Thời cơ chỉ đến với những ai luôn sẵn sàng

(Chinhphu.vn) - Năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn với nhiều doanh nghiệp (DN) trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, như một quy luật, khó khăn của người này lại có thể là cơ hội cho người khác. Có điều, như người ta vẫn nói, cơ hội chỉ đến với những ai đã chuẩn bị sẵn sàng để đón bắt thời cơ. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, một công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán với mã cổ phiếu DPM là một DN như vậy.

Với các DN ngành dầu khí Việt Nam mà PVFCCo là một thành viên, năm 2020 là đỉnh điểm của khó khăn khi chịu tác động kép từ đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu chưa từng thấy, giao thương quốc tế hầu như ngưng trệ... Nhưng với PVFCCo, đó lại mở ra những cơ hội mà nếu kịp thời nắm bắt sẽ mang lại hiệu quả hết sức to lớn.

Chớp thời cơ giá nguyên liệu giảm, DPM đã tạm hoãn kế hoạch bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Phú Mỹ, đẩy công suất của Nhà máy lên mức tối đa.

Không chỉ tiêu thụ nội địa, nắm bắt thời cơ nhiều nhà sản xuất phân bón trên thế giới tạm ngưng xuất khẩu do đại dịch COVID-19, DPM tức thời ký kết và thực hiện các đơn hàng xuất khẩu với khối lượng lớn nhất từ trước tới nay.

PVFCCo thực hiện các đơn hàng xuất khẩu với khối lượng lớn nhất từ trước tới nay - Ảnh: VGP

Chủ động ứng phó để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong sản xuất, hiệu quả tối đa trong kinh doanh

Ngay từ rất sớm, khi số ca nhiễm ở Việt Nam còn rất thấp, đại dịch COVID-19 còn chưa lan tới TPHCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi đặt trụ sở Công ty và Nhà máy Đạm Phú Mỹ, PVFCCo đã ý thức sâu sắc về mối hiểm họa này, lập tức triển khai các biện pháp và khuyến cáo từ Bộ Y tế, quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe người lao động, đảm bảo việc sản xuất luôn vận hành trơn tru.

Công ty nhanh chóng thay đổi phương thức làm việc, tăng cường hoạt động trực tuyến, hạn chế cử cán bộ công nhân viên (CBCNV) đi công tác kể cả đến các vùng chưa có dịch, đồng thời phát huy tối đa các giải pháp làm việc trực tuyến.

Đã có nhiều sáng kiến đảm bảo an toàn cho CBCNV được áp dụng trong thời gian này mà trong điều kiện bình thường chắc không ai nghĩ tới. Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã nghĩ ra “Hộp khử trùng UV” để đảm bảo các đồ vật mà CBCNV hay sử dụng được khử trùng sạch sẽ. Tại nhà ăn, các bàn được bố trí cách xa nhau gấp đôi bình thường, mỗi bàn chỉ xếp tối đa 2 chỗ ngồi cùng một bên để tránh ngồi đối diện. Bát đũa được để riêng cho từng xuất ăn, không để chung như trước kia. CBCNV được chia thành nhiều nhóm lần lượt xuống nhà ăn để giảm thiểu mật độ người trong nhà ăn trong cùng thời điểm.

Tại trụ sở Tổng công ty và tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Công ty đã phân chia các nhóm làm việc tại cơ sở và làm việc từ xa; tách biệt một số cán bộ nhân viên chủ chốt, chuẩn bị sẵn sàng các phương án và nguồn lực nhằm đảm bảo Tổng công ty và Nhà máy luôn duy trì hoạt động liên tục ngay cả khi trường hợp xấu nhất xảy ra là có CBNV dương tính hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại của châu Âu (Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha). Năm 2020, Nhà máy lên kế hoạch bảo dưỡng tổng thể định kỳ với khối lượng rất lớn, lên tới hàng nghìn hạng mục cần sửa chữa, thay thế và phát sinh. Những đợt bảo dưỡng trước cho thấy đây là công việc hết sức phức tạp, thì trong bối cảnh hiện tại càng khó khăn hơn khi có thể sẽ không có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài từ công ty cấp bản quyền công nghệ do cả Châu Âu đang quay cuồng trong cơn đại dịch COVID-19. Đồng thời, năm 2019 Nhà máy cũng đã có một đợt dừng máy để bảo dưỡng, chính vì vậy, sau khi cẩn trọng cân nhắc, lãnh đạo Tổng công ty đã quyết định tạm hoãn kế hoạch bảo dưỡng tổng thể Nhà máy, thay vào đó đẩy công suất của Nhà máy lên mức tối đa, đạt sản lượng cao chưa từng có trong suốt 17 năm hoạt động với 868 ngàn tấn ure thành phẩm trên công suất thiết kế sau khi đã được nâng cấp là 800 ngàn tấn. Chính nhờ kịp thời nắm bắt cơ hội giá nguyên liệu đầu vào giảm mà mặc dù năm 2020 giá phân bón thế giới và trong nước giảm sâu so với năm 2019 và so với kế hoạch dự kiến ban đầu, khiến doanh thu các DN phân bón giảm mạnh, nhưng lợi nhuận của PVFCCo ko những không giảm mà còn tăng trưởng đáng kể.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ vận hành an toàn, ổn định, vượt công suất thiết kế - Ảnh/VGP

Cũng trong những điều kiện bất thường của năm 2020, PVFCCo đã đưa ra thị trường sản phẩm mới là Đạm Phú Mỹ Kebo - sản phẩm phân đạm có bổ sung vi lượng (TE) và chuyên dùng cho các cây cà phê, cây ăn quả, rau màu. Đây là loại phân bón có hàm lượng đạm cao, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, có bổ sung kẽm không chì khắc phục tình trạng thiếu ẽm trên cây trồng mà còn giúp tăng cường khả năng sử dụng đạm và lân trong cây, hàm lượng (Bo) cao giúp tăng cường khả năng ra hoa, đậu quả, tăng năng suất cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của bà con nông dân - một trong các mục tiêu mà PVFCCo nhất quán theo đuổi từ nhiều năm nay.

Khép lại năm 2020 đầy biến động, có thể nói, những doanh nghiệp như PVFCCo với các nỗ lực của mình đã góp phần vào kỳ tích của Việt Nam khi là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất toàn cầu.

Linh Đan

 

Link nội dung: https://www.chuyendongthitruong.vn/thoi-co-chi-den-voi-nhung-ai-luon-san-sang-57760.html