Đầu tư mạnh vào lĩnh vực y tế, dược phẩm giúp y tế Việt Nam phát triển

14/05/2022 13:15

Theo ông Oliver Todd, chính sự đầu tư và tập trung vào lĩnh vực y tế, dược phẩm đã giúp Việt Nam phát triển thành công hệ thống y tế, nâng cao chất lượng điều trị.

"Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, với sự đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực y tế và dược phẩm". Đây là nhận định của ông Oliver Todd-Tổng Lãnh sự, Giám đốc phát triển Thương mại và Đầu tư, Lãnh sự quán Anh tại Tp.Hồ Chí Minh trong buổi lễ công bố và ký kết một số các Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa GSK (GlaxoSmithKline- một trong những công ty chăm sóc sức khỏe dựa trên nghiên cứu phát triển hàng đầu của Anh) và một số đối tác với chủ đề: “Mở khoá năng lực quốc tế - Chung tay phòng ngừa điều trị bệnh,” diễn ra tối 11/5.

Theo ông Oliver Todd, chính sự đầu tư và tập trung vào lĩnh vực y tế và dược phẩm lý giải lý do tại sao Việt Nam đã phát triển thành công hệ thống y tế, nâng cao chất lượng điều trị, mở rộng tỉ lệ bao phủ tiêm chủng và giúp ngày càng nhiều người tiếp cận với chăm sóc y tế cơ bản, từ đó nâng cao tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.

Thực tế cũng ghi nhận so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, các chỉ số sức khỏe của người dân Việt Nam được nâng lên rõ rệt và tốt hơn. Cụ thể là tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng thêm 20 tuổi (từ 53,5 năm 1957 lên 73,7 năm 2021); chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 70/100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm).

Đặc biệt, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã được triển khai thành công. Tính đến hết ngày 21/2/2022, cả nước đã tiêm được hơn 191,99 triệu liều, tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 97,7%, cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 93,2%. Việt Nam đã về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do WHO khuyến cáo và là một trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid -19 cao nhất thế giới. Chiến dịch thành công không chỉ có ý nghĩa to lớn trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn là điều kiện quan trọng để thực hiện thích ứng an toàn, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nói chung và y dược học nói riêng đã đóng góp rất lớn đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc ở nhiều lĩnh vực...

Trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế Việt Nam đã tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép và ghép được 6/6 tạng chủ yếu (tim, gan, phổi, thận, tụy, ruột), làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2- 1/3 so với ở nước ngoài. Sản xuất vắc-xin trong nước bảo đảm 11/12 loại vắc-xin tiêm chủng, hệ thống quản lý thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận.

Chỉ sau 2 tuần có ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm, đưa Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công loại vius này, là tiền đề xây dựng và triển khai công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế đã tích cực triển khai hỗ trợ các đơn vị đàm phán nhận chuyển giao công nghệ của các nước như Nhật Bản, Pháp, Đức, Cuba, Ấn Độ... về sản xuất vắc-xin phòng Covid -19 và các kỹ thuật điều trị, sản xuất thuốc sinh học - sinh phẩm phục vụ điều trị Covid -19.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị, 1.500 điểm cầu trực tuyến từ Trung ương đến địa phương đã được thiết lập, phục vụ chỉ đạo, điều hành thống nhất, thông suốt, hỗ trợ tiên lượng, ra phác đồ điều trị trong các ca bệnh nặng; đào tạo cập nhật kiến thức liên tục cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến, ngay cả các tâm dịch. Hệ thống truy vết, điều tra dịch tễ, giám sát cách ly được ứng dụng rộng rãi thông qua các phần mềm.

“Chúng tôi cùng với cộng đồng các doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu thế giới của Anh rất vui mừng vì đã hỗ trợ sự phát triển của y tế Việt Nam trong ba thập kỷ qua và sẽ tiếp tục công việc này khi chúng ta cùng hướng tới một kỷ nguyên mới của khoa học y tế,” ông Oliver Todd nêu rõ trong buổi lễ ký kết.

Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nhấn mạnh, 2 năm khó khăn do đại dịch Covid-19 cho thấy sự cấp thiết trong công tác phòng ngừa từ sớm và điều trị bệnh hiệu quả, nhất là với các bệnh truyền nhiễm cũng như các bệnh lý về hô hấp.

Vì vậy, Bộ Y tế mong muốn các đơn vị y tế sẽ có nhiều giải pháp đa dạng từ phòng ngừa đến điều trị, đáp ứng mô hình bệnh tật trong nước, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Ông Luis Arosemena, Phó Chủ tịch cấp cao GSK Khu vực các thị trường mới nổi, chia sẻ đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của GSK tại Việt Nam, một trong những thị trường ưu tiên quan trọng nhất trong khu vực.

“Chúng tôi sẽ cung cấp thêm các thuốc và vắc-xin phát minh phát triển mới, giúp người dân Việt Nam tiếp cận sớm với khoa học tiên tiến của thế giới trong những năm tới. Bên cạnh đó là những hợp tác đồng hành nhằm thiết lập chuỗi cung ứng dược phẩm bền vững, tập trung tăng cường trao đổi kiến thức, đào tạo y khoa liên tục, nâng cao nhận thức về bệnh cho công chúng," ông Luis Arosemena cho hay.

Trong khuôn khổ chương trình, công ty GSK đã ký kết một số các Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng Hội Y học Việt Nam, Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma), Công ty Vắc-xin Việt Nam về đào tạo chuyên môn, phát triển y khoa liên tục nhằm nâng cao chất lượng điều trị và thực hành lâm sàng tại các tuyến y tế trên cả nước.

Các bên ký kết trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình tiêm chủng trọn đời trong khu vực và một số quốc gia trên thế giới nhằm tiến đến chăm sóc sức khỏe cộng đồng chủ động. Đặc biệt là việc thiết lập chuỗi cung ứng dược phẩm bền vững giữa các bên để giúp nhiều người dân Việt Nam được phòng ngừa và điều trị hiệu quả; tăng cường trao đổi kiến thức nhằm đảm bảo quy trình quản lý chất lượng tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế; mở rộng độ bao phủ của chủng ngừa đến trẻ em và người trưởng thành ở Việt Nam trong các giai đoạn cần thiết của cuộc đời để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tạp chí Tuyên Giáo)

Bạn đang đọc bài viết "Đầu tư mạnh vào lĩnh vực y tế, dược phẩm giúp y tế Việt Nam phát triển" tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG 24H. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.