Mở cửa du lịch, sao còn chần chừ?

07/12/2021 16:30

(NLĐO) – Ngành công nghiệp du lịch liên quan tới rất nhiều ngành, hàng loạt chủ đầu tư trong lĩnh vực lưu trú đang đứng trước nguy cơ không thể vực dậy khi du lịch "bất động"

"Không thể chần chừ thêm việc mạnh dạn mở cửa du lịch", chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch nhận định tại tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 7-12.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nói rằng ngành du lịch hiện như người bệnh nặng, nếu uống thuốc trễ thì dù tốn tiền nhưng cũng vô dụng.

Dẫn chứng với chuyến đi thực tế tại một số tỉnh miền Trung của mình vừa qua, TS Trần Du Lịch nói rằng những điểm du lịch náo nhiệt giờ chỉ còn là khung cảnh tiêu điều, không có sức sống... Nhiều ý kiến cho rằng ở kinh tế thị trường, ngành du lịch như chiếc lò xo bị nén lại và sẽ có khả năng tự phục hồi. Nhưng, những chiếc lò xo đã liệt thì dù có buông, không đè cũng không thể phục hồi nổi.

Mở cửa du lịch, sao còn chần chừ? - Ảnh 1.

Các chuyên gia đề xuất sớm mở cửa du lịch bao gồm thị trường khách quốc tế để sớm khôi phục ngành du lịch. Ảnh: Linh Anh

"Ngành công nghiệp du lịch liên quan tới rất nhiều ngành. Trong 3 lĩnh vực lưu trú, lữ hành và vận tải, thì lưu trú phát triển rất mạnh với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp đổ vào lớn. Hàng loạt chủ đầu tư đang đứng trước nguy cơ không thể vực dậy vì du lịch "bất động". Họ chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Nếu họ "chết", ngân hàng có yên? Dẫn chứng để thấy hệ lụy từ việc chậm trễ hồi phục du lịch là rất lớn. Và không thể chần chừ thêm việc mạnh dạn mở cửa du lịch" – TS Trần Du Lịch nói.

TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, cũng cho rằng việc Việt Nam dè dặt trong mở cửa ngành du lịch vô hình trung đã gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Như một khách sạn ở Vũng Tàu treo băng rôn cầu cứu chính quyền cho mở lại các hoạt động du lịch theo tiêu chí an toàn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế và không phải ngoại lệ…

Ngay như chủ trương thí điểm hộ chiếu vắc-xin du lịch cho khách quốc tế đến Phú Quốc nhưng thực tế mới chỉ có khoảng 300 - 400 du khách nước ngoài đến Việt Nam. Kết quả đạt được quá khiêm tốn nguyên nhân do các điều kiện áp dụng chung chưa hấp dẫn, còn nhiều rào cản.

Trong khi như châu Âu, Mỹ đã mở cửa hoàn toàn, ai cũng được vào miễn là đã tiêm vắc-xin. Nhiều người Việt Nam đi châu Âu, Mỹ không gặp khó khăn gì. Hay như Dubai mở cửa hoàn toàn từ tháng 8-2021 khi chỉ yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR, không yêu cầu chứng chỉ vắc xin. Ngay Thái Lan cũng mở cửa cho người đã tiêm vắc-xin đến từ 63 quốc gia (danh sách tiếp tục được bổ sung), với chính sách visa như trước dịch bệnh…

"TP HCM hay Hà Nội hiện tỉ lệ tiêm vắc-xin còn cao hơn Mỹ, châu Âu, gần bằng Singapore... Như vậy còn chờ gì nữa mà chưa mở cửa ngành du lịch vì đến nay vắc-xin là công cụ mạnh nhất để thích nghi, để làm ăn, để phát triển theo Nghị quyết của Chính phủ?" - TS Lương Hoài Nam đặt vấn đề.

Tham dự tọa đàm, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, tiếp tục kiến nghị trung ương sớm cho phép TP HCM được mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin trong thời gian tới để góp phần phục hồi kinh tế. Được biết đến nay, kiến nghị của TP HCM xin thí điểm đón khách quốc tế từ cuối năm 2021 vẫn đang chờ lấy ý kiến các bộ, ngành.

"TP HCM đề xuất Trung ương quan tâm, sớm giải quyết kiến nghị của thành phố. Theo kỳ vọng, nếu đề án sớm được triển khai, làm tốt được các điểm du lịch, kết nối liên tỉnh cùng các địa phương thì rất nhiều ngành dịch vụ khác cũng sẽ vực dậy nhanh chóng, cùng đóng góp rất nhiều vào quá trình phục hồi kinh tế sau dịch của thành phố" - bà Phan Thị Thắng chia sẻ trực tuyến từ Văn phòng UBND TP HCM tới tọa đàm sáng nay.

Bạn đang đọc bài viết "Mở cửa du lịch, sao còn chần chừ?" tại chuyên mục TIÊU DÙNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.