Chưa thấy dấu hiệu cực đoan của thị trường bất động sản

26/11/2020 19:19

24-11-Thi-truong-BDS-3760-1606196469.jpg

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thị trường BĐS trong ngắn hạn gặp khó khăn, nhưng về dài hạn vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan

Báo cáo thị trường 9 tháng của các tổ chức tư vấn, nghiên cứu và kinh doanh bất động sản (BĐS) cho thấy, giá BĐS trên cả nước mặc dù tăng nhưng nguồn cung, lượng giao dịch giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là các dự án còn vướng pháp lý và dịch bệnh đã tác động mạnh đến cả cung và cầu.

Dấu hiệu hồi phục

Theo tổng hợp từ 56/63 địa phương có báo cáo số liệu, trong quý III, Bộ Xây dựng cho biết cả nước có 295 dự án nhà ở thương mại với 125.449 căn hộ được cấp phép; 1.272 dự án với 243.265 căn hộ đang triển khai xây dựng; 118 dự án với 25.911 căn hộ hoàn thành. Số lượng dự án nhà ở được cấp phép giảm khoảng 9,3% so với quý II.

Còn báo cáo của các đơn vị nghiên cứu khác cho thấy, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường thấp, giá bán tăng từ 3-15% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó đáng chú ý là khu vực TP. HCM tăng mạnh từ 10-15%.

Bộ Xây dựng nhìn nhận, mặc dù trải qua làn sóng Covid-19 lần 2, nhưng trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy thị trường BĐS 9 tháng và trong quý III/2020 đang dần phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhà ở giá rẻ… vẫn rất lớn.

Theo phân tích của bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, kinh tế Việt Nam nói chung và BĐS Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng lớn từ các nhà đầu tư quốc tế. Do đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát, chắc chắn thị trường sẽ có sự cải thiện rõ rệt trong năm 2021.

Đơn cử, BĐS khu công nghiệp sẽ chứng kiến nhiều tên tuổi nước ngoài rót vốn vào thị trường Việt Nam bởi đang có sự thay đổi về chuỗi chuyển dịch toàn cầu khi nhà đầu tư rời Trung Quốc. Cùng với đó, giá thuê, công suất với các phân khúc BĐS thương mại như văn phòng, bán lẻ sẽ có sự tăng trưởng trở lại.

"Việc phát triển các BĐS công nghiệp cũng kéo theo phát triển các khu đô thị nhà ở, do đó sẽ bổ trợ thêm nguồn cung nhà ở dồi dào và đa dạng hơn", bà An nhận định.

Cũng theo đại diện CBRE Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài khi so sánh mặt bằng giá BĐS nhà ở Việt Nam bao gồm cả TP. HCM với các thành phố khu vực như Bangkok, Singapore, Hongkong, Tokyo, đều thấy BĐS Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng cả về quy mô thị trường và giá trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng, dù chịu rất nhiều tác động và ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng có thể đây cũng sẽ là dịp để thị trường thanh lọc các dự án, chủ đầu tư và doanh nghiệp yếu kém. Cùng với đó, sẽ hình thành những nhà đầu tư mới, xu hướng mới, sẵn sàng cho vận hội mới trong năm 2021.

Đất nền vẫn là "vua"?

Nhận định về thị trường BĐS cuối năm 2020 đến giữa năm 2021, theo bà An, thị trường sẽ chứng kiến những cuộc mua bán và sáp nhập. "Thời gian tới sẽ là khoảng thời gian khá bận rộn cho các doanh nghiệp BĐS", bà nói.

Phân tích thêm về thị trường BĐS thời gian tới, chuyên gia Nguyễn Văn Đính đánh giá, thị trường sẽ có thêm nhiều cơ hội khi những quy định chính sách gây ách tắc dự án được tháo gỡ. Điển hình là những dự án BĐS bị ngưng trệ vào những năm 2019 - 2020 sẽ tái khởi động lại do công tác thanh kiểm tra đang đi vào giai đoạn cuối.

Hệ thống chính quyền địa phương bắt đầu ổn định vì sau Đại hội Đảng, công tác thanh kiểm tra sẽ đi vào giai đoạn hoàn thành các đợt kiểm tra. Khi bộ máy lãnh đạo ổn định, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phê duyệt hoạt động các dự án, tạo ra nhiều nguồn hàng cho thị trường.

Ông Đính dự báo, thị trường năm 2021 sẽ có nhiều dự án đẩy hàng ra, nên nguồn hàng sẽ đa dạng và phong phú, dồi dào. Các nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm mua hơn. Các nhà đầu tư bất động sản cũng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư kinh doanh.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group nhận định, qua năm 2021 có nhiều yếu tố hỗ trợ hơn để thị trường tốt lên. Đó là dịch bệnh được kiểm soát và nhiều ngành nghề sẽ được mở rộng. Thêm vào đó, Chính phủ hiện đang gấp rút khắc phục các "điểm nghẽn" để khai thông, đẩy mạnh pháp lý tốt hơn nhằm cải thiện nguồn cung.

“Theo dự đoán của tôi, 2021 không phải là năm quá bùng nổ về BĐS nhưng ít nhất lượng giao dịch và cung - cầu sẽ tăng lên. Có 3 phân khúc sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2021 là thị trường nhà ở, thị trường nhà phố và sản phẩm đất nền ở vùng ven, có kết nối giao thông tốt...”, ông Phúc chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhìn nhận, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ tiếp tục gặp một số khó khăn nhất định do tác động của đại dịch. Tuy nhiên về dài hạn, các doanh nghiệp BĐS vẫn thấy được tiềm năng và tín hiệu lạc quan từ thị trường, đặc biệt là phân khúc BĐS công nghiệp do sự chuyển dịch của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Còn với các dự án nhà ở, do là phân khúc ít chịu tác động của đại dịch khiến đất nền là kênh đầu tư an toàn cho các doanh nghiệp BĐS.

“Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy thị trường BĐS hiện nay chưa có biểu hiện cực đoan như đóng băng hay phát triển nóng”, ông Hà nhấn mạnh.

Minh Trang

Bạn đang đọc bài viết "Chưa thấy dấu hiệu cực đoan của thị trường bất động sản" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.