Xây 8 trạm bơm dã chiến bổ cập nước cho sông Tô Lịch

Hà NộiThành phố lên kế hoạch bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch và sông Nhuệ bằng trạm bơm dã chiến.

Chiều 4/3, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP Hà Nội, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho hay liên ngành thành phố đã khảo sát và đưa ra phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc, nhằm cải thiện chất lượng nước con sông này.

"Phương án này không chỉ giúp bổ cập cho sông Tô Lịch mà cho cả sông Nhuệ", ông Thắng nói.

Theo ông, về lâu dài thành phố sẽ triển khai dự án nâng cấp, xây dựng mới cống Liên Mạc nhằm đảm bảo việc tưới tiêu nông nghiệp và bổ cập nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Tuy nhiên, trước mắt khi dự án chưa thực hiện, các đơn vị liên quan lên kế hoạch "xây 8 trạm bơm dã chiến tại khu vực cống Liên Mạc để bổ cập nước cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch, công suất dự kiến khoảng 9 m3/s".

Hơn 10 năm qua, nhiều đề xuất được đưa ra nhưng chất lượng nước sông Tô Lịch vẫn còn ô nhiễm nặng. Ảnh: Tất Định.

Nước sông Tô Lịch thường xuyên trong tình trạng ô nhiễm nặng. Ảnh: Tất Định.

Ông Lê Thanh Nam, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội, cho hay kế hoạch nêu trên chỉ là một trong nhiều giải pháp đồng bộ thành phố sẽ thực hiện nhằm cải thiện môi trường sông Tô Lịch.

Ông Nam nói về lâu dài thành phố sẽ kiểm soát chất lượng nước thải từ các hộ gia đình; xây dựng cơ chế khuyến khích việc sử dụng chế phẩm thân thiện với môi trường; tách toàn bộ nước thải sinh hoạt ra khỏi đường thoát nước chung, không để xả thẳng xuống các dòng sông.

Năm 2018, Công ty thoát nước Hà Nội từng thử nghiệm xả nước Hồ Tây ra sông Tô Lịch và bước đầu cho kết quả tích cực trong việc tạo dòng chảy lưu thông, nước sông sạch hơn. Ảnh: Bá Đô.

Năm 2018, Công ty thoát nước Hà Nội từng thử nghiệm xả nước Hồ Tây ra sông Tô Lịch và bước đầu cho kết quả tích cực trong việc tạo dòng chảy lưu thông, nước sông sạch hơn. Ảnh: Bá Đô

Ngoài ra, TP Hà Nội đang xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để thu gom, xử lý nước thải của một số quận dọc hai bên sông Tô Lịch và địa bàn lân cận. Một số đoạn cống thu gom nước thải hai bên sông Tô Lịch đang được xây dựng thí điểm, sau đó thành phố sẽ đánh giá hiệu quả trước khi triển khai toàn tuyến.

"Thành phố cũng đang cân nhắc thu gom nước thải bằng hệ thống cống hai bên sông hay dưới lòng sông. Vì khi cống hoá để thu gom nước thải, việc bịt kín nước thải cũng tiềm ẩn ô nhiễm và ẩn chứa mầm bệnh", ông Nam nói.

Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường. Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.

Võ Hải

Hà Nội lấy ý kiến việc bơm nước sông Hồng 'cứu' sông Tô Lịch Nhiều chuyên gia ủng hộ lấy nước sông Hồng 'cứu' sông Tô Lịch Công trường xây dựng cống bao quanh sông Tô Lịch Hà Nội nghiên cứu xây cống ngầm ở sông Tô Lịch Những phương án được thí điểm để 'cứu' sông Tô Lịch

Link nội dung: https://www.chuyendongthitruong.vn/xay-8-tram-bom-da-chien-bo-cap-nuoc-cho-song-to-lich-68606.html