Nghề streamer và cái giá cho sự nổi tiếng

06/08/2022 06:30

Một buổi tối cuối tháng 6, nữ streamer Kaitlyn Siragusa bất ngờ thấy một vị khách không mời đứng ngoài cửa sổ và nhìn mình chằm chằm.

Người này sau đó đập cửa để xin Siragusa vào trong nhà. Khi nữ streamer 28 tuổi, sống ở ngoại ô Houston (Mỹ), không trả lời, người đàn ông đi vòng ra phía sau, cố gắng giật mạnh cửa phụ. Nhưng ông ta không phải là kẻ trộm cướp.

Trước khi tìm đến nhà Siragusa, người này đã nhắn tin cho cô nhiều tháng để bày tỏ sự hâm mộ. Thông qua tin nhắn, ông ta nói đã bán hết nhà và tài sản ở Estonia, sau đó bay nửa vòng trái đất để tìm đến người mà mình hâm mộ.

"Tôi xin lỗi đã làm mất thời gian của cô, nhưng tôi rất vất vả mới tới được đây. Đó là thử thách địa ngục", người đàn ông nói vọng vào trong và được camera an ninh ghi lại. "Nhưng tôi sẽ vẫn ở đây, bây giờ".

Siragusa trong một buổi livestream. Ảnh: NYTimes

Siragusa trong một buổi livestream. Ảnh: NYTimes

Người đàn ông này nằm trong số năm triệu người theo dõi Siragusa trên Twitch, một nền tảng phát trực tuyến nổi tiếng thế giới. Cô đã phải gọi cảnh sát để nhờ can thiệp. "Những gì các streamer nổi tiếng đang đối mặt là quấy rối và sự đeo bám", Siragusa nói.

Twitch trước đây là nền tảng phát trực tuyến chủ yếu liên quan đến trò chơi điện tử. Nhưng gần đây, các nội dung đã đa dạng hơn nhiều, từ kinh nghiệm sống, nấu ăn đến bình luận chính trị. Siragusa thường xuất hiện với bộ đồ sexy hoặc áo quần giống nhân vật trong game, thỉnh thoảng chơi Raid: Shadow Legends hoặc GeoGuessr. Tuy nhiên, các buổi livestream của cô giống như một chương trình tạp kỹ hơn.

Twitch hiện có 8 triệu người chuyên livestream, với thời gian phát sóng thường vài giờ mỗi phiên. Streamer sẽ tương tác với người xem và được ủng hộ bằng nhiều hình thức khác nhau. Siragusa tiết lộ kiếm được 120.000 USD mỗi tháng thông qua việc người hâm mộ xem quảng cáo, quyên góp một lần hoặc trả 5 USD mỗi tháng để đăng ký kênh. Cộng thêm các nền tảng khác như OnlyFans, mỗi tháng cô có thể thu về hơn một triệu USD.

Twitch được đánh giá khác biệt so với Instagram, Twitter hay TikTok nhờ "sự thân mật" - tính năng được thiết kế để khiến các ngôi sao phát trực tuyến giống như những người bạn thực sự của người hâm mộ. Mối quan hệ này là phần cốt lõi trong mô hình của Twitch, nhưng chúng dần trở nên thiếu lành mạnh.

"Trong các buổi livestream, họ nhìn vào nhà bạn, vào phòng ngủ của bạn và cảm giác đó rất riêng với họ", Siragusa nói. "Tôi nghĩ rằng đó là điều góp phần rất lớn làm tăng lượng người theo dõi: Họ cảm thấy như họ biết bạn".

Để đối phó với sự quấy rối, đe dọa và theo dõi kể từ khi gia nhập Twitch năm 2016, Siragusa mua súng, lắp camera an ninh và một chú chó tên Bear để bảo vệ bản thân. Trong khu vực sinh sống, cô cũng là người thường xuyên báo cơ quan chức năng nhiều nhất, đến mức cảnh sát chưa nhấc máy đã biết cô gọi đến. "Có lẽ tôi không biết nên làm gì khác vào lúc này ngoài việc xây một cái hào với cá sấu quanh nhà", cô nói.

Những streamer thành công như Siragusa có sự nghiệp đáng mơ ước chỉ bằng việc được trả tiền để chơi game. Nhưng khi đã trở nên nổi tiếng, đôi khi chỉ sau một đêm, mọi thứ trở nên nguy hiểm hơn.

Vào những năm 1950, các nhà tâm lý học nhận thấy sự gắn bó tình cảm mãnh liệt mà người hâm mộ có thể phát triển đối với các diễn viên, phát thanh viên và những người nổi tiếng khác. Họ đặt tên cho nó là "mối quan hệ một chiều trong xã hội". "Trong những trường hợp cực đoan, người hâm mộ sẽ cảm thấy như thể họ 'sở hữu' người nổi tiếng hoặc như một đối tác cá nhân", Chris Rojek, giáo sư xã hội học tại Đại học London, giải thích.

Trên Twitch, mối quan hệ với một người nổi tiếng không phải không được đáp lại. Theo Rachel Kowert, nhà tâm lý học và giám đốc nghiên cứu tại Take This, việc tương tác trên các nền tảng mạng xã hội khiến người hâm mộ "thấy gần gũi xã hội" hơn, khiến một số người quá khích muốn gặp nhân vật mình hâm mộ.

Brooke Bond, 24 tuổi và sống ở Portland, cũng có trải nghiệm kinh hoàng về xu hướng "chiếm hữu" thần tượng. Trong giai đoạn Covid-19, cô chơi Fortnite để giải tỏa áp lực, sau đó lên Twitch để chia sẻ về game mình đang chơi, cũng như một phần cuộc sống và áp lực đang trải qua.

Năm nay, Bond bất ngờ nhận được lời đề nghị từ 100 Thieves, một tổ chức thể thao điện tử, chuyển đến Los Angeles để phát triển sự nghiệp. Cô đã rất vui, cho đến khi chia sẻ niềm vui đó lên Twitch.

Người hâm mộ Bond lập tức tố cô lừa dối, tìm địa chỉ nhà của cô rồi "khủng bố" thông tin trên mạng xã hội. Thậm chí, có nhiều người dọa giết, buộc cô phải cầu cứu đến cảnh sát. Cô chi hàng chục nghìn USD cho các nhà điều tra tư nhân và cả FBI để điều tra những kẻ quấy rối.

Vào tháng 4, Bond đề cập kế hoạch tham dự lễ hội âm nhạc Coachella, nhưng sau đó nhận một loạt tin nhắn với ý rằng sẽ giết cô và gia đình nếu tới. "Tôi đã hủy chuyến đi, đề phòng là trên hết", cô nói.

David Huntzinger, nhà quản lý và người đại diện cho một số streamer nổi tiếng, khuyến cáo những người phát trực tiếp không nên chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng, bởi có thể mang lại hậu quả khó lường.

DizzyKitten hiện chỉ livestream với biệt danh, chỉ cho biết tên là Brandi nhưng giấu họ để tránh lộ thông tin cá nhân. Ảnh: NYTimes

DizzyKitten hiện chỉ livestream với biệt danh để tránh lộ thông tin cá nhân. Ảnh: NYTimes

DizzyKitten, tài khoản có 680.000 người theo dõi trên Twitch, cũng đã "thấm" kinh nghiệm này. Năm 2013, khi 20 tuổi, cô gia nhập nền tảng livestream để nói về game World of Warcraft và Counter-strike. Ban đầu, cô không biết tác hại từ việc tiết lộ thông tin cá nhân nên đã thoải mái kết bạn với người xem trên trang Facebook và cho họ biết tên thật của mình.

Năm 2018, một người đàn ông từ Washington nói với DizzyKitten rằng ông ta sẽ đến nhà cô. Trong các tin nhắn, ông còn gọi cô là "vợ" và nhắn tin thân mật dù chưa gặp nhau lần nào. Cô sau đó báo cảnh sát và phải chuyển nhà.

Theo Leigh Honeywell, CEO công ty an ninh mạng Tall Poppy, dù là người nổi tiếng hay người dùng mạng xã hội nói chung, các thông tin cá nhân khi đã bị lộ sẽ rất nguy hiểm. Dù vậy, Honeywell cho rằng việc bảo đảm riêng tư cho những streamer sẽ khó khăn hơn rất nhiều, do khán giả thường quan tâm mọi thứ đến người họ hâm mộ và không thích sự ẩn danh.

Twitch cũng nhận thức được các mối đe dọa hướng đến streamer. Tom Verrilli, Giám đốc sản phẩm của công ty, cho biết đã tăng cường xây dựng tính an toàn cho nền tảng. Chẳng hạn, thông tin cá nhân trên trang cài đặt Twitch sẽ bị che đi, từ đó người phát trực tiếp không vô tình tiết lộ địa chỉ hoặc số điện thoại khi chia sẻ màn hình trong buổi livestream.

Năm ngoái, Twitch cũng bắt đầu mạnh tay với hành vi sai trái xảy ra "ngoài dịch vụ". Theo quy định, nếu một người dùng Twitch được xác định đã gây "tác hại nghiêm trọng trong thế giới thực", người đó có thể bị cấm tham gia nền tảng vĩnh viễn.

Bảo Lâm (theo NYTimes)

Áp lực của nghề streamer Một 'streamer' Việt Nam được yêu thích nhất thế giới Streamer vượt tay đua F1 trên đường đua ảo Nông dân Trung Quốc đua nhau làm streamer Streamer 14 tuổi kiếm 200.000 USD nhờ chơi Fortnite

Bạn đang đọc bài viết "Nghề streamer và cái giá cho sự nổi tiếng" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.