Thị trường biến động vì Covid-19: Tiền “khôn” nên đầu tư vào đâu?

11/08/2020 05:30

Tiền “chảy” từ đầu tư sản xuất, thương mại sang đầu tư tài chính

Chị Trần Thu Trang (33 tuổi, Hà Nội) là một nhà đầu tư (NĐT) tài chính cá nhân “bất đắc dĩ” trong giai đoạn dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 này. Vốn là giám đốc một công ty truyền thông sự kiện đang ăn nên làm ra, sau khi bất ngờ bị hàng loạt đối tác huỷ sự kiện, cắt ngân sách quảng cáo từ đầu năm 2020, chị Trang bèn xoay hướng đầu tư sang lĩnh vực tài chính.

Trước đó, chị có thói quen mua một cây vàng hàng năm bằng tiền mừng tuổi của các con để tích luỹ cho chúng, đồng thời đầu tư dài hạn vào vài mã cổ phiếu để cuối năm lấy cổ tức đóng tiền học cho con vì cổ tức cao hơn lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, từ tháng Ba năm nay, chị Trang rút tiền công ty đầu tư vào 7 mã cổ phiếu.

Đầu tư - Thị trường biến động vì Covid-19: Tiền “khôn” nên đầu tư vào đâu?

Dân Hà Nội đổ xô đi mua bán vàng sáng 6/8/2020.

“Giai đoạn tháng 3-5/2020, tôi kiếm được khoảng 400 triệu từ đầu tư chứng khoán, nhưng đến tháng Sáu, khi thị trường bắt đầu giảm điểm, tôi quyết định bán hết cổ phiếu để cắt lỗ sau khi mỗi mã giảm từ 7% trở lên để chuyển hướng sang vàng. Với 5 cây vàng ban đầu mua từ lúc giá 33 triệu cho đến 42 triệu đồng/lượng, vừa rồi tôi bán ở mức giá 58 triệu/lượng, kiếm được khoảng 100 triệu đồng” – chị Trang cho hay.

Còn anh Trần Quốc Thắng (45 tuổi, Bắc Ninh), trước đây có 1 tỷ đồng góp vốn vào công ty may mặc để nhận lãi hàng tháng đồng thời tích luỹ chờ đủ tiền thì mua chung cư. Vừa rồi do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty phải thu hẹp quy mô, sản xuất cầm chừng, anh Thắng rút vốn định “bắt đáy” bất động sản mua nhà giá rẻ song giá nhà không giảm nhiều và lo ngại bất động sản “đóng băng” sẽ mất thanh khoản nên cuối cùng anh đành gửi tiết kiệm vào ngân hàng dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 3,75%.

Tiền “khôn” nên đi đâu?

Theo quy luật, khi cuộc sống không có xáo trộn lớn, nếu có tiền nhàn rỗi mà không sản xuất kinh doanh gì, người ta thường đầu tư dài hạn vào bất động sản với quan điểm cổ truyền “Buôn vàng thì lỗ, buôn thổ thì lãi”. Nhưng khi xảy ra biến động xã hội thì vàng là bản vị được nhiều người chọn làm kênh trú ẩn đồng tiền vì tính chất “gọn nhẹ” dễ cất trữ và mang theo, nhất là từ khi đồng USD bị cấm buôn bán để chống đô la hoá (và đồng USD hiện nay cũng đang suy yếu nhất trong vòng 2 năm trở lại, do nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh).

Chiều 6/8, giá vàng SJC ở mức 60,8 - 62,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức giá phá vỡ mọi “kỷ lục” từ trước tới nay. Dù giá vàng thế giới đã tăng 40% trong vòng 8 tháng qua, giá vàng SJC trong nước hiện vẫn cao hơn giá vàng thế giới 4,2 triệu đồng/lượng và chênh lệch giữa chiều mua - chiều bán đang ở mức 1,5 triệu đồng/lượng.

Nhưng đến sáng 10/8, thị trường đã ghi nhận giá vàng giảm vài phiên liên tiếp.  Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 57,96-59,92 triệu đồng/lượng, giảm 600 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 400 nghìn đồng/lượng chiều bán ra. Tại DOJI, giá bán vàng cũng giảm đến 1,4 triệu đồng, còn 60,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu giảm mạnh giá bán vàng về mốc 60 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Phú Quý cũng giảm xuống mức 58,00-59,70 triệu đồng/lượng...

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tuần trước cao hơn giá vàng thế giới vì thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng thế giới (hiện nhập khẩu vàng duy nhất là Ngân hàng Nhà nước). Thị trường vàng Việt Nam lại mang tính đầu cơ rất mạnh, chỉ cần có thông tin, lời đồn thổi là hàng nghìn người đổ xô đi mua bán vàng, nên giá vàng lên cao là điều dễ hiểu.

Đầu tư - Thị trường biến động vì Covid-19: Tiền “khôn” nên đầu tư vào đâu? (Hình 2).

Gửi tiền ngân hàng nào có lợi nhất hiện nay?

Ông Nguyễn Thế Hùng, hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định, giá vàng trong nước tăng bởi không có nguồn. Nhiều khách hàng lúc vàng lên 50, 52 triệu đồng/lượng cho rằng là đỉnh đã vội vã bán ra, bây giờ ồ ạt mua lại trong khi doanh nghiệp vàng bạc không đủ nguồn lực bán ra nên niêm yết giá cao.

Thời điểm này có nên đầu tư vàng không? TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, khi giá vàng trong nước và thế giới cách nhau khoảng 2-3 triệu đồng/lượng là mức rủi ro cao, từ mức 3 triệu đồng/lượng là rủi ro rất cao. Sau những đợt tăng giá thiên về “cảm xúc”, về lâu dài giá vàng trong nước sẽ đi theo quy luật giá vàng thế giới, người kinh doanh vàng biết vậy nên luôn mua vào giá thấp bán ra giá cao để đẩy rủi ro về phía khách hàng.

“Mua vàng như một loại tài sản để tích trữ thì nên vì về lâu dài giá vàng sẽ lên nhưng nếu “lướt sóng” đầu tư theo thời điểm thì bây giờ là thời điểm khá rủi ro” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Còn đối với NĐT chứng khoán thì đây là thời điểm nhiều người băn khoăn có nên "thoát hàng" trước nguy cơ "mất hàng" hay không? Với những NĐT “non gan” như chị Trang vừa kể ở trên, tự thấy kiến thức không nhiều nên đã tự “thoát hàng” thành công sau khi dính lỗ 7%. Còn chị Lê Hà (36 tuổi, Hà Nội), một NĐT ngắn hạn thì có chiến lược hoàn toàn khác.

Chị Hà nghiên cứu hồ sơ một doanh nghiệp (DN) duy nhất, chờ thời điểm “bắt đáy” là xuống tiền ôm cổ phiếu DN này, chỉ cần nhích lên vài giá là bán, giá lên không nhiều nhưng với số lượng cổ phiếu nhiều nên lợi nhuận thu về vẫn “khủng”. Chị Hà cho hay, có nguồn tin nội bộ rò rỉ sắp tới DN này sẽ có thương vụ hợp tác lớn đẩy giá cổ phiếu lên cao nên chị sẽ xuống tiền lần nữa với hi vọng đánh được mẻ lớn.

Hiện tại, sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng và lây lan sang các tỉnh, thành phố khác về cơ bản đã khiến thị trường chứng khoán có sự “lừng chừng” rõ rệt, dù có phiên tăng nhưng xu hướng chung của thị trường vẫn nghiêng về trạng thái giảm.

Lúc này, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở chứng khoán là 50/50. Vì mục tiêu quan trọng không chỉ là xác định thời điểm chốt lãi, mà còn là cắt lỗ phù hợp, nhằm tránh nguy cơ tổn thất lớn. Theo ông Nguyễn Thế Minh (Giám đốc Phân tích, công ty Chứng khoán Yuanta), chiến lược thích hợp giai đoạn này vẫn là bán hạ tỷ trọng cổ phiếu và chú ý vào các nhóm cổ phiếu như bất động sản khu công nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định, chứng khoán luôn là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng đòi hỏi phải theo dõi thị trường, chặt chẽ, phải động não suy nghĩ. Còn muốn "ăn chắc mặc bền", sợ rủi ro thì bỏ tiền vào kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.

Chia sẻ tại một buổi tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch hội Môi giới bất động sản Việt Nam lại cho rằng, BĐS luôn tăng giá, mức độ tăng theo số liệu nghiên cứu trong nhiều năm, dao động từ 5-7%/năm, như vậy sinh lời hơn gửi tiền tiết kiệm. Vàng không thể tăng mãi do đó khi vàng hết “sốt” thì dòng tiền sẽ lại đổ vào BĐS.

 M.M

Bạn đang đọc bài viết "Thị trường biến động vì Covid-19: Tiền “khôn” nên đầu tư vào đâu?" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.