Cuộc khủng hoảng chấm dứt 167 năm tồn tại của Credit Suisse

21/03/2023 16:00

Hành trình gần 2 thế kỷ của Credit Suisse - gã khổng lồ ngân hàng Thụy Sĩ - đã chính thức khép lại vì không kiểm soát được rủi ro và chậm thay đổi sau khủng hoảng tài chính 2008.

Theo Wall Street Journal, hôm 19/3 vừa qua, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - UBS - đã chính thức đạt thỏa thuận mua lại Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD. Điều này đã đặt dấu chấm hết cho hành trình 167 năm của Credit Suisse, đặc biệt là khi ngân hàng này từng đối đầu trực tiếp với nhiều gã khổng lồ Phố Wall và vốn hóa có thời điểm đạt gần 100 tỷ USD.

Theo Chủ tịch UBS Colm Kelleher, đây giống như một cuộc giải cứu khẩn cấp vì khủng hoảng tại Credit Suisse là đòn giáng mạnh đối với đất nước phụ thuộc vào ngành tài chính như Thụy Sĩ.

Credit Suisse bi mua lai anh 1

Hành trình 167 năm của Credit Suisse đã chính thức khép lại.

Không chịu thay đổi

Theo WSJ, Credit Suisse thất bại vì quá tự tin sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng 2008. Vào thời điểm ấy, khi mọi hệ thống tài chính sụp đổ, ngân hàng này lại nổi lên nhờ khả năng chống chịu tốt và không cần bất cứ gói hỗ trợ nào. Tuy nhiên, họ sau đó lại chậm chạp trong việc thay đổi sau khủng hoảng.

Credit Suisse đã dựa dẫm quá nhiều vào mảng ngân hàng đầu tư, vốn ngày càng mất kiểm soát, và dù có cố gắng tiếp cận các mảng kinh doanh ổn định khác nhưng bộ máy lãnh đạo vẫn thích rủi ro.

"Họ là người chiến thắng trong bối cảnh những bên khác đều thiệt hại. Vì vậy, họ tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh này", ông Andreas Venditti, nhà phân tích ngân hàng tại Vontobel, nhận xét.

Vào thời điểm hoàng kim, Credit Suisse đã hỗ trợ vốn cho các tuyến đường sắt trên dãy Alps và sự phát triển của Thung lũng Silicon, đồng thời quản lý tài sản cho hoàng gia Arab, tài phiệt Nga và cạnh tranh với những gã khổng lồ Phố Wall. Tuy nhiên, họ vẫn luôn chật vật để kiểm soát rủi ro.

Những năm gần đây, ngân hàng này còn liên tục thay đổi quản lý cấp cao và mỗi đợt xáo trộn nhân sự lại tạo thêm áp lực lên hoạt động. Cổ phiếu Credit Suisse đã giảm hơn 95% so với vùng đỉnh trước khủng hoảng tài chính, và theo giá chốt phiên cuối tuần trước, vốn hóa của ngân hàng này chỉ còn khoảng 8 tỷ USD.

Ngoài những vấn đề trên, Bloomberg cho rằng hạt giống khủng hoảng của Credit Suisse đã được gieo từ năm 1990, khi CEO Rainer Gut nhìn thấy cơ hội kiểm soát ngân hàng đầu tư Mỹ First Boston với một khoản vốn khiêm tốn.

Được biết, First Boston đã góp phần thổi bùng thị trường cho vay lãi cao trong suốt thập niên 80, tuy nhiên, bong bóng này sau đó vỡ vụn. Kể cả khi có bài học của First Boston, Credit Suisse vẫn chấp nhận các loại hình kinh doanh rủi ro cao, và thương vụ với First Boston chỉ là một phần chiến lược mở rộng.

Credit Suisse bi mua lai anh 2

Credit Suisse vẫn tập trung vào các mảng kinh doanh rủi ro trong suốt quá trình hoạt động.

Từ sau năm 1990, ngân hàng này tiếp tục thâu tóm nhiều đơn vị như Winterthur Insurance hay Donaldson, Lufkin & Jenrette (DLJ) và khiến sự phức tạp ngày càng tăng. Đặc biệt, thương vụ với DLJ là một sai lầm đắt giá khi những nhân viên nổi trội nhất tại đây đã chuyển sang bên đối thủ chỉ trong thời gian ngắn, còn Winterthur năm 2006 cũng được bán đi.

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Tháng 1/2019, những mối bất hòa trong nội bộ ban lãnh đạo Credit Suisse bắt đầu nổ ra và ngay sau đó, ông Iqbal Khan, người điều hành mảng quản lý tài sản của ngân hàng này, đã quyết định nghỉ việc.

Tháng 3/2019, ông Khan chuyển sang làm tại UBS và khiến ban lãnh đạo Credit Suisse lo lắng về việc ông sẽ lôi kéo các nhân sự chủ chốt nghỉ theo. Vì điều này, họ đã thuê một công ty an ninh để giám sát các hoạt động của ông nhưng bị phát hiện.

Trước đó, trong giai đoạn 2016-2019, các cơ quan quản lý tại Thụy Sĩ cũng đã phát hiện thêm 5 trường hợp bị Credit Suisse thuê giám sát. Theo Bloomberg, chính bầu không khí độc hại ở ban lãnh đạo đã góp phần tạo ra những sai lầm trong hoạt động ở đây.

Tháng 3/2021, Credit Suisse nhận tin khách hàng lớn nhất của họ - quỹ đầu tư Archegos Capital Management - không thể trả món nợ 2 tỷ USD đúng hạn do đã dùng hết tiền để trả cho những bên khác.

Việc này khơi mào một cuộc chiến trong nội bộ ngân hàng khi các giám đốc điều hành ở New York, London và Zurich đẩy trách nhiệm cho nhau thay vì tập trung kiểm soát thiệt hại. Trong khi các nhà băng khác nhanh chóng bán bớt tài sản thế chấp của Archegos, Credit Suisse mất gần hai tuần để đưa ra mức thiệt hại khoảng 5,5 tỷ USD, xóa sạch lợi nhuận cả năm và khiến họ rơi vào vòng xoáy chật vật sau này.

Các giám đốc điều hành Credit Suisse sau đó đã bị sa thải vì không bảo vệ được khách hàng, trong khi chính họ cũng vướng vào nhiều vụ kiện do khoản vay 10 tỷ USD cấp cho quỹ đầu tư Greensill Capital đã phá sản.

Tiền phạt và số vụ kiện tăng lên nhanh chóng làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Credit Suisse và cản trở ngân hàng này đầu tư vào các lĩnh vực khác. Theo ước tính mới nhất, Credit Suisse đã phải bỏ ra 4 tỷ USD cho các vụ kiện từ năm 2020 đến 2022.

Còn theo báo cáo từ công ty luật Paul, Weiss, Rifkind, Wharton & Garrison, sự phức tạp trong văn hóa kiểm soát của Credit Suisse là nguyên nhân họ chịu tổn thất lớn trong vụ Archegos. Ngân hàng này đã thiếu kiên quyết với rủi ro và thất bại trong những thời điểm khẩn cấp.

Credit Suisse bi mua lai anh 3

Dòng chữ "Tạm biệt" trước trụ sở Credit Suisse ở Zurich, Thụy Sĩ.

Đến tháng 10/2022, Credit Suisse tiếp tục bị giới chức Mỹ và Anh phạt 475 triệu USD vì cho các công ty quốc doanh của Mozambique vay. Nhà băng này cũng vướng cáo buộc cho phép những kẻ buôn ma túy rửa tiền và phải hoãn kế hoạch tăng vốn cho một quỹ đầu tư bất động sản vào năm ngoái.

Dù đã đưa ra loạt biện pháp khắc phục và tuyên bố các sự cố này sẽ là bước ngoặt để thay đổi, ngân hàng này vẫn không thể hồi phục khi thế giới đã kết thúc thời kỳ lãi suất thấp.

Hôm 15/3, cổ phiếu Credit Suisse giảm xuống mức thấp kỷ lục từ khi niêm yết, với nguyên nhân là cổ đông lớn nhất - Chủ tịch Saudi National Bank Ammar Al Khudairy - phủ nhận khả năng tăng đầu tư vì không muốn thêm ràng buộc pháp lý.

Việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bơm tiền cho Credit Suisse chỉ có thể chặn đà giảm trong thời gian ngắn khi họ đã bị rút hơn 100 tỷ USD vào cuối năm ngoái bởi những người gửi tiền.

Tại cuộc họp báo công bố thỏa thuận với UBS đêm 19/3, Chủ tịch Credit Suisse thừa nhận sự mất lòng tin ngày càng tăng, và tình trạng tồi tệ này cho thấy Credit Suisse không thể tiếp tục tồn tại.

Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc khủng hoảng chấm dứt 167 năm tồn tại của Credit Suisse" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.