Giá đất tăng nhưng TP.HCM không tăng hệ số điều chỉnh

23/04/2021 11:29

HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thống nhất giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 như Quyết định 03/2020 của UBND TP.HCM.

Thống nhất giữ nguyên hệ số

Sáng 22/4, HĐND TP HCM khai mạc kỳ họp thứ 25 (kỳ họp chuyên đề) và tổng kết hoạt động HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Đến dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Trong 4 tờ trình của UBND TP.HCM được HĐND TP.HCM thông qua, có vấn đề điều chỉnh hệ số giá đất. Trình bày tờ trình tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân.

“Nếu điều chỉnh tăng giá đất sẽ gây khó khăn thêm cho người sử dụng đất và tình hình an sinh xã hội nên UBND TP.HCM đề nghị giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 như Quyết định 03/2020 của UBND TP.HCM”, ông Hoan nhận định.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã thống nhất thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn TP.HCM. Chính quyền TP.HCM giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 như Quyết định 03/2020 của UBND TP.HCM.

Như vậy, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 sẽ được giữ nguyên so với năm ngoái.

Cụ thể, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020 trên địa bàn TP HCM cao nhất là 2,5 lần so bảng giá đất do UBND TP.HCM ban hành áp dụng cho giá đất kinh doanh thương mại dịch vụ ở khu vực 1. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần so bảng giá đất.

Đối với hộ gia đình, cá nhân áp dụng hệ số 1,5 lần cho tất cả các khu vực. Theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2025 do UBND TP.HCM ban hành, giá đất ở cao nhất vẫn là các tuyến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1) với mức 162 triệu đồng/m2 (giá thị trường ở các tuyến đường này hiện khoảng 800 triệu đồng/m2).

Giá đất ở đô thị của TP.HCM thấp nhất là 1,5 triệu đồng/m2; giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ bằng 60% giá đất ở; giá đất cao nhất của loại đất nông nghiệp trồng lúa và cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 205.000 đồng/m2; loại đất trồng cây lâu năm là 300.000 đồng/m2...

Giá bất động sản không giảm dù dịch bệnh

Trước khi HĐND TP.HCM thống nhất đồng ý giữ nguyên hệ số K, sở Tài chính đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021.

Bên cạnh phương án giữ nguyên hệ số K như năm 2020 còn có đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất từng bước theo lộ trình, dự kiến đề xuất tăng thêm 0,5.

Theo ý kiến của viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, dự báo giá đất tại địa phương sẽ tiếp tục tăng vì có nhiều dự án xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông, đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bất động sản - Giá đất tăng nhưng TP.HCM không tăng hệ số điều chỉnh (Hình 2).

Giá đất tại TP.HCM không giảm mà còn có dấu hiệu tăng, bất chấp dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, thực tế cho thấy giá bất động sản trên địa bàn TP.HCM đã không giảm trong suốt thời gian qua dù vướng dịch bệnh Covid-19, thậm chí nhiều phân khúc còn tăng giá.

Trong bối cảnh giá đất trên thị trường tăng, nếu ban hành hệ số K năm 2021 không tăng, thấp hơn giá giao dịch trên thị trường nhiều lần sẽ có khả năng dẫn tới thất thu ngân sách.

Bên cạnh đó, việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất cũng không ảnh hưởng nhiều đến một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, do Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ riêng cho các đối tượng này như giãn nộp tiền thuê đất.

Ngày 3/12/2020, liên sở Tài chính và sở Tài nguyên và Môi trường đã có tờ trình dự thảo quyết định quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn TP.HCM.

Theo sở Tài chính, việc tăng hệ số điều chỉnh theo phương án 2 (tăng 0,5) nếu được ban hành và áp dụng từ ngày 1/1 sẽ thuận lợi, không xáo trộn. 

Tuy nhiên, do đến nay vẫn chưa ban hành, cùng với đó tình hình dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Qua ý kiến đóng góp, có 18/24 đơn vị đề nghị giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất.

“Căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất thì giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Tuy nhiên, nếu điều chỉnh hệ số K tăng quá cao sẽ tạo đột biến, gây khó khăn cho người sử dụng đất và an sinh xã hội, cộng với tình hình dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế”, văn bản báo cáo của sở Tài chính nêu.

Theo Quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 kèm theo Tờ trình ngày 3-12-2020, hệ số điều chỉnh giá đất được quy định theo các khu vực. Sở Tài chính TP.HCM cũng đề xuất TP.Thủ Đức thuộc khu vực 2 tính hệ số K.

Khu vực 1: Các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận.

Khu vực 2: Các quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú và TP.Thủ Đức.

Khu vực 3: Các quận 8, 12, Bình Tân.

Khu vực 4: Các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn.

Khu vực 5: Huyện Cần Giờ.

Theo hệ số K năm 2020, hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng tùy theo mục đích sử dụng đất và khu vực. Cụ thể, hệ số K khu vực 1: Từ 1,7 đến 2,5.

Khu vực 2: Từ 1,6 đến 2,3. 

Khu vực 3: Từ 1,55 đến 2,1.

Khu vực 4: Từ 1,5 đến 1,9.

Khu vực 5: Từ 1,5 đến 1,7.

Bạn đang đọc bài viết "Giá đất tăng nhưng TP.HCM không tăng hệ số điều chỉnh" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.