Gói kích thích kinh tế sau Covid-19 lần 2: Đừng “tất tay"!

16/10/2020 10:49

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, gói hỗ trợ kích thích kinh tế sau Covid-19 lần 2 không nên “tất tay” một lần vì phía trước còn nhiều bất định.

80% doanh nghiệp không tiếp cận được gói lần 1

Dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, tác động đến kinh tế Việt Nam đang và sẽ trầm trọng hơn. Sau khi đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế, đánh giá các chính sách thuộc gói hỗ trợ lần 1, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đưa ra chính sách trong thời kỳ khó khăn là điều cần thiết, nhưng việc triển khai các chính sách có hiệu quả mới là điều nên bàn.

PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, ông cùng nhóm nghiên cứu của trường đã có cuộc khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 và hiệu quả của các chính sách ứng phó với Covid-19 đối với các doanh nghiệp. Khảo sát được thực hiện trong thời gian từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10/2020, với hơn 450 doanh nghiệp thuộc 6 ngành nghề khác nhau về tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Các ngành được khảo sát gồm: du lịch, lưu trú, ăn uống, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, logistic, dệt may, công nghệ thông tin.

Tài chính - Ngân hàng - Gói kích thích kinh tế sau Covid-19 lần 2: Đừng “tất tay'!

Gói hỗ trợ kinh tế lần 1 có đên 80% doanh nghiệp không thể tiếp cận vì không nắm được thông tin hay điều kiện quá khắt khe.

“Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 40% doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19. Trong đó, 30% phải cắt giảm quy mô sản xuất và gần 10% phải tạm dừng hoạt động. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch, lưu trú, ăn uống. Đến đầu tháng 10/2020, khoảng 80% doanh nghiệp được điều tra không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ. Tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành du lịch và dệt may nhận được hỗ trợ nhiều nhất. Ngành ít nhận được hỗ trợ nhất là ngành công nghệ thông tin. Tỷ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ.

Lý do chủ yếu là doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, không có thông tin về chính sách. Tỉ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng rất dễ tổn thương, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng dịch bệnh”, ông Thọ cho biết.

Theo ông Thọ, doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận được với gói “gia hạn nộp thuế”, các gói hỗ trợ khác tỷ lệ tiếp cận thấp. Các doanh nghiệp kỳ vọng lớn về các gói hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ, đặc biệt là các gói tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất và hỗ trợ chi phí. Bên cạnh đó, ông Thọ cũng cho biết, doanh nghiệp phàn nàn và tỏ ra rất quan ngại về tính minh bạch của các gói hỗ trợ.

Tài chính - Ngân hàng - Gói kích thích kinh tế sau Covid-19 lần 2: Đừng “tất tay'! (Hình 2).

Theo khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành du lịch và dệt may nhận được hỗ trợ nhiều nhất.

Nhóm nghiên cứu của trường Kinh tế Quốc dân nhận định, gói hỗ trợ lần 1 có nhiều chính sách chưa phù hợp. Đó chính là rào cản cho việc chính sách khó đi vào cuộc sống. Trong đó, lỗ hổng lớn nhất của chính sách hỗ trợ Covid-19 là xác định chưa đúng đối tượng.

"Với gói hỗ trợ lần 2 cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian hoàn các khoản được giãn, hoãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính", ông Thọ nói.

Phải nhìn vào thực tế

TS Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - bày tỏ sự đáng tiếc khi hiệu quả của gói hỗ trợ lần 1 rất thấp.

“Tuy chính sách đúng và kịp thời nhưng việc thực hiện không theo tinh thần thời chiến. Việc chống dịch, phục hồi kinh tế không có ban chỉ đạo trong khi Covid-19 gây ra tác động lớn và trầm trọng. Quốc hội đồng hành nhưng không trao quyền cho Chính phủ, đơn cử như muốn giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh phải chờ Quốc hội biểu quyết”, ông Thành nói.

Trong đợt dịch Covid-19, có hai bài học tôi nhận thấy, đó là làm ra chính sách và việc thực thi chính sách. Sức tàn phá ghê gớm của dịch này nó không chỉ là sức khoẻ mà còn là kinh tế, xã hội.

Tài chính - Ngân hàng - Gói kích thích kinh tế sau Covid-19 lần 2: Đừng “tất tay'! (Hình 3).

TS Võ Trí Thành cho rằng, gói hỗ trợ lần 2 phải đủ lớn, đúng trọng tâm.

“Dù thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo hình chữ V (mô hình kinh tế xuống nhanh nhưng cũng phục hồi rất nhanh). Điều này hiển thị rõ khi kinh tế nước ta sụt giảm xuống đáy vào quý II/2020, quý III/2020 đã có sự tiến triển, và dự báo đến quý IV/2020 sẽ có sự phục hồi. Nhưng phải nhìn rõ thực tế rằng, đến năm 2021 kinh tế chắc chắn cũng sẽ không thể quay trở lại giống trước dịch, ít nhất cũng phải đến năm 2022.

Dịch Covid-19 tác động đến xu thế, xu hướng của nhiều nước trên thế giới, chúng ta đừng nghĩ quá bay bổng, mà phải nhìn vào thực tế, cái chung nhất vẫn là sự khó lường”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Nói về kỳ vọng trong gói lần 2, ông Thành nói rằng, gói hỗ trợ lần 2 lẽ ra cần đưa ra trong tháng 9/2020 nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Theo TS Võ Trí Thành, gói hỗ lần 2 cần có một số nguyên tắc: Một là phải đủ lớn. Rất may chúng ta có tiền và chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách. Hai là diện phải rộng như gói 1 là có tính đến người lao động, có doanh nghiệp và có xã hội. Ba là phải có trọng điểm, hỗ trợ những lĩnh vực, những doanh nghiệp có tính lan tỏa. Ví dụ, có hỗ trợ ngành hàng không như các nước không? Bốn là thời gian, ít nhất phải thực hiện cả trong năm 2021. Năm là gói này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt khó như gói 1, gói 2 là hỗ trợ để vượt khó, để phục hồi và tái cấu trúc. Bên cạnh đó, phải quan tâm đến quản trị rủi ro và sự bất định, đảm bảo khả năng chống chịu của nền kinh tế.

"Kinh tế hiện tại đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn để tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế, đồng thời chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài, từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái", PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân.

"Cần phải làm rõ sự tác động qua lại giữa chính sách của Chính phủ và sự phục hồi của doanh nghiệp. Về gói hỗ trợ lần 1, kết quả hỗ trợ thì có 12.000 tỷ được giải ngân, vậy số nhóm ngành nhận được thì đã có những thay đổi như thế nào? Chúng ta có thể từ đó rút ra bài học nhìn từ khía cạnh tích cực của các doanh nghiệp vẫn đứng vững. Về gói lần 2, tôi kiến nghị cần hướng tới đến những ngành nghề, doanh nghiệp có tương lai, hỗ trợ để doanh nghiệp cần nâng cao tính thực thiết. Hơn nữa, dịch Covid-19 cho chúng ta một bài học khi lệ thuộc quá mức vào một thị trường trong chuỗi cung ứng, xuất khẩu. Chúng ta phải thay đổi điều này, đó là rủi ro rất lớn đối với ngành nông nghiệp", Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Bạn đang đọc bài viết "Gói kích thích kinh tế sau Covid-19 lần 2: Đừng “tất tay"!" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.