Con dâu ăn không mời: Trông người Nhật, ngẫm người Việticon

28/09/2021 17:01

Câu chuyện "Con dâu ăn không mời mẹ chồng" tiếp tục là chủ đề thu hút độc giả VietNamNet với nhiều luồng ý kiến trái chiều. 

Câu chuyện "Con dâu ăn không mời mẹ chồng" tiếp tục là chủ đề thu hút độc giả VietNamNet với nhiều luồng ý kiến trái chiều. 

 

Mỗi miền một lệ, đừng "chụp mũ" gia phong

Đó là góc nhìn của độc giả Nguyen Kim Thanh. Độc giả này chia sẻ: "Hầu như từ Đà Nẵng vào miền Nam, gia đình không có lệ mời trước lúc ăn. "Đáo sông tùy khúc, đáo gia tùy tục", con dâu hay con rể chưa quen mời thì cha mẹ, ông bà nên bao dung, nhắc nhở nhẹ để con biết; đừng trách con không có giáo dục, nặng nề bữa cơm, xúc phạm thông gia".

Rất nhiều bạn đọc khác cùng chung quan điểm. Độc giả Lê Vy cho biết: "Văn hóa mời là tùy vùng miền, mình thấy ở Đà Nẵng trở vào, ăn trong nhà hiếm khi mời lắm (chỉ mời gọi khi gia đình còn thiếu ai đó, nhất là người lớn), còn bình thường khi có khách lạ mới mời thôi".

Con dâu ăn không mời: Trông người Nhật, ngẫm người Việt

Bạn Cafe Sữa cho rằng: "Mỗi vùng miền có thói quen tập tục riêng của mình. Đừng chụp mũ mình lên người khác. Thế giới có gần 7,8 tỷ người. Thế 1 - 2 vùng miền (có vài triệu người) có tập tục mời trước ăn cơm mới được coi có văn hóa, có giáo dục vậy gần 7,8 tỷ người kia là vô văn hóa thiếu giáo dục sao?".

Độc giả Cang thẳng thắn: "Có chuyện nhỏ này mà chụp mũ gia phong nhà dâu thì quá đáng. Chỉ cần người trẻ không ăn trước là được, lễ nghi quá không còn tình thân trong gia đình".

Bạn Tony khẳng định chuyện con dâu ăn cơm không mời mẹ chồng chẳng thể coi là thiếu giáo dục: "Thực ra, phép tắc cũng gây không ít phiền toái. Tất nhiên, có nhiều quy tắc đối đãi mang tính lễ nghi thì vẫn làm, có điều, tính quan trọng đã giảm dần và cũng không vì thế mà giá trị tự thân tăng lên hay giảm đi.

Vì vậy, một vừa hai phải thôi là được". Tán đồng ý kiến này, bạn Cloud Sky nhận định: "Nhiều người còn lệ thuộc lễ nghi Nho giáo quá. Trong gia đình ai cũng bình đẳng như ai vậy thôi". 

Gay gắt hơn, độc giả Elru phân tích: "Trên đời này có 2 kiểu người, một là kiểu người bao dung, hai là người hẹp hòi, mà người hẹp hòi thường não nhỏ, luôn nhìn chằm chằm vào một vấn đề nhỏ nhặt trong sự vô tri của mình, còn người bao dung thì luôn suy nghĩ để mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn. Tôi nói thẳng luôn mấy người cứ nhìn chằm chằm vào cái gọi là gia giáo và lễ phép mặt ngoài mà không biết cảm nhận bên trong đều cần được giáo dục lại, những người kiểu vậy luôn gây khó chịu cho người khác vì tầm mắt của họ nhỏ hẹp lắm". 

Trông người Nhật, ngẫm người Việt

Bạn NagaishiHoathom chia sẻ một câu chuyện từ xứ sở mặt trời mọc: "Mình sống và lấy chồng Nhật, mình thấy một đất nước văn minh và hiện đại như Nhật Bản, cách giao tiếp và mời chào chắc chắn đứng số 1 trên thế giới.

 

Trước khi ăn mời nhau là ngôn ngữ chào hỏi để mọi người có bữa cơm vui vẻ, hạnh phúc… Còn khi ăn xong, họ sẽ dành lời cảm ơn cho người đã nấu bữa ăn ngon miệng... Chỉ những câu cảm ơn đơn giản cũng làm ấm lòng người nấu ăn. Vậy văn hoá này cần giữ không các bạn trẻ nhỉ?".

Độc giả Minh Quang cũng chia sẻ việc nhỏ như mời cơm sẽ khiến gia đình gắn kết nhiều hơn: "Tôi nghĩ các bạn phải phân biệt được thế nào là sống thoáng và thế nào là văn hoá lễ phép. Với tôi ngồi ăn mà không mời mọi người là không được. Người lớn phải gương mẫu thì trẻ con mới học theo được.

Với riêng cá nhân tôi dù đã gần 50 tuổi khi ngồi ăn cơm tôi vẫn mời vợ con, trước khi đi ra khỏi nhà tôi vẫn nói với vợ con là mình đi đâu. Việc này sẽ rất nhiều người cho là cổ hủ. Nhưng ai nghĩ vậy là sai vì làm như tôi, các thành viên trong gia đình trò chuyện với nhau nhiều hơn và quan tâm đến nhau cũng nhiều hơn".

Trong khi đó, bạn Trần Dương Bình mong mọi người hãy đặt mình ở góc nhìn của mẹ chồng hoặc chính nàng dâu để cân nhắc: "Người lớn người nhỏ, người trẻ người già có trật tự riêng cả trong gia đình lẫn trong xã hội. Thế nên việc ăn trông nồi, ngồi trông hướng, mời chào đầy đủ là việc bắt buộc. Không phải chỉ ở xã hội xưa cũ hay trong cuộc sống hiện đại. Ai bênh thì cứ chờ tới ngày có con dâu như thế trong nhà hoặc mình đi làm dâu nhà người gặp cảnh tương tự rồi hãy nói!".

Ngay sau đó, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình: "Mất gì lời mời đâu mà cứ phải bỏ bê để rồi gia đình nảy sinh mâu thuẫn"; "Lời chào cao hơn mâm cỗ là điều từ nhỏ ai cũng được dạy được học, thế mà việc ăn việc uống không biết đường mở miệng mời người lớn 1 câu thì còn ra cái lẽ gì"; "Thời buổi này đa phần mẹ chồng sống khá thoáng. Nhưng không vì thế những phép cư xử tối thiểu con dâu lại bỏ qua. Việc chào hỏi, mời khi ăn là bắt buộc"... 

Bạn đọc tên Tuyền có góc nhìn mà nhiều bà mẹ chồng và cả những nàng dâu có thể tham khảo để gia đình hoà thuận, đầm ấm hơn: "Cá nhân mình thấy mời hay không mời thì không thể đánh giá đạo đức hay nhân cách một người được.

Nếu gia đình bạn cũng có thói quen con cái mời cha mẹ trước khi ăn hoặc đi thưa về trình thì con dâu hay rể sẽ làm theo khi họ về gia đình mình. Nếu bản thân gia đình mình không có thói quen đó thì không nên gièm pha, đánh giá hay muốn người khác làm như vậy, đó là thiên vị.

Nếu gia đình mình có thói quen mời mà dâu, rể không làm theo thì mình nên góp ý với con mình, con mình sẽ góp ý lại vợ hoặc chồng họ. Gia đình mình cư xử tế nhị với dâu, rể thì yên tâm nhé, dâu rể cũng sẽ biết điều với gia đình thôi. Nồi nào úp nắp vung đó mà, nhập gia tùy tục và mỗi gia đình sẽ có văn hoá, thói quen khác nhau". 

Lê Cúc (tổng hợp) 

Con dâu ăn không mời mẹ chồng: Thiếu văn hóa hay giới trẻ là thế?Con dâu ăn không mời mẹ chồng: Thiếu văn hóa hay giới trẻ là thế?

"Ăn không mời thì đó là do sự giáo dục, gia phong của nhà cô dâu chứ không phải là thời nay người trẻ không mời người lớn", một độc giả viết.

Bạn đang đọc bài viết "Con dâu ăn không mời: Trông người Nhật, ngẫm người Việticon" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.