Lập Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế

TTO - Nếu không gấp rút cứu vãn di sản văn hóa Huế thì di sản sẽ tiếp tục bị vi phạm, gây trở ngại cho việc phát triển đô thị. Đặc biệt là những con người di sản, họ qua đời mà chưa kịp trao truyền cho thế hệ sau.

Lập Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế - Ảnh 1.

Huế - đô thị di sản - Ảnh: HOÀNG HẢI

Trước tình hình đó, Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế ra đời, nhằm tập hợp những người yêu Huế, yêu di sản văn hóa Huế, và các chuyên gia trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển di sản, để góp phần làm cho Huế luôn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - trưởng ban vận động thành lập Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế - phát biểu mở đầu đại hội thành lập hội này vào sáng 27-11 tại Huế.

Lập Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế - Ảnh 2.

Các đại biểu thảo luận về việc nghiên cứu và phát triển di sản Huế - Ảnh: M.TỰ

Theo ông Xuân, ai cũng biết di sản văn hóa Huế là "vô cùng to lớn", nhưng cụ thể nguồn di sản đó là gì, cái gì đã mất, cái gì đang còn, giá trị của nó như thế nào, cái gì cần phải bảo tồn... thì vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Vì vậy, quá trình phát triển kinh tế, xây dựng đô thị luôn xung khắc với việc bảo tồn di sản; dẫn đến tình trạng di sản bị xâm hại, hoặc vô tình di sản thành vật ngáng đường phát triển.

Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế ra đời là để góp phần giải quyết một cách hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản. Nhất là khi Thừa Thiên Huế đang xây dựng để trở thành đô thị di sản trực thuộc trung ương.

Lập Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế - Ảnh 3.

Logo của Hội Nghiên cứu và phát triển di sản Huế - Ảnh: M.TỰ

Để thực hiện những công việc đó, hội đã thiết lập website huehoc.com để phổ biến thông tin nhằm nhận thức về Huế học, về di sản Huế; lập thư mục Di sản văn hóa Huế, lập danh sách Danh nhân văn hóa Huế, địa danh di sản... Liên kết với các cơ quan nghiên cứu khoa học để lập Tủ sách Huế, thực hiện công trình Kinh đô ẩm thực Huế, biên soạn giáo trình Huế học...

Bước đầu có 64 người trong và ngoài nước đã đăng ký tham gia Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế, bao gồm các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, khoa học, dịch thuật, văn nghệ sĩ, quản lý văn hóa...

Lập Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại đại hội - Ảnh: M. TỰ

Phát biểu tại đại hội, ông Phan Ngọc Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho rằng phải đánh giá lại một cách chính xác và khách quan về di sản văn hóa Huế, đó là cơ sở khoa học để hoạch định sự phát triển.

Theo ông Thọ, Huế cần phát triển, nhưng phải phát triển trong sự chuyển tiếp, tiếp nối của cũ và mới, truyền thống và hiện đại, trầm mặc và năng động... Mong rằng Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế sẽ giúp cho sự phát triển đó của Huế.

Link nội dung: https://www.chuyendongthitruong.vn/lap-hoi-nghien-cuu-va-phat-trien-di-san-van-hoa-hue-52679.html