DN BĐS vẫn ồ ạt lấy cổ phiếu đảm bảo cho khoản "vay" trái phiếu, bất chấp rủi ro thanh toán: Chiếm đến 64% tỷ trọng với giá trị 60.000 tỷ đồng

29/07/2021 11:11

Cần lưu ý rằng việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, thanh khoản tiếp tục bứt phá đưa thị giá cổ phiếu doanh nghiệp lên cao. Điều này đã mở ra cơ hội huy động vốn cho doanh nghiệp. Ghi nhận, loạt đơn vị đã lên phương án "hút" vốn giá rẻ bằng việc phát hành cổ phiếu trên sàn, một số đông khác sử dụng cổ phiếu để làm đảm bảo cho kênh huy động tiền qua trái phiếu.

Thống kê hồi quý đầu năm cho thấy, có đến 3.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chiếm 9,2% tổng khối lượng thị trường) có tài sản đảm bảo hoàn toàn là cổ phiếu gồm trái phiếu; chủ yếu tập trung tại nhóm các công ty bất động sản niêm yết như Phát Đạt (PDR), Đất Xanh (DXG), Novaland (NVL), Kinh Bắc (KBC), KDC, APH…

Báo cáo cập nhật đến quý 2/2021 của SSI Research, tỷ lệ dùng cổ phiếu đảm bảo cho phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tăng mạnh. Ghi nhận, có đến 29.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Nếu tính cả các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60.000 tỷ đồng – chiếm 64% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong 6 tháng đầu năm.

Tính chung toàn thị trường, khoảng 9,3% tỷ trọng trái phiếu phát hành được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu, tương đương giá trị vào khoảng 19.437 tỷ đồng.

Cần nhấn mạnh, việc đảm bảo bằng cổ phiếu chỉ có giá trị trong bối cảnh thị giá cổ phiếu công ty trên thị trường tăng trưởng và ở mức giá cao, đặc biệt thị giá phải đi sát với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhưng, giữa bối cảnh thị trường đang chịu áp lực nặng nề từ làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19, thị giá của hầu hết các doanh nghiệp giảm điểm mạnh, làm giảm đáng kể giá trị đảm bảo cũng như gia tăng rủi ro cho phía trái chủ.

Quan điểm của SSI Research cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi nhắc lại lưu ý rằng việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng".

DN BĐS vẫn ồ ạt lấy cổ phiếu đảm bảo cho khoản vay trái phiếu, bất chấp rủi ro thanh toán: Chiếm đến 64% tỷ trọng với giá trị 60.000 tỷ đồng, nổi bật có Novaland - Ảnh 1.
 

Về phía doanh nghiệp, nổi bật trong số đơn vị lấy cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho việc huy động trái phiếu phải kể đến Novaland với khoảng 10.000 tỷ huy động được đảm bảo bằng giá trị cổ phiếu NVL.

Mới nhất, Đầu tư và Phát triển Residence cũng hút 2.500 tỷ đồng thông qua 5 lô trái phiếu thông thường, không chuyển đổi. Trong đó, lô trái phiếu có tài sản đảm bảo gồm (i) Cổ phiếu NVL; (ii) Tài sản hình thành trong tương lai là 130 sản phẩm bất động sản thuộc dự án Tổ hợp Khu du lịch thung lũng đại dương (NovaWorld Phan Thiết)…

Điểm lại, trong thời gian từ 1/4 – 30/6, cổ phiếu NVL liên tục tăng nóng trên thị trường. Từ mức giá 60.000 đồng/cp đã tăng một mạch lên cao gấp đôi với 121.000 đồng/cp chỉ sau 3 tháng sau đó giảm 12% về mức hiện nay là 106.500 đồng.

DN BĐS vẫn ồ ạt lấy cổ phiếu đảm bảo cho khoản vay trái phiếu, bất chấp rủi ro thanh toán: Chiếm đến 64% tỷ trọng với giá trị 60.000 tỷ đồng, nổi bật có Novaland - Ảnh 2.

Giao dịch cổ phiếu NVL 6 tháng qua.

Một số đơn vị khác cũng dùng cổ phiếu Công ty để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu, gồm Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC). Trung tuần tháng 3 năm nay, KBC đã phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là 420.000 cổ phiếu phổ thông của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng thuộc sở hữu của Kinh Bắc và 20 triệu cổ phần KBC thuộc sở hữu của bên thứ 3.

DN BĐS vẫn ồ ạt lấy cổ phiếu đảm bảo cho khoản vay trái phiếu, bất chấp rủi ro thanh toán: Chiếm đến 64% tỷ trọng với giá trị 60.000 tỷ đồng, nổi bật có Novaland - Ảnh 3.

Giao dịch cổ phiếu KBC 6 tháng qua.

Hay Hưng Thịnh Land cuối tháng 6 vừa qua cũng đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 950 tỷ đồng. Lô trái phiếu nói trên được bảo đảm bằng cổ phần của CTCP Hưng Thịnh Land và bất động sản, động sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai liên quan hoặc phát sinh từ dự án Khu Hồ Tràm, dự án Khu Phước Long B…

DN BĐS vẫn ồ ạt lấy cổ phiếu đảm bảo cho khoản vay trái phiếu, bất chấp rủi ro thanh toán: Chiếm đến 64% tỷ trọng với giá trị 60.000 tỷ đồng, nổi bật có Novaland - Ảnh 4.

Giao dịch cổ phiếu HTN 6 tháng qua.

Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng vừa thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần 4 năm 2021 với tổng giá trị 230 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm gồm cổ phiếu PDR (bảo đảm bởi bên thứ ba). Số lượng, giá trị tài sản đảm bảo, cách tính giá trị tài sản đảm bảo thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan và quy định tại các văn kiện trái phiếu….

DN BĐS vẫn ồ ạt lấy cổ phiếu đảm bảo cho khoản vay trái phiếu, bất chấp rủi ro thanh toán: Chiếm đến 64% tỷ trọng với giá trị 60.000 tỷ đồng, nổi bật có Novaland - Ảnh 5.

Giao dịch cổ phiếu PDR 6 tháng qua.

Ghi nhận, hiện hầu hết các cổ phiếu đều chịu áp lực giảm chung khi VN-Index mất 144 điểm chỉ sau chưa đầy 1 tháng giao dịch. 

Tri Túc

Theo Nhịp sống kinh tế

Bạn đang đọc bài viết "DN BĐS vẫn ồ ạt lấy cổ phiếu đảm bảo cho khoản "vay" trái phiếu, bất chấp rủi ro thanh toán: Chiếm đến 64% tỷ trọng với giá trị 60.000 tỷ đồng" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.