Chuyên gia: Hàng phòng thủ đầu tiên phải là tiền mặt

21/03/2023 16:01

Trong bối cảnh thị trường tài chính hỗn loạn, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên cất giữ một khoản tiền mặt tương đương chi phí sinh hoạt trong 6 tháng.

Khách hàng xếp hàng bên ngoài trụ sở SVB ở Santa Clara, California. Ảnh: Bloomberg.

Theo CNBC, việc các ngân hàng liên tục phá sản sau sự sụp đổ của SVB đã tạo ra tâm lý bất an đối với công chúng và thị trường tài chính.

Theo bà Lazetta Rainey Braxton, đồng sáng lập kiêm CEO của 2050 Wealth Partners, các sự kiện gần đây đã đưa ra “một trường hợp điển hình tuyệt vời” đối với các nhà đầu tư.

Trong trường hợp của SVB, ngân hàng gắn bó mật thiết các quỹ đầu tư mạo hiểm và công ty khởi nghiệp về công nghệ, khoản tiền rót vào trái phiếu của đơn vị này đã bị giảm giá trị trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

“Hàng phòng thủ đầu tiên phải là tiền mặt”, bà Braxton khẳng định. Vị chuyên gia này cho rằng SVB không thể đứng vững trước “cú sốc của dòng tiền” khi mất thanh khoản.

Bà Braxton nhận định đây là một bài học quý giá đối với các nhà đầu tư, những người có thể phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt tiền mặt do mất việc làm hoặc trong một trường hợp khẩn cấp nào đó.

CEO của 2050 Wealth Partners cho rằng nếu nhà đầu tư cần tiền, việc rút khoản tiền tiết kiệm sẽ được ưu tiên, thay vì quyết định bán các tài sản trong danh mục đầu tư.

Vị chuyên gia cũng có lời khuyên tương tự dành cho những người đang về hưu. Họ cần quản lý khoản dự trữ tiền mặt của bản thân để tránh trường hợp buông bỏ các hạng mục đầu tư khi thị trường đi xuống.

Bà Braxton thường kêu gọi những khách hàng của mình duy trì một khoản tiền mặt dự phòng tương đương chi phí sinh hoạt trong 6 tháng.

“Trong thời kỳ đại dịch, chúng tôi có những vị khách hàng vừa nghỉ phép, vừa thay đổi công việc. Họ không lo lắng vì bản thân đã có một khoản tiền dự trù trước đó”, bà Braxton cho biết. Đồng thời, bà lưu ý rằng việc có thêm tiền mặt sẽ giúp mọi người linh hoạt hơn cho những thay đổi trong cuộc sống.

Theo bà Braxton, việc sa thải là điều khó đoán định, thực trạng ngành công nghệ gần đây đã phản ánh điều đó. Vì vậy, một quỹ tiền mặt sẽ giúp chúng ta có thể quyết định nhiều thứ hơn. Bên cạnh đó, đây cũng là nguồn vốn góp phần không nhỏ trong việc giải quyết các tình huống tài chính khẩn cấp.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "Chuyên gia: Hàng phòng thủ đầu tiên phải là tiền mặt" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.