Lo ngại xung quanh công nghệ tìm kiếm khuôn mặt của Clearview AI

07/12/2021 08:11

Clearview AI đã được cơ quan cấp bằng sáng chế Mỹ “bật đèn xanh” cho công nghệ mà công ty này gọi là “công cụ tìm kiếm khuôn mặt”, khiến nhiều nhà hoạt động lo ngại.

Tuần qua, Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) đã gửi một “thông báo cho phép” tới Clearview, có nghĩa là bằng sáng chế của công ty này sẽ được chấp thuận sau khi nộp một khoản phí hành chính. Bằng sáng chế này bao gồm “các phương thức cung cấp thông tin về cá nhân dựa trên nhận diện khuôn mặt”, bao gồm “trình thu thập dữ liệu web tự động” có khả năng quét các trang mạng xã hội và Internet nói chung, cũng như các thuật toán phân tích và ghép hình ảnh khuôn mặt thu thập từ Internet.

Phần mềm mà Clearview AI phát triển, được công ty này quảng bá là công cụ tìm kiếm khuôn mặt thương mại đầu tiên, có khả năng thu thập hình ảnh từ mạng xã hội và hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật ghép những hình ảnh này với hình ảnh từ cơ sở dữ liệu có sẵn và các máy quay an ninh. 

Công nghệ của Clearview AI, theo Politico, được các cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu như FBI và Bộ An ninh Nội địa sử dụng. Ít nhất 10 cơ quan liên bang tại Mỹ cũng có kế hoạch mở rộng việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong vòng 2 năm tới.

Công nghệ - Lo ngại xung quanh công nghệ tìm kiếm khuôn mặt của Clearview AI

Giao diện sản phẩm của Clearview AI trong cuộc phỏng vấn với phóng viên của CNN Donie O'Sullivan. Nguồn: CNN Business.

Các nhóm hành động vì quyền riêng tư còn cho cho rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt còn dễ gặp sai sót và có thể dẫn đến việc bắt nhầm người. Phía Clearview AI thì cho biết công ty chưa ghi nhận trường hợp bắt nhầm người nào do công nghệ của công ty; thuật toán của Clearview cũng đạt độ chính xác cao khi được Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) kiểm tra. 

CEO và người đồng sáng lập Clearview AI Hoan Ton-That nói trong một cuộc phỏng vấn với Politico: “Có nhiều công nghệ và bằng sáng chế khác về nhận diện khuôn mặt, nhưng phương thức [của Clearview] là phương thức đầu tiên sử dụng dữ liệu quy mô lớn từ Internet”. Theo Ton-That, sản phẩm của Clearview sử dụng cơ sở dữ liệu chứa hơn 10 tỷ hình ảnh và không thiên vị về chủng tộc. 

Lo ngại về quyền riêng tư 

Công nghệ này đã khiến nhiều nhà hoạt động quyền riêng tư lo ngại và chỉ trích, với quan điểm cho rằng nó sử dụng dữ liệu khuôn mặt mà không có sự nhận thức hay đồng ý của cá nhân người ấy. Động thái của USPTO cũng làm những người chỉ trích Clearview tin rằng bằng sáng chế sẽ tăng tốc độ tăng trưởng của công nghệ nhận diện khuôn mặt trước khi giới quản lý và lập pháp có thể đối phó với nhiều nguy cơ từ nó.

Thượng nghị sĩ Ed Markey (Đảng Dân chủ) cho biết trong email gửi Politico: “Công nghệ nhận diện khuôn mặt đang di căn khắp chính phủ liên bang, khiến tôi vô cùng lo ngại về xu hướng tăng cường theo dõi và giám sát này”. Ông Markey đã dẫn đầu nỗ lực lập pháp nhằm tạm dừng việc chính phủ Mỹ sử dụng phần mềm sinh trắc học của Clearview AI và nhiều công ty khác, nhưng sự quan tâm của Quốc hội Mỹ với vấn đề này đang dần mờ đi trong khi luật pháp ở cấp liên bang chưa được thiết lập đầy đủ.

Matt Mahmoudi, một nhà nghiên cứu từ Tổ chức Ân xá Quốc tế và hiện đang dẫn đầu nỗ lực vận động cấm công nghệ nhận diện khuôn mặt, cho rằng việc Clearview sử dụng cơ sở dữ liệu hình ảnh mà không được các cá nhân có trong đó cho phép là vi phạm quyền riêng tư. Theo ông Mahmoudi, bằng sáng chế chờ chấp thuận của Clearview AI đang vi phạm trực tiếp luật nhân quyền quốc tế và có thể dẫn đến tiềm năng công nghệ này được sử dụng với mục đích bên ngoài hoạt động thực thi pháp luật trong tương lai.

Bên cạnh chỉ trích đến từ các nhà hoạt động Mỹ, Australia và Anh cũng đã cáo buộc Clearview AI vi phạm luật quyền riêng tư và luật bảo vệ dữ liệu tại các nước này. Công cụ của Clearview AI cũng đã khiến các công ty mạng xã hội lớn tức giận. Facebook, Twitter, Google, YouTube, LinkedIn và Venmo đều đã gửi thư yêu cầu Clearview AI chấm dứt thu thập hình ảnh của người dùng và dữ liệu từ các nền tảng này.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt lan rộng 

Clearview cho rằng Tu chính án Thứ nhất của Hiến pháp Mỹ cho công ty này quyền sử dụng nội dung công khai. Ton-That nói rằng: “Toàn bộ thông tin trong hệ cơ sở dữ liệu của chúng tôi đều là thông tin công khai mà mọi người tự nguyện đăng tải lên Internet - không có gì trong đó mà chúng tôi tự tạo ra cả. Nếu lượng dữ liệu này đều là dữ liệu riêng của cá nhân, chuyện sẽ hoàn toàn khác”.

Cũng theo Ton-That, phần mềm của Clearview chỉ phục vụ cho khách hàng chính phủ và công ty này “không có ý định tạo ra phiên bản thương mại rộng rãi của Clearview AI”. 

Công nghệ - Lo ngại xung quanh công nghệ tìm kiếm khuôn mặt của Clearview AI (Hình 2).

Hoan Ton-That, CEO và người đồng sáng lập Clearview AI. Ảnh: Niamh McDonnell/CNN.

Tuy nhiên, trong đơn xin cấp bằng sáng chế của Clearview có nói rằng sáng chế này có thể hữu dụng cho nhiều mục đích khác. Công ty này tranh luận rằng “một cá nhân có thể muốn biết nhiều hơn về một người mới gặp trong mối quan hệ kinh doanh, tình cảm hoặc các mối quan hệ khác”. Theo Clearview, cách thức thông thường để biết thêm thông tin về những người mới gặp, chẳng hạn như xem danh thiếp hay hỏi han có thể không đáng tin cậy nếu người đối diện nói dối. 

Thị trường ứng dụng thương mại cho công nghệ nhận diện khuôn mặt đang tăng trưởng mạnh, cùng với đó là số các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ này mà USPTO đã cấp. Trong giai đoạn 2015-2019, USPTO đã cấp khoảng 5000 bằng sáng chế liên quan cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ, viễn thông, giải trí, bán lẻ và nhiều ngành khác. USPTO không hồi đáp ngay lập tức cho Politico về việc có hay không cơ quan này đã cấp bằng sáng chế về nhận diện khuôn mặt cho các tính năng thu thập dữ liệu web như công nghệ của Clearview. 

Tùng Phong (Theo Politico)

 

Bạn đang đọc bài viết "Lo ngại xung quanh công nghệ tìm kiếm khuôn mặt của Clearview AI" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.