Chuyên gia tư vấn thương hiệu Danny Võ: Hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu - lối đi cho mọi doanh nghiệp

23/03/2021 15:26

(THPL) - Năm 2020, bước vào một thập kỷ mới, nền kinh tế thế giới đối diện với đại dịch Covid - 19. Nhiều doanh nghiệp non trẻ “chân ướt, chân ráo” vừa bước vào thương trường kinh doanh đã gặp thất bại. Một số khác dù đã có chỗ đứng ở thị trường Việt Nam, quốc tế nhưng cũng vướng nhiều khó khăn, thậm chí trên đà phá sản.

Tuy vậy, cũng có những doanh nghiệp, những người khởi nghiệp trẻ biết “biến nguy thành cơ” xây dựng và phát triển thương hiệu. Doanh nghiệp đó không những không gặp khó khăn trước đại dịch, mà còn phát triển ổn định hơn, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ. Ba yếu tố tạo nên sự thành công vượt trội đó chính là chiến lược, hình ảnh và văn hóa của thương hiệu. 

Sau đây là những chia sẻ của ông Danny Võ, chuyên gia tư vấn Thương hiệu, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài khi bàn luận về vai trò của phát triển thương hiệu đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là với tình hình dịch Covid-19 hiện nay. 

Người lãnh đạo là người biết định hướng chiến lược

Lãnh đạo của thương hiệu, người đứng đầu doanh nghiệp trước hết phải xác định được tầm nhìn, sứ mệnh của thương hiệu cũng như cách mà doanh nghiệp tạo dựng các giá trị cốt lõi, định vị thương hiệu của mình. Nói cách khác, đó chính là những giá trị, bản sắc của thương hiệu. Chiến lược và định hướng này có thể là của sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp cho khách hàng.

Không chỉ dừng lại ở đó, người lãnh đạo phải có tầm nhìn 5 năm, 10 năm, những kế hoạch dài hơi. Ứng phó với bối cảnh thị trường thay đổi liên tục, nhu cầu của khách hàng, đối tác ngày một nâng cao, người đứng đầu cũng phải vạch sẵn những kịch bản khác nhau cho doanh nghiệp của mình. 

Càng nhiều kịch bản được chuẩn bị kỹ lưỡng, doanh nghiệp có càng nhiều thuận lợi, càng sớm xác định được chiến lược, hướng đi trong tương lai. Những kịch bản đó bao gồm xử lý khi gặp biến đổi khí hậu, nhu cầu của con người được nâng cao, dịch bệnh, thiên tai... Chung quy lại là những yếu tố có thể ảnh hưởng, tác động đến doanh nghiệp.

Chuyên gia tư vấn thương hiệu Danny Võ (Ảnh: Internet)

Xây dựng hình ảnh phải nhất quán với chiến lược của thương hiệu

Hình ảnh của thương hiệu là thông điệp doanh nghiệp muốn gửi gắm tới khách hàng, đối tác. Doanh nghiệp xây dựng hình ảnh, nhận diện thương hiệu bằng logo, bao bì sản phẩm, ấn phẩm truyền thông, sản phẩm quảng cáo, tiếp thị,… Tất cả những gì thể hiện ra bên ngoài đó phải nhất quán theo tôn chỉ của doanh nghiệp trong phần chiến lược đề ra ngay từ đầu và thuyết phục khách hàng bằng việc tạo niềm tin bền vững.

Một thương hiệu sang trọng, thiết kế sản phẩm phải thanh lịch, chỉn chu, cao cấp, vật liệu sản xuất phải chất lượng mới phù hợp với định hướng thương hiệu. 

Văn hóa doanh nghiệp là sức hút duy trì sự tận tâm của nhân viên

Văn hóa của thương hiệu, hay nói cách khác là văn hóa của doanh nghiệp chính là cách người lãnh đạo tạo ra sự giao lưu, kết nối giữa các nhân viên, là sự đối nhân xử thế của đội ngũ nhân viên, cấp trên, đồng nghiệp,… Tạo dựng văn hóa trong doanh nghiệp giúp giữ được nhân viên một cách lâu nhất có thể, giúp họ gắn kết và tâm huyết với nơi họ đang làm việc. Doanh nghiệp ở đất nước nào, văn hóa doanh nghiệp cũng phải phù hợp với văn hóa ứng xử của đất nước đó. 

Văn hóa của thương hiệu trước tiên được xây dựng từ giá trị cốt lõi của chiến lược phát triển thương hiệu. Từ chiến lược phát triển, người đứng đầu đưa ra những năng lực cần có của nhân viên trong doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp phải thường xuyên tổ chức những chương trình đào tạo, những buổi huấn luyện, việc này tùy khả năng và nguồn vốn để kết hợp những buổi đào tạo phù hợp, giúp phát huy năng lực của những thành viên trong đội nhóm, trong công ty. 

Đó là cơ sở giúp các thành viên trong doanh nghiệp có cùng một tiếng nói, cùng một lối tư duy, một ngôn ngữ tích cực khi giao tiếp, làm việc phù hợp với lối chiến lược ban đầu. Đây là cách để doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu bền vững. 

Bốn chữ C trong định hướng phát triển thương hiệu doanh nghiệp

Với một doanh nghiệp, sự cạnh tranh thực sự không đến trực tiếp hay gián tiếp từ đối thủ mà đến từ thị trường “hỗn loạn kinh khủng” và cách tốt nhất để giải quyết sự hỗn loạn này là “ngăn chặn thông tin”. Do đó, để xây dựng thương hiệu trong tâm trí khách hàng ở thời buổi hiện tại, chúng ta phải “xuyên qua” sự hỗn loạn đó. Một trong những “mũi tên” giúp chúng ta tạo nên thương hiệu của một doanh nghiệp, đó chính là “sự khác biệt”.

Công thức 4C để xây dựng một thương hiệu mạnh, bao gồm: Clear, Consistent, Conviction và Class.

Clear (Sự rõ ràng), một thương hiệu rõ ràng sẽ mở lối cho các chiến lược truyền thông và marketing đồng nhất để xây dựng giá trị thương hiệu và phát triển các giá trị chung của doanh nghiệp. Đồng thời, khi tổ chức/ công ty rõ ràng trong việc xác định chiến lược sẽ giúp khách hàng biết rõ sản phẩm, dịch vụ của mình. Doanh nghiệp cần tập trung thể hiện những điểm đặc biệt, rõ ràng, độc đáo nhất của thương hiệu mình. 

Consistent (Tính đồng nhất), đội ngũ truyền thông của doanh nghiệp phải duy trì một cách đồng nhất, rộng rãi hình ảnh thương hiệu, giúp tạo ra một thông điệp nhất quán trong xây dựng chiến lược truyền thông và duy trì một thương hiệu nhất quán thông qua các “điểm chạm” (kênh truyền thông).

Conviction (Sức thuyết phục), đó là việc nhà lãnh đạo quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp, cách doanh nghiệp đối nhân xử thế, thể hiện cái cốt lõi trong định vị chiến lược, hình ảnh quảng bá. Đó là giá trị thương hiệu được sử dụng trong nội bộ công ty, được áp dụng để xây dựng các chính sách, chương trình và để thấu hiểu mong muốn của khách hàng. 

Một công ty tư vấn sức khỏe không thể để nhân viên của mình hút thuốc, có lối sống không lành mạnh. Lúc này, sức thuyết phục của thương hiệu gặp lỗ hổng ở vị trí nhân viên. Công ty muốn trở thành một thương hiệu mạnh, quan tâm đến sức khỏe khách hàng thì trước hết nhân viên trong công ty phải quan tâm đến sức khỏe của bản thân.

Class (Tính ưu việt), người sáng lập định vị thương hiệu của doanh nghiệp ở đẳng cấp nào, sản phẩm, dịch vụ, nhân viên cũng phải thể hiện mình ở đẳng cấp đó. Sau đó, đội ngũ ban lãnh đạo và nhân viên công ty phải tối đa hóa hiệu quả của các chiến lược truyền thông và tiếp thị để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Tóm lại, thương hiệu thành công tượng trưng về một điều gì đó trong tâm trí của nhóm khách hàng nhắm đến. Hay nói một cách khác, thương hiệu thành công là một thương hiệu đánh dấu sự thu hút khách hàng (hoặc khách hàng tiềm năng) bằng một ý tưởng khác biệt nhất. Những ý tưởng đó có thể là tốc độ, sự độc đáo, thiết kế, sự lựa chọn hoặc có thể là tính dân tộc, sự an toàn, phong cách,... 

Nếu so sánh việc phát triển doanh nghiệp là việc tạo nên một sản phẩm gỗ mỹ nghệ, xây dựng chiến lược thương hiệu là chất liệu của khối gỗ và quảng bá hình ảnh thương hiệu chính là nước sơn bên ngoài khối gỗ đó. 

Nguyễn Cảnh An - Thúy Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết "Chuyên gia tư vấn thương hiệu Danny Võ: Hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu - lối đi cho mọi doanh nghiệp" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.