Nữ sinh bị biến dạng tai sau khi bấm lỗ tai

21/03/2023 13:07

Do "bắt chước" bạn bè xỏ 4-5 khuyên tai, nữ sinh 18 tuổi đã phải nhận kết đắng khi tai trái mưng mủ, chảy máu nhiều.

Mới đây, bệnh nhân N. L. P (18 tuổi) vì muốn giống các bạn đeo 4-5 chiếc khuyên trên tai, nên đã tìm đến một điểm bấm khuyên tai để bấm khuyên ở vành tai trái. Hai ngày sau, P thấy xuất hiện sốt, sưng nề, đau nhiều, chảy mủ vàng ở vị trí bấm khuyên tai. Nữ sinh được đưa tới cơ sở y tế gần nhà điều trị, nhưng sau 2 tuần, các triệu chứng cải thiện không đáng kể, nên phải chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) để tiếp tục điều trị.

Sau khi thăm khám các bác sĩ phải tiến hành rạch mở rộng ổ áp xe để vệ sinh cắt lọc sụn viêm và chăm sóc hằng ngày. Điều trị tại viện một thời gian, tình trạng viêm cải thiện hoàn toàn, nhưng để lại di chứng nặng nề là vành tai bị biến dạng. Đây là một hậu quả rất nặng nề về mặt thẩm mỹ cho người bệnh.

Thời gian gần đây,  tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc bệnh viện cũng cho biết, đơn vị này thường tiếp nhận những ca bệnh đã có 2 lỗ tai nhưng vẫn bấm thêm lỗ ở sụn vành tai để thể hiện cá tính. Nhiều người sau khi bấm, tai bị sưng đỏ, mưng mủ, sốt, tự mua chống viêm, giảm đau về uống, khi không đỡ mới vào viện.

“Nguyên nhân dẫn đến bị áp xe, nhiễm trùng vành tai là do người bệnh bấm khuyên tại những nơi không đảm bảo vô khuẩn. Bệnh nhân thường ở độ tuổi từ 15 - 25. Trong đó, nhiều người tới viện muộn khi đã bị viêm sụn vành tai”, PGS Cảnh cho biết.

Chia sẻ về thực trạng này, bác sĩ Hồ Chí Thanh, Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lý giải: “Ai cũng có nhu cầu làm đẹp cho bản thân và đây là nhu cầu chính đáng. Đeo trang sức qua lỗ bấm khuyên là một trong những hình thức làm đẹp đó và một mặt nào đó họ muốn thể hiện cá tính của riêng mình. Thế nhưng, trong các vị trí bấm khuyên trên cơ thể thì viêm tấy hoặc áp xe ở vành tai chiếm tỷ lệ gặp biến chứng cao nhất và nặng nhất”.

Từ những trường hợp trên bác sĩ Hồ Chí Thanh khuyên, nếu các bạn trẻ muốn bấm khuyên tai phải tìm hiểu thật kỹ về bấm khuyên tai hay các vị trí khác trên cơ thể và chỉ thực hiện ở những cơ sở y tế được cấp phép và đủ điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn. Người thực hiện phải là những bác sĩ có chứng chỉ chuyên môn, không nên giao tính mạng cho những “lang băm” ở những cơ sở bấm lỗ tai chui, không có chuyên môn và dụng cụ không đảm bảo vô trùng. Khi có có biểu hiện bất thường như sưng tấy lâu ngày, mưng mủ tại vị trí bấm khuyên, nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh hậu quả đáng tiếc sau này

Trúc Chi (t/h Giáo Dục và Thời Đại, CAND)

Bạn đang đọc bài viết "Nữ sinh bị biến dạng tai sau khi bấm lỗ tai" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.