Bộ Y tế đã làm gì để gỡ “nút thắt” đấu thầu, mua sắm vật tư y tế?

18/03/2023 13:30

Sau khi được gỡ vướng những “nút thắt” về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, nhiều bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian qua, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cục bộ tại một số cơ sở y tế công lập đã được phản ánh.

Với phương châm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết và được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Theo đó, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó có nhiều nội dung liên quan tới đổi mới cơ chế tài chính khắc phục những hạn chế, bất cập của các cơ sở y tế thời gian qua, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Sự kiện - Bộ Y tế đã làm gì để gỡ “nút thắt” đấu thầu, mua sắm vật tư y tế?

Nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80, cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong giai đoạn từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Nhờ vậy, ngay trong tháng 2/2023, Bộ Y tế đã gia hạn giấy phép lưu hành của gần 10.000 thuốc, đảm bảo nguồn cung, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung ứng thuốc trên thị trường.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện số 778, công điện số 72 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. 

Đầu tháng 3/2023, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07 và Nghị quyết số 30. Hai Nghị định đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm tháo gỡ những quy định bất cập trong mua sắm, đấu thầu như: Ban hành thông tư số 14, đã bãi bỏ khoản 3, Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT về tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đó khi lập dự toán giá gói thầu.

Mới đây, ngày 12/3, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập...

Nhiều bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường

Bộ Y tế cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược;

Ban hành các thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; đã tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép;

Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt các thuốc hiếm, khó khăn về nguồn cung. Qua đó đã giúp các cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung thuốc, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan.

Thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ; 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá. Cụ thể, trong năm 2022, đã tổ chức thành công 03 gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia: Giảm giá 1.418 tỷ đồng so với giá kế hoạch (giảm gần 18%); đàm phán giá thành công 61/69 mặt hàng thuốc: Giảm giá 1.995 tỷ đồng (xấp xỉ 15%).

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và các giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức và chuyên gia thẩm định hồ sơ.

Sự kiện - Bộ Y tế đã làm gì để gỡ “nút thắt” đấu thầu, mua sắm vật tư y tế? (Hình 2).

Giải quyết được những vấn đề cấp bách trong bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế đã thành lập 4 Đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở y tế; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách trong giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Đồng thời, tổ chức Hội nghị trực tuyến Hướng dẫn triển khai Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP cho toàn ngành y tế cả nước với gần 1.300 điểm cầu.

Sau khi được gỡ vướng những “nút thắt” về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, nhiều bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, sau 2 tuần gián đoạn các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên ca cấp cứu do thiếu vật tư, hoá chất, bệnh viện đã mổ trở lại như bình thường.

Hiện tại, bệnh viện đã hoạt động bình thường, người dân có thể yên tâm đến khám, chữa bệnh với đầy đủ phương tiện.

Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ đã tháo gỡ được nhiều 'nút thắt', giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của bệnh viện. Ngay khi được tháo gỡ, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hoá chất...

PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành rất sát với những khó khăn mà các bệnh viện đang gặp phải, giải quyết được những vấn đề cấp bách trong bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Bạn đang đọc bài viết "Bộ Y tế đã làm gì để gỡ “nút thắt” đấu thầu, mua sắm vật tư y tế?" tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG 24H. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.