Cuộc sống tạm bợ của người dân Trà Leng

27/01/2021 09:51

Quảng NamBa tháng sau trận sạt lở ở nóc Ông Đề, xã Trà Leng, ông Nguyễn Thành Sơn nhiều đêm không dám ngủ, vì sợ gặp ác mộng.

8h sáng, người đàn ông tuổi gần ngũ tuần bắc một ấm nước lên chiếc kiềng cũ đặt trên nền đất, mái và xung quanh quây tạm bằng vài tấm bạt. Nước sôi, ông Sơn cũng chẳng thèm nhắc xuống. Mọi ngày, bữa sáng ông sẽ pha một gói mì tôm, nhưng hôm nay nhịn đói vì "ăn nhiều cũng chán và nóng ruột".

Ông Sơn trong căn bếp. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Sơn trong căn bếp. Ảnh: Nguyễn Đông.

Căn bếp này mới được dựng lên, cạnh khu bán trú của điểm trường nóc Ông Lục, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng, huyện Nam Trà My. Hàng chục người ở nóc Ông Đề cách đó chừng 200 m may mắn sống sót sau trận sạt lở núi chiều 28/10/2020, được chính quyền bố trí chỗ ở tạm nơi này.

Trong căn phòng rộng chừng 40 m2, dòng chữ "Dạy tốt - Học tốt" màu đỏ dán trên tường quét ve màu xanh, hơn chục người tự phân chia chỗ nằm. Người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ em nằm trên giường xếp. Đàn ông khỏe mạnh nằm dưới manh chiếu trải trên nền xi măng. Chăn, màn, áo quần đều từ các đoàn từ thiện cho. Tư trang mỗi người tự bảo quản.

Ông Sơn không muốn nhắc lại thảm cảnh đã cướp mất vợ, khi núi đổ xuống như thác. Vụ sạt lở xóa xổ toàn bộ 15 hộ dân, khiến 9 người chết, 13 người mất tích, 33 người bị thương. "Cứ nhắm mắt lại là cảnh tượng đó ùa về. Kinh khủng lắm, nhiều đêm tôi không dám ngủ", ông Sơn nói.

Mùa đông ở vùng núi Nam Trà My buốt giá. Bếp lửa là nơi ông Sơn thường ngồi từ sáng đến chiều và thỉnh thoảng có người vào ngồi sưởi ấm cùng. Họ ít nói chuyện vì sợ gợi chuyện cũ, rồi lại bưng mặt khóc. Họ cũng không có việc gì làm, nương rẫy đều đã trôi hết.

Phòng học nơi người dân nóc Ông Đề đang tá túc. Ảnh: Nguyễn Đông.

Phòng học nơi người dân nóc Ông Đề ở tạm. Ảnh: Nguyễn Đông.

Trước sạt lở núi, ông Sơn có nhiều tài sản, gồm hai căn nhà lớn được xây từ 20 năm tích góp; các tiện nghi từ tivi đến tủ lạnh; tiền tỷ từ vườn quế, cau... Ông vẫn giữ thói quen 3-4h sáng thức dậy. Giờ ông không thể tính toán làm ăn như trước, khi chỉ còn hai bàn tay trắng.

Một ngày bây giờ với ông lặp đi lặp lại những việc: Bắc một nồi nước sôi vào buổi sáng để ai muốn ăn mì tôm có nước pha; lên rừng kiếm rau về để nấu bữa trưa lúc 10h; bữa chiều ăn lúc 17h ăn, rửa bát, quét nhà; 19h đi ngủ. Có hôm bị cảm lạnh, ông không dám ho nhiều vì sợ người khác thức giấc.

Cạnh khu nhà dành cho dân tá túc, phòng học của lớp mẫu giáo vẫn được duy trì. Cậu bé Hồ Hoài Minh, 4 tuổi, mặt buồn rười rượi. Trận sạt lở núi đã cướp đi mẹ và em trai. Minh giờ ở với bố trong khu nhà tạm. Sống cảnh mồ côi mẹ cha như Minh còn có hai bạn khác, cũng 4 tuổi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thương đã nhiều hôm phải đến lớp sớm hơn nhưng để vào khu nhà ở, bế Minh đi rửa mặt rồi dẫn vào lớp. Đó là phần việc trước đây mẹ Minh làm. Nhiều hôm Minh khóc đòi mẹ, cô chỉ biết ôm em vào lòng thủ thỉ đủ chuyện hoặc dắt ra ngoài sân cho bé chơi một lát mới nguôi ngoai.

Bé Hoài Minh trong lớp học. Ảnh: Nguyễn Đông.

Bé Hoài Minh trong lớp học. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Hồ Văn Đề, 87 tuổi, người Mơ Nông, khi dẫn bà con về lập làng 20 năm trước, đã tính toán kỹ lưỡng vì "sau lưng là lâm trường, những cây gỗ to giữ đất nên an toàn", làng mới gần suối nhỏ, tuyến đường giao thông uốn lượn qua làng thuận lợi cho việc mua bán quế dân trồng được.

Để có nơi bằng phẳng dựng nhà, ông Đề nổ mìn phá đá một vạt núi, gọi người làng xúm tụm san lấp. Trận lở núi xảy ra khi Trà Leng trải qua 27 ngày mưa dầm dề, tổng lượng mưa đạt 1.512 mm. Địa hình dốc, đất bão hòa nước, mất dần liên kết đã xoá sổ ngôi làng nằm dưới chân núi.

Trà Leng - vùng đất được xem là thủ phủ quế của tỉnh Quảng Nam - không còn thơm mùi quế nữa mà thay bằng mùi tanh của bùn đất, mùi hôi thối của xác vật nuôi lẫn trong đống đổ nát, mùi hương bay nghi ngút của người còn sống cắm lên những mô đất đá lởm chởm với mong muốn tìm thấy 13 thi thể mất tích.

Ông Đề cũng là người mất mát nhiều nhất sau thảm họa, khi có đến tám người thân mất tích: Hai người con ruột, ba người dâu rể và ba đứa cháu, chắt. Đến nay, ba thi thể được tìm thấy, lập thành ba ngôi mộ dưới chân núi trồng quế, cách làng cũ chừng 30 m.

Ông Đề trong nhà bán trú của điểm trường mầm non. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Đề trong nhà bán trú của điểm trường mầm non. Ảnh: Nguyễn Đông.

Hết nằm trong nhà ở tạm, ông Đề lại thơ thẩn qua nền nhà cũ hoang tàn hỏi chuyện những người cứu hộ đã tìm thêm được ai chưa. Đôi mắt nhăn nheo, thỉnh thoảng những vết nhăn giựt giựt như muốn khóc, ông lê bước chân chậm rãi qua những đống đổ nát vì "biết đâu dưới chân mình người thân vẫn còn nằm đó".

Ông Đề nói trước mắt phải có cái nhà mới ổn định được cuộc sống. Nhà thì chính quyền đang gấp rút xây dựng, cách nơi sạt lở chừng 5 km. "Nhưng có nhà thì phải có cái vườn mới vui", ông nói về việc lo ngại khu tái định cư nhà cửa san sát, không gian chật hẹp với tập quán người vùng cao.

Tháng 10/2020, Quảng Nam hứng chịu 7 trận sạt lở núi khiến 46 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất gần 11.000 tỷ đồng. Nhiều đoạn đường xá bị lũ cuốn trôi, làm hư hại đến nay vẫn chưa thể khắc phục.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, nói thảm họa thiên tai nặng nề năm vừa qua do "biến đổi khí hậu quá kinh khủng". Thảm cảnh ở những ngôi làng đã cho thấy những khu vực có nguy cơ sạt lở núi, lũ ống, lũ quét để cảnh báo chính xác hơn và lên kế hoạch sơ tán dân những năm sau.

"Người vùng núi thì vẫn phải ở núi. Nếu rừng được trồng bài bản, dân được hỗ trợ làm nhà sàn kiên cố bằng móng trụ bê tông, khoảng 40 triệu đồng/móng, thì vừa vững chãi, vừa giúp những cây gỗ lớn ở rừng không bị đốn hạ. Người dân cũng sẽ sống chung với thiên nhiên tốt hơn", ông nói.

Nóc ông Đề giờ là cảnh đổ nát, hoang tàn. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nóc ông Đề giờ là cảnh đổ nát, hoang tàn. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tết này, người dân ở nóc ông Đề sẽ có chỗ ở mới. Còn sinh kế? Ông Đề quả quyết vẫn nuôi trồng ở chỗ cũ. "Tôi đã kiến nghị chính quyền không thu hồi lại đất ở khu sạt lở mà để cho người dân tiếp tục trồng lúa, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc. Phải đoàn kết để vượt qua khó khăn", ông nói.

Ông Sơn cũng bảo, sau này sẽ tiếp tục trồng quế, chăn nuôi trâu bò vì "đó là những công việc mà trước đây dân làng đã làm rồi". Những ngày qua, ông tích góp tiền các nhà từ thiện cho để làm vốn tái thiết cuộc sống, hy vọng tương lai không trượt dài theo vệt đất đá nơi làng cũ.

Với mong muốn mang đến một năm mới ấm áp cho trẻ em vùng sạt lở tại Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) và Đăk Glei (Kon Tum), Quỹ Hy vọng tổ chức tặng quà và ăn Tết cùng học sinh ở các trường THCS Dân tộc nội trú Trà Leng, Phước Kim và Phước Thành... Độc giả có thể chung tay đưa Tết đến với những hoàn cảnh khó khăn cùng Quỹ bằng cách ủng hộ tại đây.

Được vận hành bởi báo VnExpress, Quỹ Hy vọng theo đuổi hai mục tiêu: Hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Mời bạn xem thêm thông tin về Quỹ Hy vọng tại đây.

Nguyễn Đông - Đắc Thành

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc sống tạm bợ của người dân Trà Leng" tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG 24H. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.