Lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam

18/10/2021 16:30

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nhiều doanh nghiệp dệt may rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản do buộc phải đóng cửa, dừng sản xuất. Về lâu dài, so với nhiều đối thủ cạnh tranh, dệt may Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật.

Sản lượng cá tra, tôm giảm mạnh, nguy cơ cao thiếu nguyên liệu

Xuất khẩu đường Thái Lan sang Việt Nam tiếp tục 'chìm đáy'

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp dệt may rơi vào cảnh "khó trăm bề" thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản do buộc phải đóng cửa, dừng sản xuất. Nhiều công nhân kéo nhau về quê, ảnh hưởng đến nguồn cung lao động.

Với dư địa từ những tháng đầu năm khi còn nhiều đơn hàng, nhu cầu sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm rất lớn. Tuy nhiên, nếu các địa phương không sớm nới lỏng phong tỏa, hạn chế đi lại và triển khai biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế thì mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD trong năm nay của ngành dệt may đề ra sẽ khó có thể thực hiện được.

0530-detmay
Ảnh minh họa

Một khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) tại các doanh nghiệp nằm trong khu vực áp dụng Chỉ thị 16, cho thấy, có 65,3% số doanh nghiệp Việt Nam đã ngừng hoạt động trong tháng 9, chỉ còn 34,7% số doanh nghiệp còn duy trì hoạt động. Trong đó, ngành dệt may và da giày chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, sức khỏe và kinh tế gần như kiệt quệ với hơn 60% số người lao động di cư muốn về quê hoặc đã về quê. Mặc dù vậy, phần lớn người lao động xác định chỉ về quê trong thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và lo cuộc sống cho bản thân, con cái. 89% số người lao động di cư và 96% số người lao động địa phương muốn tiếp tục làm việc ở các nhà máy.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời gian dịch bệnh phức tạp, nhiều doanh nghiệp đứt gãy chuỗi sản xuất dẫn đến một số đơn hàng dệt may đã ký trước đó bị khách hàng hủy hoặc chuyển dịch sang nước khác.

Điều này dẫn tới những lo ngại về tương lai xuất khẩu của các sản phẩm này. Tuy nhiên, với các nhãn hàng dệt may lớn, chuyện chuyển dịch các đơn hàng đến khu vực kiểm soát dịch tốt là điều bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu mùa mua sắm cuối năm tại các thị trường Âu, Mỹ.

Nếu các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, hoàn thành thuận lợi các đơn hàng còn lại trong những tháng tới thì không cần quá lo lắng về tương lai. Bởi trong lâu dài, so với nhiều đối thủ cạnh tranh, dệt may Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan theo các FTA.

Hiện nay, điều quan trọng nhất doanh nghiệp dệt may, da giày cần là các chính sách hỗ trợ trực diện như: hỗ trợ tài chính, miễn hoặc giảm mạnh các loại thuế, phí (như phí bảo hiểm xã hội, phí công đoàn,…) hay gói hỗ trợ lãi suất tín dụng kịp thời nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất đầy đủ.

Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả nguồn lao động đang có, nới lỏng hoặc bỏ các hạn chế về số giờ làm thêm tối đa, giúp doanh nghiệp thu hút lao động quay trở lại làm việc thông qua việc hỗ trợ chi phí suất ăn ca, thuê trọ, tổ chức xét nghiệm định kỳ miễn phí cho người lao động. Thiết lập một cơ chế luồng xanh thống nhất trên toàn quốc cho việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất...

Bạn đang đọc bài viết "Lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.