Giá thép tăng phi mã, “cú đánh bồi” đến nhà thầu xây dựng

30/05/2021 15:09

Từ đầu năm đến nay, giá thép trong nước tăng lên 50 - 60%, nhiều nguyên vật liệu khác cũng leo cao khiến doanh nghiệp xây dựng lao đao, đứng trước nguy cơ phá sản.

Nhà thầu trước nguy cơ “vỡ trận”

Thời điểm nửa đầu tháng 5/2021, nhận được thông tin tăng giá nguyên liệu thép lần thứ 10 của một doanh nghiệp ngành thép, ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Bắc Á - lại thêm lo lắng.

Những hợp đồng xây dựng đã ký, công ty đang rơi vào tình cảnh lỗ vốn, dẫu vậy, chúng tôi vẫn phải tiếp tục thi công theo đúng tiến độ trong hợp đồng. Còn thời điểm hiện tại, giá thép biến động chưa thấy điểm dừng, ban lãnh đạo không dám ký thêm hợp đồng mới.

“Bây giờ, các doanh nghiệp là nhà thầu xây dựng như chúng tôi đang rất lo lắng. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vậy mà giá thép tăng lên đến 60% thì không có nhà thầu nào chịu nổi. Chúng tôi đang ở thế khó, không biết làm gì ngoài việc cố gắng kiểm soát rủi ro nhất có thể”, ông Thái chia sẻ với Người Đưa Tin Pháp Luật và hy vọng giá thép sẽ sớm quay đầu giảm, bớt gánh nặng cho ngành xây dựng trong thời gian sớm nhất.

Tiêu dùng & Dư luận - Giá thép tăng phi mã, “cú đánh bồi” đến nhà thầu xây dựng

Giá thép tăng phi mã, vẫn chưa có điểm dừng khiến doanh nghiệp ngành xây dựng lao đao (ảnh: Phạm Tùng).

Thời gian qua, một loạt doanh nghiệp ngành thép đều đồng loạt báo tăng giá, thay đổi giá thép xây dựng. Cụ thể, đối với thép tròn (dùng làm bê tông cốt thép) cuối năm 2020 có giá 13 triệu đồng/tấn thì đến tuần qua lên 18,5 triệu đồng/tấn và đầu tuần này lên tới 19 triệu đồng/tấn. Thép hình và thép tấm (xây dựng các nhà máy) còn tăng cao hơn. Nếu như đầu năm nay mặt hàng thép này có giá 15 - 16 triệu đồng/tấn thì nay đã lên tới 24 - 25 triệu đồng/tấn.

Theo chia sẻ của ông Thái, với nhà dân dụng thì thép cây tròn chiếm khoảng 10 - 20% giá trị. Với nhà xưởng sắt thép chiếm tới 30%. Như vậy chỉ riêng thép thôi, nếu cứ theo hợp đồng đã ký mà thi công, thì nhà thầu đã nắm ngay khoản lỗ khoảng 15 - 20% so với giá trúng thầu.

Có thể thấy, đối với các nhà thầu xây dựng, việc giá nguyên vật liệu xây dựng tăng, nhất là giá thép tăng như thời gian qua thực sự khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào khủng hoảng.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Giám đốc công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Tràng An – cũng phải thở dài vì giá thép leo thang, tình hình kinh doanh của công ty cũng “căng như dây đàn”.

“Chúng tôi đang gặp quá nhiều khó khăn do giá thép tăng mạnh. Mức giá thép tăng cùng nhiều loại vật liệu khác cũng tăng giá đã làm tăng giá thành xây dựng, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của công ty”, ông Thắng cho hay.

Tiêu dùng & Dư luận - Giá thép tăng phi mã, “cú đánh bồi” đến nhà thầu xây dựng (Hình 2).

Các nhà thầu đang đứng trước nguy cơ phá sản vì chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá thép tăng bất thường (ảnh: Phạm Tùng)

Theo hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, các nhà thầu hiện đang vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ. Một phần do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước nên đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, các nhà thầu đều phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này.

Trong khi đó, các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở xây dựng, mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời nên các nhà thầu cũng phải tự “ôm” phần biến động này.

“Mặc dù từ đầu tháng 1/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 389 nhắc các bộ ngành xử lý vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi mà tình hình thì càng phức tạp hơn, giá cả tiếp tục tăng. Nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản”, hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cảnh báo.

Kiểm soát giá thép như thế nào?

Tiêu dùng & Dư luận - Giá thép tăng phi mã, “cú đánh bồi” đến nhà thầu xây dựng (Hình 3).

Chính phủ đang nỗ lực để bình ổn giá thép.

Để hạ nhiệt giá thép, bên cạnh kiến nghị với bộ Tài chính về thuế nhập khẩu, bộ Công Thương còn tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Về chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá, bộ Tài chính cho biết Việt Nam có thể xem xét việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc đặt vấn đề giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng để góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững.

Đồng thời, bình ổn thị trường thép trong nước, bảo đảm tuân thủ đúng các nguyên tắc được quy định trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016. Điều quan trọng nhất là cần phải có các giải pháp để cân đối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, hơn lúc nào hết, Nhà nước cần có một chiến lược phát triển ngành thép tổng thể, đồng bộ trong mối liên hệ giữa các ngành cung cấp nguyên liệu và các ngành sử dụng chứ không đơn thuần là giải pháp tình thế để đối phó khi sự việc xảy ra.

Bàn về vấn đề phòng vệ thương mại giá thép, theo luật sư Hà, các doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Việc này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, trao đổi thông tin, cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung và thép Việt Nam nói riêng.

Không có chuyện doanh nghiệp thép “bắt tay” nâng giá

Trong công văn kiến nghị của hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam có nêu nghi vấn liệu “có sự bắt tay” của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao, phía cục Công nghiệp (bộ Công Thương) khẳng định, nghi vấn này không có cơ sở.

Theo đó, về năng lực nguồn cung thì thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu. Do đó, nghi vấn có sự “bắt tay” của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao là không có cơ sở.

Về giải pháp dài hạn ổn định cung - cầu, đối với thép xây dựng, bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Bạn đang đọc bài viết "Giá thép tăng phi mã, “cú đánh bồi” đến nhà thầu xây dựng" tại chuyên mục TIÊU DÙNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.