Cần cải cách hành chính để hỗ trợ hoạt động cho hộ kinh doanh

17/10/2021 13:01

Theo ĐBQH Phan Đức Hiếu, môi trường kinh doanh phải thuận lợi để khi người ta làm kinh doanh, họ không phải tốn thời gian đi giải quyết thủ tục hành chính.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, cả nước ghi nhận có khoảng 5,37 triệu hộ kinh doanh. Con số này cao gấp 9 lần tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. 

Tại toạ đàm "Thuận lợi hóa hoạt động hộ kinh doanh hướng tới phục hồi và tăng trưởng giai đoạn bình thường mới" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, TS.Nguyễn Quốc Việt - Viện phó VEPR cho biết, hộ kinh doanh là khu vực kinh tế quan trọng, đặc biệt trong việc tạo cơ hội việc làm, với tổng số lao động tham gia trong khu vực này ghi nhận khoảng 9 triệu người năm 2019.

Theo ông Việt, khu vực kinh tế của hộ kinh doanh tồn tại nhiều hạn chế; việc quản lý hoạt động của các hộ kinh doanh cũng còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề quản lý thuế và các nghĩa vụ khác với xã hội và người lao động. "Ở thời điểm hiện tại, việc quản lý đối tượng hộ kinh doanh vẫn chưa có một khung pháp lý cụ thể", ông nói.

Hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch 

TS.Nguyễn Quốc Việt cho biết, theo kết quả khảo sát 1.016 hộ kinh doanh được thu thập bởi 161 Chi nhánh BIDV trên 63 tỉnh thành, từ năm 2020 đến nay, hộ kinh doanh cũng như các doanh nghiệp khác đều chịu nhiều khó khăn do dịch Covid-19. 

Điều này đã đặt ra vấn đề cấp thiết cần nhận định rõ và chỉ ra các thách thức, khó khăn, rào cản thể chế, chính sách và tiếp cận vốn tín dụng mà hộ kinh doanh đang gặp phải. Đặc biệt là những khó khăn, thách thức đối với sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh trong dịch Covid-19. Đồng thời, đưa ra những hàm ý chính sách để tháo gỡ các vấn đề và khó khăn còn tồn tại liên quan đến hộ kinh doanh.

TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho biết 32,33% GDP nước ta hàng năm là do các hộ kinh doanh đóng góp. "Tuy nhiên, họ chưa được Nhà nước chú ý, cần hỗ trợ họ phát triển kinh doanh, nhất là khi bối cảnh đất nước đang khó khăn", ông nói. 

Kinh tế vĩ mô - Cần cải cách hành chính để hỗ trợ hoạt động cho hộ kinh doanh

TS Cấn Văn Lực cho biết các hộ kinh doanh đóng góp đáng kể vào GDP tuy nhiên chưa được chú ý nhiều.

Theo TS Cấn Văn Lực, ngay khi doanh nghiệp và các hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ kịp thời, từ tháng 3/2020. Tính đến nay. các gói hỗ trợ tài khóa 9 tháng đầu năm 2021 ước tính khoảng 90 nghìn tỷ, bằng 1,2% GDP nước ta; những gói hỗ trợ tiền tệ ước tính khoảng 30 nghìn tỷ. 

"Từ giờ tới cuối năm 2021 sẽ có thêm các gói trị giá khoảng 24 nghìn tỷ. Như vậy, tổng các gói hỗ trợ tiền mặt khoảng 54 nghìn tỷ". Ông Cấn Văn Lực đánh giá các gói hỗ trợ kịp thời và đã hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ kinh doanh để giúp họ giảm khó khăn về dòng tiền, giúp giãn, hoãn thuế. 

Tuy nhiên, theo ông, các hộ kinh doanh vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là về dòng tiền, do nguồn lực tiếp cận vốn còn gặp cản trở bởi các thủ tục hành chính nhiều. Khó khăn thứ 2 về lao động, hầu hết các lao động không thể làm việc trong điều kiện giãn cách. Tiếp đến là khó khăn về tìm kiếm khách hàng, đối tác bởi dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm. Ngoài ra, các hộ kinh doanh còn gặp khó khăn trong việc chi trả chi phí để hoạt động như nguyên vật liệu, điện, nước… 

Bà Bùi Thu Thủy - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết các hộ kinh doanh gặp khó khăn trong việc duy trì kinh doanh đảm bảo theo yêu cầu an toàn mà Nhà nước đưa ra. Theo bà, để đảm bảo yêu cầu phải bỏ ra lượng tiền lớn nhằm trang trải chi phí xét nghiệm, y tế… 

Kinh tế vĩ mô - Cần cải cách hành chính để hỗ trợ hoạt động cho hộ kinh doanh (Hình 2).

Bà Bùi Thu Thuỷ cho biết việc giải ngân các gói hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp còn chậm. (Ảnh minh họa)

Theo bà Bùi Thu Thuỷ, Nhà nước đã vào cuộc nhanh để đưa ra các quyết sách giúp các hộ kinh doanh. Thủ tướng cùng các Bộ trưởng đều rất kiên quyết trong việc ra các gói hỗ trợ như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT… 

"Tuy nhiên, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn chậm. Nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp phản hồi không nhận được hỗ trợ", bà Thuỷ nói. 

"Hộ kinh doanh cần tiến tới trở thành doanh nghiệp"

Theo ông Nguyễn Hưng Quang - Giám đốc Công ty Luật NH Quang và Cộng sự, các hộ kinh doanh cần chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp để có thể tiếp cận tối đa với các gói hỗ trợ từ Nhà nước, Ngân hàng.

Đặc biệt, theo ông Quang, nếu để các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nên để họ lựa chọn chuyển đổi loại hình nào phù hợp theo nhu cầu của họ và sự thúc đẩy của thị trường. 

Theo ông Nguyễn Hưng Quang, các hộ kinh doanh tin rằng chi phí tuân thủ pháp luật thấp so với chuyển thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường cần liên kết chuỗi, các doanh nghiệp cần đến đơn, phiếu, chứng từ đầu vào, giấy tờ cho việc xuất, nhập khẩu… 

"Doanh nghiệp cần có đủ chứng từ rõ ràng nên và họ sẽ tác động lại các hộ kinh doanh để buộc họ phải chuyển đổi thành doanh nghiệp", ông nói. 

Ông Quang cũng cho biết, hiện, thủ tục đăng ký doanh nghiệp đã đơn giản thuận tiện so với trước đây. 

TS Cấn Văn Lực cũng đồng tình và cho rằng dịch Covid-19 là chất xúc tác lớn để thúc đẩy các hộ kinh doanh tiến tới mô hình doanh nghiệp. Như vậy, họ sẽ tiếp cận dễ dàng hơn quyền lợi, các hỗ trợ từ ngân hàng. "Khoảng 15-18% hộ kinh doanh nước ta vẫn chưa đăng ký kinh doanh", ông nói. 

Ông Lực lấy ví dụ, thời gian qua nhiều hộ kinh doanh cho biết họ không thể đăng ký tiêm vắc-xin cho nhân viên dù lượng nhân viên của họ chỉ 3-4 người. Trong khi đó, các doanh nghiệp được đăng ký tiêm vắc-xin cho lượng nhân viên lớn. 

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, tư duy thiết kế chính sách hiện cần thay đổi. "Chính phủ cần có thêm các Nghị quyết hỗ trợ đối tượng là các hộ kinh doanh chứ không chỉ doanh nghiệp và thúc đẩy họ. Nếu được vậy, giai đoạn tới kinh tế sẽ có nhiều đột phá", ông nhận định. 

Trước ý kiến các doanh nghiệp có các tổ chức đại diện còn nhiều hộ kinh doanh không có đơn vị đại diện hợp pháp. Ông Lực cho biết các hộ kinh doanh có thể đăng ký làm thành viên của nhiều hiệp hội kinh doanh trên địa bàn họ.

"Chính các hộ kinh doanh cũng cần có hiệp hội để kết nối họ với nhau. Họ hoàn toàn có thể kết nối với hợp tác xã. Chúng tôi đang tham vấn với Chính phủ về vấn đề hiện đại hoá hợp tác xã", ông cho hay.

Ông Nguyễn Hưng Quang cũng đồng tình và cho biết nước ta có Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ở các địa phương cũng có nhiều hộ kinh doanh nên có thể thành lập hội những hộ kinh doanh riêng với nhiều thiết chế về hội. 

Cần có cơ chế pháp lý riêng cho các hộ kinh doanh 

Theo ông Nguyễn Hưng Quang, các mô hình hộ kinh doanh ở Việt Nam thường gắn kết với Ngân hàng theo mối quan hệ cá nhân. Nếu tiến tới hình thành doanh nghiệp, điều họ cần là cơ chế pháp lý đảm bảo cho họ ở các hoạt động thực thi hợp đồng, kết nối các sản phẩm chuỗi, có trọng tài khi xảy ra tranh chấp…

Cũng theo ông Quang, nước ta cần cải thiện hành lang pháp lý, giảm thủ tục hành chính để các hộ kinh doanh cũng được nhận hỗ trợ giống các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh cũng chưa nắm rõ chế độ thuế hiện nay. Họ không rõ nếu tiến tới doanh nghiệp sẽ có những thay đổi gì về thủ tục và các khoản cần đóng. Ông kiến nghị cần có chế độ thuế rõ ràng với những thủ tục đơn giản, dễ hiểu, thuận tiện. 

TS Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội Khóa XV, thường trực Uỷ ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội cho biết trong quá trình soạn thảo Luật Doanh nghiệp, Nhà nước đã thảo luận nhiều về hướng đi cho các hộ kinh doanh. 

Kinh tế vĩ mô - Cần cải cách hành chính để hỗ trợ hoạt động cho hộ kinh doanh (Hình 3).

Tiến sĩ Phan Đức Hiếu cho biết cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính. 

Ông cho biết sẽ có những Nghị quyết thuận lợi xét theo tính chất, bản chất và quy mô cho các hộ kinh doanh chứ không chỉ nhìn vào tên gọi của hình thức kinh doanh để xây dựng chính sách. 

"Môi trường kinh doanh phải có cải cách về hành chính tạo thuận lợi để khi người ta làm kinh doanh, cái họ nghĩ phải là chiến lược kinh doanh chứ không tốn thời gian nghĩ cách giải quyết thủ tục hành chính", ông Hiếu nói. 

Bà Bùi Thu Thủy cũng cho biết, hộ kinh doanh cần chuyển đổi số để thích ứng với xu hướng thị trường. Với các hộ kinh doanh chưa đủ khả năng đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ để chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ. 

Theo bà Thuỷ, Nhà nước đang nghiên cứu để hỗ trợ chuyển đổi số cho các hộ kinh doanh. Theo đó, hộ kinh doanh vừa được hỗ trợ 100 triệu/năm, nhỏ được 50 triệu/năm , siêu nhỏ được 20 triệu/năm để ứng dụng chuyển đổi số. "Tuy nhiên, hộ kinh doanh ở Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý nên chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất trong thời gian tới", bà nói.  

Bạn đang đọc bài viết "Cần cải cách hành chính để hỗ trợ hoạt động cho hộ kinh doanh" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.