'Thủ tục kéo dài mãi, mình là doanh nghiệp có chịu được không'

Chủ tịch TP.HCM phê bình các đơn vị để tồn đọng hồ sơ, khiến doanh nghiệp khiếu nại. Ông đặt câu hỏi tới các đơn vị liên quan: "Mình là doanh nghiệp coi có chịu được không".

Phòng chống dịch Covid-19 và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế là hai nội dung chính được Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh tại phiên họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5 của UBND TP.HCM diễn ra chiều 11/5.

Trong bài phát biểu gần 60 phút, Chủ tịch Phong đã đưa ra 19 chỉ đạo liên quan đến các vấn đề phòng chống dịch và kinh tế xã hội.

6 nguy cơ dịch bệnh của TP.HCM

Ông Phong cho biết tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Chỉ riêng từ 27/4 đến 11/5 đã xuất hiện 6 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng với 502 ca bệnh, ảnh hưởng đến 26 tỉnh, thành phố. Lãnh đạo TP.HCM khẳng định biến thể mới của virus SARs-CoV-2 mang tên B1.167 rất nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh và kháng mọi sự bảo vệ.

phat trien doanh nghiep TP.HCM anh 1

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ ra 6 nguy cơ dịch bệnh tại TP.HCM. Ảnh: HMC.

Trước tình hình đó, ông khẳng định công tác phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phân tích thành phố hiện có 6 nhóm nguy cơ bùng dịch.

Đầu tiên là lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Ông Phong đánh giá thực tế quản lý vẫn còn lỏng lẻo và nhấn mạnh nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Thứ hai là nguy cơ từ những người bệnh dương tính sau điều trị, kết thúc 14 ngày cách ly tập trung nhưng không tuân thủ việc theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày.

Thứ ba, TP.HCM có nhiều bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân, thân nhân từ các tỉnh, thành trên cả nước. Ông dẫn chứng Bệnh viện Chợ Rẫy có 4.200 cán bộ công nhân viên, 2.800-3.000 bệnh nhân nội trú, và 5.500-6.000 bệnh nhân ngoại trú. Như vậy, mỗi ngày có tới 10.000 người ra vào cơ sở y tế này.

Thứ tư là nguy cơ từ người nhập cảnh trái phép. Thứ năm là từ các địa phương có chuỗi lây nhiễm. Thứ sáu, TP.HCM là cửa ngõ giao lưu trong nước và quốc tế với nhiều sân bay, cảng hàng hải lớn, nhỏ. Riêng với tuyến đường thủy, ông Phong nhận định thành phố chưa chặt chẽ, quyết liệt và đề nghị lực lượng biên phòng xây dựng rõ quy trình, không để dịch bệnh xâm nhập.

phat trien doanh nghiep TP.HCM anh 2

Chủ tịch thành phố yêu cầu chuyển trạng thái chống dịch từ phòng ngự sang tấn công. Ảnh: Phạm Ngôn.

Để giải quyết các nguy cơ kể trên, Chủ tịch TP.HCM chỉ ra những đầu việc cụ thể. Đầu tiên là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phòng chống dịch trên tinh thần "phòng ngự kết hợp với tấn công". Ông nhấn mạnh đây là một cuộc chiến thực sự với 150 triệu người nhiễm và 3,3 triệu người tử vong trên toàn thế giới. Do đó, mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch.

Chủ tịch TP.HCM yêu cầu kích hoạt toàn bộ bộ chỉ số an toàn và tổ chức hậu kiểm. Ông cho biết cuối tuần sẽ kiểm tra tình hình chống dịch ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ nay, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM họp định kỳ 2 buổi/tuần vào chiều thứ 2 và thứ 6.

"Trên cơ sở nguy cơ và nhiệm vụ, phải tăng giải pháp kiểm soát dịch bệnh từ đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Tôi đã đề nghị tái lập chốt kiểm soát và khai báo bệnh ở tất cả cửa ngõ vào TP", Chủ tịch thành phố chỉ đạo.

"Tồn đọng thế này làm sao thành phố phát triển được"

Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, người đứng đầu TP.HCM đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư chuẩn bị gói hỗ trợ doanh nghiệp thứ hai. "Trong lúc khó khăn, sự hỗ trợ là rất quý để doanh nghiệp thấy bên cạnh mình luôn có chính quyền đồng hành", ông Phong chia sẻ.

Nói về các dự án đang gặp khó khăn tại thành phố, Chủ tịch TP.HCM giao Sở Nội vụ lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án do Phó chủ tịch Lê Hòa Bình chịu trách nhiệm. Tổ này sẽ hệ thống hóa tất cả dự án đang gặp khó về đất đai, thủ tục và giải quyết theo từng nhóm.

"Tồn đọng thế này làm sao thành phố phát triển được", Chủ tịch nhắc nhở và chia sẻ mỗi tuần, ông nhận rất nhiều đơn thư khiếu nại, bức xúc doanh nghiệp về "những thủ tục cứ kéo dài mãi". Chủ tịch nhấn mạnh tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp và yêu cầu các cơ quan "ngồi lại với nhau", có thể họp liên tục hàng tuần để xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp.

phat trien doanh nghiep TP.HCM anh 3

Toàn cảnh phiên họp kinh tế - xã hội tháng 4 của TP.HCM. Ảnh: HMC.

"Có những doanh nghiệp người ta phải dựa vào ngân hàng. Sự chậm trễ của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến mỗi ngày họ phải chống chịu với lãi suất, mà ngày này kéo sang ngày kia làm sao chịu nổi. Mình là doanh nghiệp coi có chịu được không, chấp nhận được không?", Chủ tịch nghiêm khắc phê bình.

Trước thực tiễn này, ông yêu cầu các cơ quan phải rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và việc làm. Các công việc phải đặt ra thời gian cụ thể, công bố rộng rãi cho người dân biết, giám sát. Với các cơ quan, văn bản gởi xin ý kiến trong 15 ngày làm việc mà không trả lời thì coi như đồng ý và phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu thành lập thêm tổ công tác kiểm tra kết luận của các phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Ông chỉ đạo từ nay, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngoài Nhà nước gửi về Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM. Doanh nghiệp nước ngoài gửi về tổ công tác đối ngoại và quốc tế thuộc Sở Ngoại vụ. Doanh nghiệp Nhà nước thì gửi về văn phòng UBND TP.HCM. Chủ tịch nhấn mạnh tháo gỡ khó khăn cho tất cả doanh nghiệp, "không xem nhẹ bên nào".

Chủ tịch Phong cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, không cung cấp thông tin không chính thức để đẩy giá đất thị trường, nhất là khu vực ngoại thành.

Báo cáo nội dung ủy quyền cho TP Thủ Đức trong tháng 6

Ngày 1/7, đề án tổ chức chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thành lập TP Thủ Đức chính thức có hiệu lực. Trước thời hạn này, ông Phong đề nghị Sở Nội vụ cùng TP Thủ Đức sớm báo cáo về các nội dung ủy quyền cao nhất cho TP Thủ Đức thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM trong đầu tháng 6. Chủ tịch cũng cho biết trong buổi làm việc sắp tới với Thủ tướng, UBND TP.HCM sẽ báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng về đề án cơ chế phù hợp cho TP Thủ Đức.

Về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, ông yêu cầu thủ trưởng từng đơn vị chịu trách nhiệm nếu để sụt giảm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Ông khẳng định thành phố sẽ trao giải thưởng cho đơn vị quận, huyện, sở, ngành thực hiện tốt các chỉ số.

"Trước hết ta phải nỗi lực, nói gì thì nói cũng phải nhìn vào kết quả cuối cùng. PCI năm 2016 ta hạng 8, nay hạng 14. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) thì ngày càng sụt giảm. Ta nói ta cố gắng nhưng điểm số vẫn là đánh giá cuối cùng. Như học bài đi thi, thức suốt đêm mà điểm thấp thì làm sao nói là ta nỗ lực?", ông Phong chia sẻ.

Link nội dung: https://www.chuyendongthitruong.vn/thu-tuc-keo-dai-mai-minh-la-doanh-nghiep-co-chiu-duoc-khong-85076.html