Doanh nghiệp sẽ được hưởng chương trình phục hồi nào trong năm 2022?

09/12/2021 12:46

Đại diện Bộ KHĐT cho biết, định hướng hỗ trợ cho quá trình phục hồi hậu Covid của DN sẽ gồm 3 chương trình chính: về tính thanh khoản, lao động và chuyển đổi số.

Ngày 8/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), tổ chức hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa thích ứng và phục hồi trong tình hình mới”. 

Năng lực thích ứng và phát triển trong đại dịch của DNVVN

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gặp nhiều khó khăn, thách thức để duy trì và phát triển. 

Do đó, những sự kiện mang tính kết nối doanh nghiệp với Chính phủ, doanh nghiệp với tổ chức, là hoạt động hỗ trợ kịp thời, có ý nghĩa nhằm góp phần giúp DN có thể nắm bắt được xu hướng phát triển và chuyển dịch của thị trường trong nước và thế giới để có thể thích ứng, bền bỉ vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KHĐT cho biết: “Việt Nam hiện nay có đến 98% là cộng đồng DNVVN, trong đó phần lớn là các DN siêu nhỏ, năng lực còn hạn chế. Do vậy, còn nhiều thách thức trước mắt…, các DN cần được hỗ trợ kịp thời, để thích ứng và phục hồi, tránh nguy cơ bị tụt hậu”.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp sẽ được hưởng chương trình phục hồi nào trong năm 2022?

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KHĐT phát biểu tại sự kiện

Ông chia sẻ thêm, trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được quốc tế đánh giá là một thị trường năng động và cởi mở trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Đó là sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói, thời gian vừa qua, sức bền bỉ và sự dẻo dai, tính đổi mới sáng tạo, nghị lực đã giúp các doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, chúng ta chưa thể biết khi nào dịch bệnh kết thúc. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đang thay đổi chính sách từ zero Covid sang thích ứng với Covid. Cùng với đó, cuộc cách mạng 4.0 cũng đang thay đổi rất nhanh chóng, KHCN dần được thúc đẩy mạnh mẽ.

Từ đó, có thể thấy đây là những khó khăn, thách thức nh c ưng đồng thời cũng là cơ hội trong bối cảnh xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, buộc doanh nghiệp cần nỗ lực và thích ứng.

Với vai trò là cơ quan, tham mưu tổng hợp cho Chính phủ. Bộ KHĐT mong muốn mở rộng sự hợp tác, tận dụng hỗ trợ từ những nhà tài trợ như USAID. 

Cụ thể, với dự án LinkSME, hiện nay dự án đã trải qua gần 3 năm, đã rất linh hoạt, đề xuất thêm với Chính phủ so với khuôn khổ ban đầu. Theo đó, thêm hai chương trình, đó là hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ DN tiếp cận tài chính. 

Phương thức hỗ trợ trong “bình thường mới"

Chia sẻ về việc phối hợp với Việt Nam nhằm hỗ trợ kết nối và phục hồi các DNNVV, ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc Quốc gia, USAID Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng sẽ có thể tiếp tục mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bộ KHĐT, nhằm hỗ trợ các DN”.

Bởi, đại dịch Covid vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, trong khi đó, các DN vẫn cần phải vươn lên phát triển kinh tế. DN cần thích ứng và phục hồi trong “tình hình mới".

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp sẽ được hưởng chương trình phục hồi nào trong năm 2022? (Hình 2).

Ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc Quốc gia, USAID Việt Nam

Mặc dù tất cả có thể không biết “tình hình mới" là như thế nào, nhưng có một điều có thể chắc chắn rằng, các DN sẽ luôn nỗ lực, vượt lên phát triển kinh tế và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch.

Chính vì vậy, dự án thúc đẩy cải cách và tăng cường kết nối cho các DNNVV sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ các DN vươn lên sau đại dịch. 

Về phía chính sách hỗ trợ trong năm 2022 từ Bộ KHĐT, bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN cho biết sẽ hướng tới ba chương trình phục hồi chính.

Thứ nhất, hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho DN. Trong đó bao gồm: giãn, hoãn thời gian nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, các khoản phải nộp, giảm lãi suất cho vay.

Đồng thời, cấp bù lãi suất cho DN trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.

Thứ hai, hỗ trợ tái cấu trúc lao động. Bộ cũng sẽ có những chương trình hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động cho DN; bên cạnh đó, tái cấu trúc DN và tài chính DN, quản trị rủi ro.

Thứ ba, hỗ trợ DN trong quá trình chuyển đổi số. Từ đó, hướng tới thúc đẩy DN khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng KHCN.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp sẽ được hưởng chương trình phục hồi nào trong năm 2022?" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.