Doanh nhân Nguyễn Háo Vĩnh: Người có công trong ngành xuất bản và khai mở dân trí

24/05/2024 07:30

Từng du học tại Nhật Bản theo phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, doanh nhân Nguyễn Háo Vĩnh sau khi về nước đã tham gia tích cực vào hoạt động kinh tài của Hội Minh Tân. Về sau, ông còn tích cực tham gia vào lĩnh vực xuất bản khi thành lập Nhà in Xưa Nay tại Sài Gòn, cũng như trở thành một nhà báo luôn ủng hộ việc mở mang dân trí cho người Việt bằng chữ Quốc ngữ.

Doanh nhân xưa

Doanh nhân Nguyễn Háo Vĩnh: Người có công trong ngành xuất bản và khai mở dân trí

Thanh an (tổng hợp) • 13/04/2024 - 00:26

Từng du học tại Nhật Bản theo phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, doanh nhân Nguyễn Háo Vĩnh sau khi về nước đã tham gia tích cực vào hoạt động kinh tài của Hội Minh Tân. Về sau, ông còn tích cực tham gia vào lĩnh vực xuất bản khi thành lập Nhà in Xưa Nay tại Sài Gòn, cũng như trở thành một nhà báo luôn ủng hộ việc mở mang dân trí cho người Việt bằng chữ Quốc ngữ.

Kỳ 1: Người chiến sĩ của phong trào Đông du

Nguyễn Háo Vĩnh sinh ngày 19/12/1893 tại làng Bình Đức, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Thân sinh của ông là cụ Nguyễn Háo Văn, vốn là thư ký tòa bố Cần Thơ và thành viên chủ chốt của phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu phát động ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX.

Cụ Nguyễn Háo Văn còn là thành viên sáng lập của Minh Tân khách sạn tại Mỹ Tho do ông Huỳnh Đình Điển làm chủ. Cụ Nguyễn Háo Văn được Hội Minh Tân giao vị trí là người đứng đầu tiểu ban thường vụ tại Minh Tân khách sạn, có nhiệm vụ bàn bạc, giải quyết các việc hằng ngày của khách sạn.

Theo nhà nghiên cứu Phan Lương Minh trong bài “Nguyễn Háo Vĩnh - Chiến sĩ phong trào Đông du miền Nam”, Nguyễn Háo Vĩnh được miêu tả từ nhỏ là người có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, lại có đầu óc tiến bộ luôn tỏ ra bất khuất trước thực dân. Cũng bởi tính cách đó cộng thêm xuất thân từ gia đình trí thức nên Nguyễn Háo Vĩnh được gia đình đặt nhiều kỳ vọng sẽ làm nên việc lớn. Vì vậy, ông được gia đình chuyển lên Sài Gòn để theo học trường Chasseloup Laubat (nay là Trường trung học phổ thông Lê Qúy Đôn, TP.HCM).

Trong những năm đầu thế kỷ XX, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã khởi xướng phong trào Đông Du trên cả nước với mục tiêu đưa thanh niên Việt Nam xuất dương sang học tập tại Nhật Bản khi trở về nước sẽ tìm cách giành lại độc lập cho đất nước, khôi phục tự do cho dân tộc. Vốn là người có lòng yêu nước nồng nàn và căm ghét chính quyền thực dân Pháp, ở tuổi 12 (tức năm 1905) Nguyễn Háo Vĩnh đã lãnh đạo một phái đoàn sinh viên do Hội Minh Tân đề xuất cử sang du học tại Nhật Bản.

Trong 3 năm du học tại Nhật Bản (1905-1908), Nguyễn Háo Vĩnh cùng những người bạn đồng chí của Hội Minh Tân đã luôn cố gắng vừa học văn hóa vừa học kỹ nghệ của người Nhật. Trong đó, Nguyễn Háo Vĩnh được cho theo học về kỹ nghệ chế tạo diêm quẹt để sau này khi về nước sẽ cùng các thành viên Hội Minh Tân xây dựng nhà máy sản xuất diêm quẹt làm cơ sở kinh tài và lan tỏa tinh thần thực nghiệp cho phong trào Minh Tân đang diễn ra sôi nổi ở Nam kỳ lúc bấy giờ. Bên cạnh việc học nghệ, tại Nhật Bản, Nguyễn Háo Vĩnh cùng bạn bè đã cơ cơ hội được tiếp xúc với những nhà cách mạng lão thành của Việt Nam hiện đang hoạt động tại xứ đây.

Vào năm 1908, khi Chính phủ Nhật Bản bắt tay với thực dân Pháp trục xuất các du học sinh người Việt tại Nhật Bản nhằm chấm dứt phong trào Đông Du. Cũng vào thời điểm này, phong trào Minh Tân ở Nam kỳ bị thực dân Pháp theo dõi chặt chẽ. Do đó, những du học sinh của phong trào Đông Du nhiều người bị bắt khi về nước hoặc phải chạy sang Hồng Kông để lánh nạn. Nguyễn Háo Vĩnh được cụ Nguyễn Háo Văn đưa về Hồng Kông (Trung Quốc) - nơi đang là thuộc địa của thực dân Anh để tránh sự theo dõi của thực dân Pháp cũng như tiếp tục việc học đang còn dang dở của ông. Nhà nghiên cứu Sơn Nam có ghi chép về vấn đề này như sau: “Ông Nguyễn Háo Văn rút đứa con trai đang du học bên Nhựt về, cho tiếp tục học tại Saint Joseph English Hong Kong”.

nguyen-hao-vinh-ben-phai-va-truong-duy-toan-ben-trai-.jpgNguyễn Háo Vĩnh (bên phải) và Trương Duy Toản (bên trái)

Trong khi Nguyễn Háo Vĩnh đang tiếp tục việc học tại Hồng Kông, cụ Nguyễn Háo Văn cùng Trần Chánh Chiếu và Đặng Thúc Liêng đang tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất diêm quẹt tại Mỹ Tho, Tiền Giang nhưng phải tạm dừng do chính quyền thực dân gây sức ép. Từ sau khi phong trào Đông Du bị bai lộ, chính quyền thực dân ngày càng nghi ngờ cụ Nguyễn Háo Văn đang hoạt động cách mạng và xây dựng cơ sở kinh tài cho phong trào Minh Tân và gây quỹ cho phong trào Đông Du.

Trước tình thế hết sức nguy hiểm, cụ Nguyễn Háo Văn phải gọi Nguyễn Háo Vĩnh về nước để trình diện với Toàn quyền thuộc địa Klobukowki. Khi được đưa ra trình diện với người đứng đầu chính quyền thuộc địa tại Sài Gòn, bằng sự khéo léo của hai cha con, Nguyễn Háo Văn và Nguyễn Háo Vĩnh đã cùng nhau trình mục đích đi du học tại nước ngoài cũng như xây dựng nhà máy sản xuất diêm quẹt. Toàn quyền Klobukowski cố gài cụ Nguyễn Háo Văn vào một tổ chức cách mạng. Trong lúc ấy thì Nguyễn Háo Vĩnh này lại nhanh trí nhờ toàn quyền thâu dùm số cổ phần của mình tại Minh Tân Công Nghệ. Cuối cùng, Toàn quyền phải cho mời Trần Chánh Chiếu lên bắt buộc phải nhóm đại hội ban giám đốc Công ty Minh Tân và giao quyền điều khiển xưởng diêm quẹt ở Mỹ Tho lại cho Nguyễn Háo Vĩnh. Nhờ đó mà xưởng sản xuất diêm quẹt ở Mỹ Tho không bị đóng cửa. Thế nhưng sau một thời gian kinh doanh, Nguyễn Háo Vĩnh đã lấy lý do kinh doanh thua lỗ để nhờ tòa phát mãi và lấy lại tiền vốn đầu tư giao lại cho Hội Minh Tân.

Sau khi xưởng sản xuất diêm quẹt đóng cửa, Nguyễn Háo Vĩnh cho mở hãng xà bông con Rồng và làm dầu măng, nhưng không phát đạt. Đến đầu năm 1909, thực dân Pháp phát hiện được sự liên hệ giữa Trần Chánh Chiếu và phong trào Duy Tân nên đã ra lệnh bắt giữ rất nhiều thành viên Hội Minh Tân, trong đó có gia đình ông. Nhà văn Sơn Nam có ghi chép về sự kiện này như sau: “Về sau, khi Trần Chánh Chiếu, người đứng đầu hội Minh Tân bị nhà cầm quyền thực dân Pháp cầm tù, thì ông Văn cũng bị họ cho bãi chức thư ký hạng nhất vào ngày 19/4/1909 vì có liên can. Ba ngày sau, Tri phủ Nguyễn Công Luận ở Sa Đéc, Tri phủ Huỳnh Công Bền ở Cai Lậy, Tri huyện Phạm Văn Bảy ở chợ Mỹ Tho cũng đều bị sa thải vì tội danh này”.

Thời điểm đó, Nguyễn Háo Vĩnh đã quay trở lại Hồng Kông nên thoát được khỏi sự bắt giữ của thực dân Pháp. Cũng trong thời gian tại Hồng Kông, Nguyễn Háo Vĩnh đã có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với Kỳ Ngoại hầu Cường Để sau khi ông này bị Chính phủ Nhật Bản trục xuất vào ngày 3/11/1909. Cuộc gặp gỡ giữa hai người chiến sĩ yêu nước của phong trào Đông Du tại Hồng Kông đã mở đầu cho nhiều sự kiện có liên quan giữa hai người về sau.

Năm 1913, khi nhà yêu nước Nguyễn Thần Hiến vượt biển sang Hồng Kông vận động thuyết phục Cường Để về nước, Nguyễn Háo Vĩnh đã chủ động trở thành người giúp đỡ Cường Để trong chuyến đi này. Tuy nhiên, sau chuyến trở về Việt Nam, Cường Để định quay về Hồng Kông thì không may bị thực dân Anh bắt giữ. Nguyễn Háo Vĩnh khi nghe tin liền tìm mọi cách giúp Cường Để ra tù.

Theo nhiều ghi chép, Nguyễn Háo Vĩnh và Lâm Cần đã lo mướn luật sư để xin cho Cường Để được tại ngoại hầu tra với số tiền thế chân là 2000 đồng. Sau 8 ngày bị bắt giam, Cường Để được thả và rời Hồng Kông sang Anh. Cũng trong năm 1913, Nguyễn Háo Vĩnh tốt nghiệp ở Hồng Kông nên có ý định sang Anh cùng Cường Để nhằm mưu bàn việc nước nhưng không thành phải trở lại Hồng Kông. Đến năm 1916, Nguyễn Háo Vĩnh bị bắt tại Hồng Kông khi đang hoạt động cách mạng. Ông bị áp giải về Nam kỳ và bị tòa án thực dân ở Sài Gòn kết án tử hình nhưng may mắn được Tổng thống Pháp ân xá. Ông đoàn tụ với thân phụ và cả hai cùng nhau sinh sống tại Cần Thơ.

Tuy nhiên, vào khoảng năm 1922 và 1923, Nguyễn Háo Vĩnh Thanh tra Chánh trị sự vụ tại Phủ Toàn quyền Louis Marty đỡ đầu cho về Sài Gòn làm báo và làm chủ nhà in mà không còn hoạt động chính trị nữa. Đây là thời điểm, ông bắt đầu xây dựng sự nghiệp bản thân như một doanh nhân trong ngành xuất bản ở Nam kỳ và đóng vai trò là một nhà báo vận động khai mở dân trí thông qua chữ Quốc ngữ.