu đất công cộng tại khu vực khác thành nền đất. Trong quá trình lấy ý kiến người dân, nhiều thông tin phản ánh hình thức lấy ý kiến thông qua bỏ phiếu là thiếu khách quan và thiếu trung thực.

Nhiều người dân cho rằng, việc điều chỉnh được phê duyệt sẽ làm giảm tỉ lệ cây xanh, đất công viên, đất công tại KĐT An Phú - An Bình xuống còn dưới 1m2/người, phá vỡ quy hoạch đã được Thủ tướng và Kiến trúc sư trưởng TPHCM phê duyệt. Gây ra những hệ quả như quá tải hệ thống điện, quá tải hệ thống cấp thoát nước, quá tải hạ tầng giao thông, quá tải trường học và không đảm bảo tỉ lệ cây xanh trong khu đô thị… và khiến KĐT trở thành một “tổ kiến” đúng nghĩa.

Trong danh sách công khai nợ thuế của Cục Thuế TP.HCM đợt 2/2022 có 30 doanh nghiệp với tổng số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp lên đến 1.911 tỉ đồng.

Những doanh nghiệp có số nợ thuế hàng trăm tỉ đồng gồm SDI Corp với số tiền 404,5 tỉ đồng, HDTC nợ 351,8 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn (339 tỉ đồng), Công ty cổ phần Đức Khải (334 tỉ đồng)...

Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông nợ 49,5 tỉ đồng cũng bị Thanh tra TP.HCM kết luận có nhiều sai phạm trên nhiều lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, như chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất; chưa hoàn thành thủ tục về quyền sử dụng đất… tại dự án Park Vista. Chủ đầu tư còn bán 298 căn hộ tại dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Đến nay, dự án đã trễ hẹn gần 5 năm nhưng công trình đang bị ngưng thi công.

Các doanh nghiệp trên đều là những doanh nghiệp thường xuyên có tên trong danh sách nợ thuế tại TP.HCM.

Hồi đầu tháng 4/2022, Cục Thuế TP.HCM cũng từng công bố danh sách doanh nghiệp nợ thuế đợt 1/2022 gồm 120 doanh nghiệp, với tổng số tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp lên đến hơn 4.131 tỉ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Khánh Ngọc

Bạn đang đọc bài viết "SDI Corp - chủ đầu tư dự án The Global City đứng đầu danh sách nợ thuế" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.